![]() |
Nghĩa trang Trường Sơn đã bị sạt tường rào do lũ. Ảnh: SGGP |
Ngày 10-11/10, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa to. Lũ trên các sông đã đạt đỉnh (ở mức báo động 3). 4 trẻ em đã bị chết đuối, nhiều tuyến đường từ trung tâm đi các huyện miền núi bị sạt lở, giao thông ách tắc.
Tại Quảng Ngãi, 5h sáng 11/10, lũ trên sông Trà Khúc đạt đỉnh, tại cầu Trà Khúc là 6,04 m, trên báo động 3 là 0,34 m, sông Vệ tại trạm Sông Vệ lên đỉnh lúc 4h sáng với mức 4,76 m, trên báo động 3 là 0,66 m. Ông Võ Cựu, Chi cục phó Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh, cho biết, nước lũ đã cuốn trôi 2 học sinh khi các cháu đang cố gắng qua sông Hà Riềng, huyện Tây Trà. 2 chiếc tàu đã bị chìm, rất may ngư dân được bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình cứu.
Trước thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, ngày 10/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp 120 triệu đồng và 750 thùng hàng gia đình (gồm chăn, màn, nồi, chảo, ấm đun nước…) để giúp đỡ các các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Tổng trị giá của đợt cứu trợ này là 345 triệu đồng. Cụ thể: Quảng Trị 300 thùng hàng gia đình và 50 triệu đồng; Quảng Bình 300 thùng hàng gia đình và 40 triệu đồng; Thừa Thiên – Huế: 150 thùng hàng gia đình và 30 triệu đồng. |
Thiệt hại nhiều nhất là huyện miền núi Tây Trà. Mưa gây sạt núi, làm nhiều phòng học và nhà dân bị hư hỏng nặng. Sáng 11/10, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã xuống huyện mang theo hàng cứu trợ, nhưng đến được nửa đường thì bị ách lại do sạt đường. Còn tại các huyện đồng bằng, mưa đã gây ngập cục bộ nhiều khu vực dân cư.
Tại Bình Định, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết địa bàn tỉnh không có mưa lớn nên lũ chỉ ở mức trên báo động 1, không đáng nguy hiểm. Tuy nhiên, tại một số vùng trũng như huyện Hoài Nhơn đã bị ngập hơn 800 ha lúa mùa và 64 ha ngô. "Đáng tiếc nhất là do bất cẩn, có 1 cháu bé 5 tuổi và 1 cháu 3 tuổi của xã Tam Quan Nam, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, đã bị chết đuối", cán bộ này thông báo.
Tại Thừa Thiên - Huế, sáng qua, lũ chưa rút hết thì đến chiều cùng ngày và sáng 11/10, do thượng nguồn sông Hương có mưa to nên lũ tiếp tục lên. 10h hôm nay, nước trên sông Hương tại Kim Long đạt 3 m, ở mức báo động 3; sông Bồ tại Phú Ốc là 3,28 m, dưới báo động 3 là 0,28 m. Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, nước đổ về nhanh đã gây ngập đường Bạch Đằng, Trần Thúc Kháng của thành phố Huế. Một số xã vùng hạ lưu sông Hương như xã Thuận An, huyện Phú Vang đã bị ngập. Đến 15h chiều 11/10, mưa đã giảm, lũ bắt đầu xuống, Ban chỉ đạo chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể nào.
Tại Quảng Nam, lượng mưa từ ngày 7 đến sáng 11/10 trung bình 250-300 mm, một số nơi đạt trên 300 mm như: Khâm Đức 309 mm, Trà My 380 mm. Mưa gây ngập và sạt lở một số tuyến đường đi các huyện miền núi. Cụ thể, tại huyện Nam Trà My, tuyến Trà Đon đi Trà Nam sạt 1.500 m3 đất đá, ngầm Sông Trường bị ngập. Tại huyện Tây Giang, mưa cũng làm sạt lở gần 30.000 m3 đất ở nhiều tuyến đường. Riêng tuyến Lăng đi Trhy-Axan, tuyến Taghe đi Apat đang bị ách tắc. Tại huyện Đông Giang, tuyến 604 (Đà Nẵng - Prao) sạt lở tại km 24-25 khoảng 1.500 m3, khiến giao thông tê liệt.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục lên. Chiều tối nay (11/10), lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam - Đà Nẵng có khả năng đạt đỉnh. Đỉnh lũ tại Kim Long ở mức 3,5 m (trên báo động 3 là 0,5 m), tại Phú Ốc 4 m (dưới báo động 3 là 0,5 m), tại Ái Nghĩa 8,8m (ở mức báo động 3), tại Câu Lâu: 3,9 m (trên báo động 3: 0,2 m). Lũ các sông ở Quảng Trị lên mức báo động 2.
Các chuyên gia dự báo khí tượng cảnh báo, các tỉnh trên cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Thủ tướng yêu cầu di dời các hộ dân vùng ngập sâu Ngày 11/10, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ; rà soát ngay lại các phương án phòng, chống, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là phương án bảo vệ người và tài sản của dân trong trường hợp mưa lũ lớn xảy ra nhanh và địa bàn bị bị chia cắt. Các địa phương cần có kế hoạch di dời các hộ dân vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; thực hiện việc cứu trợ, cứu đói kịp thời; làm tốt công tác chăm sóc y tế và phòng, chống dịch bệnh vùng bị thiên tai. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, quân đội, công an phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh miền Trung, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ bão. |
Như Trang
Theo dòng sự kiện: |
Lũ miền Trung làm 9 người chết (09/10) |
Mưa lớn gây ngập lụt ở Trung Trung Bộ (09/10) |
Không khí lạnh sẽ kéo dài trong 2 ngày (08/10) |
Áp thấp nhiệt đới gây mưa to ở Trung Bộ (07/10) |
Xem tiếp» |
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (11/10/2005)
▪ Thừa nam, thiếu nữ sẽ làm xã hội mất cân bằng (11/10/2005)
▪ Lưu thông thiếu tiền lẻ (11/10/2005)
▪ Cần có hành lang pháp lý cho ghép mô, tạng (11/10/2005)
▪ Mừng và lo (11/10/2005)
▪ Quảng Trị sẵn sàng trước lũ (11/10/2005)
▪ Khởi công đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa nối vành đai 1 (11/10/2005)
▪ TP HCM lập dự án chống xoáy lở trọng điểm (11/10/2005)
▪ Vệ sĩ đi bắt cóc, công ty bảo vệ 'giật mình' (11/10/2005)