Khó quản lý nhân khẩu người ngoại tỉnh tại Hà Nội
Các Website khác - 11/10/2005
Ông Phạm Văn Phấn. Ảnh: Đ.L.

Theo thống kê của Công an Hà Nội, 20% vụ phạm pháp trên địa bàn thành phố là do người ngoại tỉnh gây ra. Ông Phạm Văn Phấn, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trao đổi nhân đợt tổng kiểm tra hộ khẩu ở Hà Nội từ 10/10.

- Mục đích của đợt kiểm tra hộ khẩu lần này là gì, thưa ông?

- Đợt kiểm tra này sẽ xác định lại thực trạng dân cư, tình hình hoạt động của loại đối tượng tại những địa bàn giáp ranh, tụ điểm ma tuý mại dâm để có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, sẽ phát hiện và xử lý những vi phạm trong quản lý nhân khẩu, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu để chấp hành đăng ký tạm trú, tạm vắng.

- Người ngoại tỉnh về Hà Nội làm ăn ngày càng nhiều, Công an gặp khó khăn gì trong việc quản lý nhân khẩu?

- Việc người dân các tỉnh về thủ đô làm ăn có mặt tích cực mà cũng có mặt trái. Họ dễ bị lôi kéo, mua chuộc vào hoạt động trái pháp luật. Theo ước tính, 20% số vụ phạm pháp trên địa bàn là do nhóm người này gây ra, đặc biệt xảy ra cả những vụ án nghiêm trọng. Đây là tác động xấu đến an ninh trật tự.

Do người tỉnh ngoài không có chỗ ở ổn định, sống nay đây mai đó, biến động thường xuyên nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Có người dân chưa làm hồ sơ tạm trú xong đã chuyển đi rồi.

Ngoài ra, còn có hơn 10.000 nhà trọ ở thành phố, trong đó có những nhà trọ bình dân không đủ điều kiện để cho thuê như không đạt diện tích tối thiểu, nhà vách, tranh tre, thậm chí không có giường. Chính quyền không thu được thuế, công an không quản lý được do biến động thường xuyên.

- Theo quy định chủ nhà trọ sẽ phải đăng ký tạm trú cho người thuê nhà, song thực tế thì nhiều chủ nhà né tránh, hoặc người thuộc diện tạm trú cũng không chấp hành. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

- Theo quy định, với những nhà cho thuê tập thể thì hằng tối chủ nhà phải ra công an trình báo người tạm trú. Với những nhà cho thuê cả nhà thì chủ có trách nhiệm khai báo với phường. Những người đến ngủ qua đêm tại nơi mới đều phải đi khai báo tạm trú. Song thống kê cho thấy, mới có 60% người tạm trú đi khai báo, trong đó có một số đối tượng cố tình không khai báo như đang thi hành án, quan hệ bất chính... Đây là đối tượng quan trọng mà công an cần nắm, song khó biết được.

Tôi cho rằng, do người dân chưa tự giác khai báo. Ngoài ra, việc đôn đốc của cảnh sát khu vực còn hạn chế hoặc nể nang. Mức xử lý vi phạm rất nhẹ, chỉ phạt tiền từ 20 đến 100.000 đồng.

Với trường hợp người đã có hộ khẩu thành phố song cư trú nơi khác (dạng KT2) thì bắt buộc chuyển về nơi ở mới, song thực tế chưa nhiều người làm. Hiện vẫn còn hơn 100.000 người chưa chuyển đổi. Một phần do họ mua phải đất nông nghiệp, đất tranh chấp nên đành chấp nhận hiện trạng như vậy.

- Như vậy, công an địa bàn cũng vi phạm quy định đăng ký hộ khẩu như nể nang, né tránh. Theo ông, cần có thêm biện pháp gì để tăng cường việc quản lý nhân khẩu?

- Cái chính là do công an nể nang, chúng tôi đang giao lực lượng phúc tra lại thực trạng và giao chỉ tiêu cho công an khu vực phải hoàn thành chỉ tiêu đăng ký tạm trú dựa trên kết quả hằng năm. Nếu để sót nhiều người không khai báo thì sẽ kỷ luật. Tuy nhiên, trên hết là đẩy mạnh tuyên truyền để dân hiểu. Với các chủ kinh doanh, phải có cam kết tạm trú với công an phường.

Trong năm 2004, công an thành phố đã xử lý 23.000 trường hợp vi phạm đăng ký nhân khẩu, trong đó 11.500 trường hợp không khai báo tạm trú.

- Nhiều người dân ngoại tỉnh rất mong muốn có hộ khẩu thành phố. Thời gian tới, thành phố có cải tiến gì về việc nhập hộ khẩu?

- Trong số hơn 100.000 người dân diện KT3, mỗi năm công an thành phố giải quyết khoảng 15.000-20.000 trường hợp xin nhập hộ khẩu. Các điều kiện nhập là tạm trú 5 năm trở lên, có nhà ở ổn định là nhà hợp pháp, người mua đứng tên, không tranh chấp, không nằm trong quy hoạch, chứ không cần thiết phải có sổ đỏ như nhiều người vẫn nghĩ.

Việc hộ khẩu ở Hà Nội gây bức xúc trong dư luận do các ngành khác lấy hộ khẩu làm điều kiện như trẻ em đi học, mua nhà, đăng ký xe máy, lắp đặt điện thoại... Còn công an yêu cầu hộ khẩu chỉ để quản lý an ninh trật tự. Chúng tôi đã kiến nghị các ngành không nên lấy hộ khẩu làm điều kiện cho công việc của mình.

Đoàn Loan thực hiện