Mái dầm và tấm huy chương...
Các Website khác - 13/09/2005
PHÓNG SỰ
Mái dầm và tấm huy chương...

Vũ Thị Tươi
Người Bình Thuận gọi đua thuyền truyền thống là đua ghe ngo, Trung Quốc lại gọi là đua thuyền rồng. Các anh trong Sở TDTT Bình Thuận trò chuyện dông dài với tôi về đua thuyền suốt một buổi. Dường như ở đây người ta chỉ biết có đua thuyền. Vậy là tôi lên đường đi tìm những "người hùng" của thành phố biển Phan Thiết.

ông Năm Râu bên bộ sưu tập huy
chương đua thuyền của gia đình.
Yêu mái dầm - "thích dễ sợ"

Mười giờ sáng, một quán càphê ở TP.Phan Thiết rất đông đàn ông và con nít... cởi trần, đang dán mắt vào màn hình tivi, hào hứng xem một trận đua thuyền, của Giải đua thuyền vô địch quốc gia tổ chức tại Cần Thơ tháng 4.2005. Trên bậc tam cấp của ngôi nhà ngói đơn sơ, một ông già đang ngồi khoanh tròn, mặc độc một cái quần đùi, trông như một pho tượng. Bộ râu của ông đã bạc hết, không dài nhưng rất rậm. Hàm ria vểnh hài hước trông giống Bá tước Môngtơ Crixtô - cái tên Năm Râu hình thành từ đó. Tôi bật cười với suy nghĩ đó. Ông Năm vào chuyện mà không cần biết tôi là ai, từ đâu tới, tới làm gì. Câu chuyện ông kể cứ nhịp nhàng, sôi nổi theo những cái nhếch lên hạ xuống của hàm râu nghệ sĩ.

Đua thuyền là môn thể thao tập thể, có nguồn gốc từ những phong tục tập quán hội hè, vui chơi của dân miền biển. Một thuyền đua có hai mươi hai người, trong đó hai mươi người đua, một người chèo lái và một người tát nước. Từ năm 1998, đua thuyền trở thành môn thể thao đỉnh cao, được đưa vào chương trình thi đấu thể thao chuyên nghiệp, đua thuyền Bình Thuận thực sự có thêm những nguồn sinh khí mới. Gia đình ông Năm không chỉ là dân "bám biển" mà còn có thâm niên đua thuyền theo lối "gia đình trị" nổi tiếng nhất nhì ở đây. Ngày ông còn là thằng Năm, chưa có cọng râu... đen nào, cha mẹ ông đã đua thuyền. Giờ ông 53 tuổi, râu đã bạc hết, vẫn còn đua thuyền. Con trai ông và 7 đứa cháu đang là VĐV của đội đua thuyền Bình Thuận vô địch quốc gia 2005.

Ông chỉ cho tôi bốn - năm người đang ngồi xem tivi và liền tù tì giới thiệu: "Con trai bác nè, thằng này là cháu gọi bằng chú, thằng kia là cháu gọi bằng cậu". Tôi bối rối nhìn sang anh Nguyên, anh cười: "Còn bác Năm đây là dân chèo lái thứ thiệt đó". Ông cất tiếng cười sang sảng rồi lấy cái khăn quấn lên cổ như một vận động viên: "Hồi thi ở Thái Lan, bác cầm chèo được Huy chương Vàng đó mấy cháu". Người chèo lái có thể xem là linh hồn của thuyền đua. Đặc biệt là ở những khúc quanh hay phải quay đầu thuyền đua về đích. Ơ những khúc dễ mất tốc độ này, nếu không phải là một tay chèo lái cừ khôi, thì chắc chắn sẽ... chuyển thắng thành bại ngay. Người cầm chèo phải là người có nhiều kinh nghiệm, biết đo sức nước là nước sông hay nước hồ, dòng chảy ra sao, nước xuôi hay nước ngược. Người chèo lái còn là người có sức khoẻ dẻo dai và lì lợm nhất, để luôn giữ được những cú chèo đều tay, "ăn giơ" với hai mươi tay đua còn lại.

Tôi nhẩm tính: Giải Thái Lan mới năm 2002, vậy ông Năm lúc đó đã 50 tuổi rồi còn gì. Mấy thằng bạn U.20 của tôi ở thành phố chắc cũng phải lạy dài sức dẻo dai của ông già biển cả này. Mười bảy năm đua thuyền, tới giờ phút nghỉ ngơi tuổi già này, tôi vẫn cảm nhận ở ông một tình yêu không bao giờ tắt với những dòng sông, những mái dầm. Được kể về niềm đam mê của mình, ông không biết phải nói sao cho đủ, cho hết, cứ luôn miệng: "thích dễ sợ lắm", "mê lắm cháu ơi". Ông phát âm hai từ "dễ sợ" với cái âm hưởng Phan Thiết đặc sệt nghe mới kiêu kỳ làm sao. Ông nói đó là truyền thống của ngàn đời để lại, là niềm tự hào của dân biển và nay đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Năm ngoái dự giải đua thuyền ở Trung Quốc, các đội đua của Trung Quốc, Thái Lan, UÁc đã phải khiếp đảm, "cầm dầm mà vái" kinh nghiệm thi đấu đáng nể của đội đua thuyền Bình Thuận. Chúng ta đang lóng nga lóng ngóng trước vạch xuất phát thì đã thấy đối thủ vượt mặt một thân thuyền. Trọng tài đã thiên vị thì đành phải ngậm đắng nuốt cay mà chèo lia lịa. Vậy mà tới khúc quay đầu, ta vượt lên tới một thân thuyền rồi lẳng lặng ... bỏ về đích trước mười lăm giây. Thế là chủ nhà đổi phương án, không cho Việt Nam cầm dầm như trận trước nữa, bắt phải đổi tư thế chèo. Nhưng "vàng thật không sợ lửa", ta đổi kỹ thuật đua mà vẫn giành tiếp cái huy chương vàng thứ hai, rồi... "xin" luôn cái huy chương vàng thứ ba. Những anh chàng Tây phương lực lưỡng ngạc nhiên tới độ xúm xít lại nắn gân, nắn chuột những người hùng Việt Nam.

Người dân Phan Thiết mê đua thuyền đúng là có một không hai. Chỉ cần nghe phong thanh sắp có đua thuyền là bà con truyền tai nhau đến đăng ký, từ thanh niên mười tám đến đàn ông bốn mươi, từ thiếu nữ hai mươi đến những chị em đã qua ba - bốn "lửa" vẫn chen nhau cầm mái dầm thi thố. Giờ tôi mới tin lời nói đùa của chú Ba - Giám đốc Sở TDTT Bình Thuận: "Không tổ chức lễ hội đua thuyền là dân Phan Thiết khiêng tôi quăng xuống sông Cà Ty liền". Bắt đầu từ năm 1998, cứ vào mùng hai Tết Nguyên đán, Uỷ ban Nhân dân Phan Thiết "làm gì thì làm, nhất định... phải tổ chức đua thuyền truyền thống". Chị hàng xóm nhà ông Năm đang ngồi khêu ốc gạo khều khều tôi: "Cái đua thuyền này là phải hiểu mới thích, mới ham, chứ coi khơi khơi chán lắm".

Ông Năm chỉ cho tôi anh con trai ngồi gần đó nãy giờ vẫn đang thích thú chỉ trỏ màn hình tivi, thỉnh thoảng buông vài câu bình luận với mọi người. Nghe ông Năm giới thiệu: "Nó tên Hổ, hai mươi chín tuổi, một vợ, một con rồi". Anh quay lại: Mình trần, những bắp thịt cháy nắng đen bóng, hàm râu y như cha mình, đôi mắt nhỏ, không có đuôi nhưng chứa cái nhìn của một loài mãnh thú. Hai mươi chín tuổi, "con hổ của biển khơi" này đang ở độ chín của những tay đua thuyền. Sau giải nhất đua thuyền Đà Nẵng mở rộng, anh Hổ lại tiếp tục cùng Bình Thuận đoạt luôn Huy chương Vàng vô địch quốc gia 2005, chuẩn bị cho SEA Games 23.

Công việc bán nước thường ngày
của anh Hồ sau những cuộc đua thuyền.
Cái giá của một tấm huy chương

Tôi háo hức muốn biết cái huy chương vàng ấy giá bao nhiêu. Lần đầu tiên tôi nghe đến một giải thưởng tập thể - cấp quốc gia... khiêm tốn như thế: Năm triệu đồng cho một cái huy chương vàng. Hai mươi sáu vận động viên, một huấn luyện viên, cả tài xế lẫn phụ xe: Như nhau, mỗi người được gần hai trăm ngàn. Có lẽ đây cũng là cách chia sẻ giải thưởng một cách kỳ lạ nhất trong thể thao. Bất giác, tôi nghĩ: Chỉ những con người ít chữ nghĩa này mới có cách chia tiền "nghĩa hiệp" thế.

Trước mỗi giải đua thuyền, lớn hay nhỏ, trong nước hay quốc tế, các tay đua đều phải tập trung trước một tháng để tập luyện. Suốt một tháng ấy, mọi người không đi biển, không làm ăn gì hết, mỗi ngày tập hai tiếng, mỗi người được bồi dưỡng năm chục ngàn. Đi biển từ ba giờ chiều tới tám giờ sáng, anh Hổ cũng kiếm được vài triệu, chưa kể những khi trúng lớn tới mười triệu. Nhưng, "Đi thi vì tinh thần là chính chứ tiền bạc đáng bao nhiêu", tôi tin câu nói này là chân thành. Biết bao VĐV đoạt giải quốc gia này, quốc tế nọ, cũng chưa ai dám phát biểu câu này, bởi những tấm huy chương của họ đều đáng "đồng tiền bát gạo". Huy chương nào chẳng là huy chương, giải nhất nào trong các cuộc thi chẳng là giải nhất. Không cần phải đem ra so sánh, ai cũng hiểu huy chương đua thuyền khập khiễng thế nào với huy chương bóng đá. Đua thuyền truyền thống là một trong những môn chủ lực hứa hẹn đem về nhiều huy chương trong các kỳ SEA Games cho Việt Nam nhưng tiếc thay, đến bây giờ chúng ta vẫn còn "nuôi" những giải nhất bị ruồng rẫy như giải nhất đua thuyền. Ông Năm Râu nay đã bỏ dầm, ở nhà bán quán. Anh Hổ sau những giải đua cũng xắn tay bưng nước ngọt, pha càphê, thành thục không thua gì đua thuyền. Chừng nào anh định nghỉ đua thuyền. "Chừng nào Bình Thuận hết vô địch thì nghỉ". Nói xong câu ấy, anh Hổ cười to. Anh làm tôi nhớ đến câu thơ ngọt ngào: "Chừng nào nước sông kia cạn, anh mới thôi thương mình".

Đội đua thuyền Bình Thuận, sở không quản lý, tỉnh cũng không quản lý. Khi cần thì các tay đua có mặt, không cần thì mạnh ai nấy sống. Trả lời tôi về việc tổ chức một câu lạc bộ đua thuyền chuyên nghiệp để đào tạo lớp trẻ Phan Thiết, huấn luyện viên trưởng Đặng Quốc Kiệt cười buồn: "Dân biển kiếm một tháng cả chục triệu, sở nào trả lương cho họ nổi, với lại họ không chịu tách biển đâu, máu mà". Tôi đang chờ vài câu phàn nàn, tâm sự ỉ ôi của ông Năm hay anh Hổ, nhưng mãi chỉ thấy hai cha con nói về những truyền thống và tương lai của đua thuyền Bình Thuận, về những kỷ niệm đi thi đấu, tất tần tật về đua thuyền mà thôi. Không chỉ có tình yêu, ở họ còn có một sự lạc quan đáng nể. Những người hùng bình dị.