22 giờ đêm, thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (U.A.E) đón chúng tôi với thời tiết thật lý tưởng: Trời se lạnh, nhiệt độ chỉ 21oC.
Hai người Việt Nam đầu tiên chúng tôi gặp tại sân bay Dubai đêm ấy lại là hai lao động Việt Nam của Vinaconex. Đang trên đường ra xe, chợt có tiếng thanh niên hỏi gấp:
- Các anh có phải là người Việt Nam từ trong nước sang không?
Hỏi ra mới biết, đó là hai chàng thợ điện công nghiệp làm việc ở một nhà máy thuộc Tiểu vương Shayjah, cách Dubai gần 100 km về phía bắc. Hôm nay, họ được doanh nghiệp Việt Nam “e-mail” sang nhờ đón năm lao động nữa sang làm việc tại nhà máy của họ.
- “Quân ta” ở đó có đông không? Tôi hỏi.
Hai anh chàng, tự giới thiệu tên là Trọng và Đích, mau mắn trả lời: Thêm năm lao động đón hôm nay nữa là có 25 người.
- Ở thị trường lao động khu vực Trung Đông này, thuận lợi nhất và khó khăn nhất là gì?
- Thuận nhất là công việc ổn định, thu nhập tạm hài lòng (cả làm thêm họ được 450 USD/tháng), xã hội an bình, người dân thân thiện. Khó khăn nhất là xa nhà (đương nhiên) và tháng 7, tháng 8 hằng năm, nhiệt độ nóng tới 47 hoặc hơn 50o C. Nhưng rồi cũng quen, lao động nước khác chịu được, thì mình cũng chịu được.
Chợt nhớ lại, khi làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Nội Bài, khi biết tôi là phóng viên báo Nhân Dân, sĩ quan phụ trách việc xuất nhập cảnh hôm đó cho tôi một thông tin: Ở thời điểm này, ngày nào cũng có vài chục lao động ta đến làm việc ở khu vực Trung Đông.
Thị trường lao động rộng mở
Ở khu vực Trung Đông, các quốc gia như U.A.E, A-rập Xê-út, Qatar, Bahrain và Oman là những nước rất giàu có vì trữ lượng dầu mỏ và tài nguyên lớn, nền kinh tế rất phát triển, có nhu cầu tiếp nhận hàng triệu lao động nước ngoài từ kỹ sư thuộc mọi ngành kỹ thuật đến công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, khu vực dịch vụ... Chỉ tính riêng ở U.A.E, một quốc gia có khoảng bốn triệu dân, nhưng đã tiếp nhận 2,5 triệu lao động nước ngoài. Trong đó, Ai Cập chiếm 1,3 triệu, Ấn Độ hơn một triệu, Pakistan: 800 nghìn, Philippines: hơn 300 nghìn. Số còn lại là Indonesia và Việt Nam mới chỉ có hơn 3.000 lao động (Trong đó, Trung tâm XKLĐ và thương mại hàng không AIRSERCO có 1.600 lao động, chiếm 50% tổng số lao động Việt Nam tại U.A.E); Tổng công ty Tracimexco (Bộ Giao thông vận tải) có 140 lao động làm một số nghề như điện, hàn, sơn cho Công ty Dubai Drydocks chuyên sửa chữa tàu biển có sức chở lớn từ hàng chục nghìn đến 260 nghìn tấn. Công ty SONA (Bộ LĐ-TB và XH) cũng có một số lao động làm việc ở U.A.E. Tuy nhiên, với một quốc gia như U.A.E hiện có 2,5 triệu lao động nước ngoài đến làm việc, thì hơn 3.000 lao động Việt Nam của một số doanh nghiệp XKLĐ có mặt ở đây, chỉ như là vài hạt cát trên thị trường lao động rộng lớn như sa mạc này. Đấy là chưa kể các nước trong khu vực như A-rập Xê-út, Qatar, Bahrain, Oman chúng ta mới bắt đầu thăm dò, tìm cách đưa lao động vào làm việc ở các nước này.
Với quyết tâm “mở cửa” thị trường lao động khu vực Trung Đông, thời gian qua, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Hằng đã hai lần cùng một số doanh nghiệp XKLĐ mạnh của Việt Nam đến làm việc với Bộ LĐ và XH các quốc gia khu vực Trung Đông với tín hiệu đáng mừng: Bằng cách này hoặc cách khác, các quốc gia kể trên đều sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động có nghề.
Đa dạng ngành nghề, thu nhập chấp nhận được
Ông Phan Văn Thắng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Dubai cho biết: U.A.E có trữ lượng dầu mỏ rất lớn, chỉ sau A-rập Xê-út và Iraq, vì thế, U.A.E là một quốc gia rất giàu có. Nhà nước “bao” miễn phí hoàn toàn cho người dân từ y tế, giáo dục, điện, nước, nhà ở... Thu nhập bình quân đạt tới 27 nghìn USD/người/năm. Người A-rập phần lớn làm ông chủ, thuê lao động nước ngoài đến làm việc. Trên nền tảng kinh tế-xã hội của một quốc gia giàu có, nền kinh tế U.A.E đang phát triển rất mạnh, họ đặt ra mục tiêu: Mười năm tới, U.A.E phải là một trong những trung tâm kinh tế mạnh của thế giới. Bản thân sự phát triển của một nền kinh tế năng động và hiện đại, kéo theo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, cần nhiều lao động nước ngoài, nhất là lao động có tay nghề và kỹ thuật ở rất nhiều nghề, nhiều lĩnh vực sản xuất. Thí dụ, Dubai có quá nhiều khách sạn, nhưng đặt phòng rất khó khăn, vì khách nước ngoài đến rất đông. Khi xây dựng khách sạn, cần rất nhiều thợ trong nghề xây dựng: từ làm cốp-pha, đổ bê-tông, xây tường, thợ hoàn thiện, thợ hàn, thợ điện... khi khánh thành, mỗi khách sạn cần hàng trăm lao động, từ thợ nấu ăn, thợ làm bánh, người dọn phòng, giặt đồ... Không chỉ U.A.E, mà các quốc gia trong vùng như A-rập Xê-út, Qatar, Bahrain, Oman đều có bước phát triển, rất cần lao động.
Ông Lê Mạnh Hà, phụ trách Trung tâm XKLĐ của Cienco1 cho biết: Thị trường lao động A-rập Xê-út rất cần lao động nước ngoài ở nhiều nghề. Nhưng, có một hình thức tiếp nhận lao động rất thú vị: Đó là, họ có thể tiếp nhận cùng lúc hai vợ chồng sang làm việc: chồng, lái xe; vợ, giúp việc trong một gia đình chủ, thời hạn hợp đồng có thể kéo dài nhiều năm. Nếu ta đào tạo được người lao động đi theo mô hình kể trên thì quá tuyệt vời, vừa kiếm được việc làm và thu nhập, lại tự chăm lo, bảo vệ được cuộc sống hạnh phúc của gia đình.
Trung tâm thương mại và dịch vụ Flower Center ở Dubai do lao động Việt Nam của AIRSERCO góp phần xây dựng.
| Ở U.A.E, lao động Việt Nam của AIRSERCO làm việc trên cả bảy tiểu vương, nhưng nhiều nhất là ở Dubai, thủ đô A-bu Dhabi, Sharjah..., và làm rất nhiều nghề từ thợ xây dựng, sản xuất tại nhà máy và dịch vụ khách sạn. Lao động của AIRSERCO vừa góp phần xây dựng xong Flower Center - một Trung tâm thương mại-dịch vụ lớn ở Trung tâm Dubai, được bạn đánh giá cao về trình độ tay nghề và ý thức lao động nghiêm túc của công nhân Việt Nam.
Chúng tôi đến thăm 24 lao động thợ hàn và thợ sơn của AIRSERCO làm ở Hãng Tiger Steel Engineering chuyên sản xuất các kết cấu thép cung ứng cho các công trình xây dựng sân bay, cảng biển, nhà cao tầng, trung tâm thương mại ở U.A.E và các nước trong khu vực.
Lưu Minh, một bạn trẻ 23 tuổi, quê Hải Dương cho biết: Khi mới sang, tay nghề hàn của lao động Việt Nam còn kém các bạn công nhân Ấn Độ và Ai Cập làm việc trong xưởng. Nhưng, chỉ sau ba tháng tay nghề hàn của bọn em đã “biến” tay nghề của các bạn lao động nước khác tụt lại một quãng khá xa.
Thợ hàn Nguyễn Trọng Hưng, ngồi cạnh tôi, nói nhỏ: Nhiều bạn lao động nước khác không hiểu tại sao tay nghề bọn em tiến bộ nhanh thế.
- Làm sao kiểm chứng được điều đó? Tôi hỏi Hưng.
- Tất cả các mối hàn đều do các kỹ sư người Đức hoặc người Áo làm việc cho hãng kiểm tra bằng siêu âm. Kết luận thường là: Vùng hàn nhỏ, gọn, đẹp và sạch. Trên cả tuyệt vời.
Còn bạn Nguyễn Mạnh Dũng, quê Phú Thọ, cho biết: Vừa ở bộ đội về, xin đi lao động nước ngoài luôn. Dũng làm thợ sơn công nghiệp, mới sang, cho nên “đường” sơn tuy đã bảo đảm kỹ thuật, nhưng chưa đẹp lắm. Dũng bảo, chỉ cần một tháng làm việc nữa thôi, em sẽ luyện “đường” sơn của em thật đẹp. Ở nhà máy này, Dũng nói, đang có cuộc thi đua ngầm, lao động Việt Nam phải vượt lên lao động nước khác về trình độ tay nghề và tính kỷ luật. Bọn em bây giờ, giống như một đội bóng, quyết tâm thi đấu vì mầu cờ sắc áo Việt Nam.
Vị quản đốc phân xưởng người Áo, buông một câu ngắn gọn “chấp nhận được” khi tôi hỏi ông có hài lòng về trình độ tay nghề và kỷ luật của lao động Việt Nam.
Anh em lao động Việt Nam ở đây có thu nhập từ 350 đến 450 USD/tháng, cứ năm người gộp lương lại cho một người để lần lượt gửi về gia đình nhận một khoản tiền lớn hàng chục triệu đồng. Cùng đi với chúng tôi, có hai cán bộ tín dụng thuộc Ngân hàng đầu tư và phát triển sang khảo sát thu nhập của lao động để Ngân hàng mạnh dạn cho vay, và hướng dẫn lao động gửi tiền về nước và gia đình sao cho có lợi nhất.
Chất lượng lao động phải cao, tính kỷ luật phải tốt
Tổng lãnh sự Phạm Văn Thắng khẳng định: Xét trên mặt bằng thị trường lao động các nước khu vực Trung Đông, U.A.E như một “trung tâm”, một “bàn đạp” để vào các quốc gia tiếp nhận lao động trong khu vực. Vì thế, U.A.E như một “hàn thử biểu”. Nếu chất lượng lao động Việt Nam làm việc ở U.A.E tốt, sẽ cộng hưởng và gây tiếng thơm tới thị trường lao động A-rập Xê-út, Qatar, Bahrain, Oman, và ngược lại, nếu lao động Việt Nam sang U.A.E có chất lượng không tốt, gây ra “vụ nọ, việc kia” sẽ ảnh hưởng không nhỏ việc các quốc gia trong khu vực tiếp nhận và sử dụng lao động Việt Nam. Vì thế, lao động vào Trung Đông cần được đào tạo kỹ về nhận thức, tay nghề, ngoại ngữ (tiếng Anh) và tính kỷ luật, đặc biệt là cách ứng xử khi sống và làm việc ở các quốc gia theo đạo Hồi. Phải trân trọng con người và tín ngưỡng Hồi giáo của người A-rập. Thời tiết vào tháng 7 và tháng 8 tuy có lên tới 50o C, nhưng Luật lao động của U.A.E đã buộc chủ sử dụng lao động không được cho lao động nước ngoài làm việc ngoài trời từ 13 giờ đến 16 giờ chiều, vì đó là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Lao động chỉ làm việc ca sáng và từ 16 giờ chiều trở đi.
Điều đáng mừng là, số lao động ta hiện có ở U.A.E đã hiểu kỹ phong tục, tập quán của người dân A-rập ở đây. Tuy đã xảy ra một vài sự cố, nhưng sự việc chưa đến nỗi trầm trọng. Điều tiên quyết là, muốn làm việc lâu dài ở khu vực Trung Đông, lao động Việt Nam phải có nghề, có tính kỷ luật cao, và tôn trọng tín ngưỡng Hồi giáo, có cách ứng xử phù hợp. Các quốc gia Hồi giáo nghiêm cấm việc uống rượu, cãi nhau, đánh nhau, ăn cắp, trai gái, nói dối, đình công, nếu mắc phải sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc.
|