Mở "Thiên đường Đại Lải" kiểu "mỡ nó rán nó"?
Các Website khác - 11/08/2005

(VietNamNet)  - Đại Lải có thể trở thành "thiên đường du lịch" theo một dự án lấp lòng hồ với tổng diện tích 30,1ha?
>>
Vì sao dự án "lấp hồ" Đại Lải bị thanh tra?

Từ ngày 15/12/2003, dự án "lấp hồ" Đại Lải đổi tên thành: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải (DaiLai Paradise - Thiên đường Đại Lải). Chủ đầu tư cũng đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng.

Soạn: AM 510936 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Việc triển khai các dự án phát triẻn du lịch khu vực hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) cần được khuyến khích. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cho phép lấp hồ. Ngoài ra, cần thẩm định khả năng triển khai dự án thành công của chủ đầu tư một cách chặt chẽ. Ảnh: GiangVT.

Xem xét lại quá trình cấp phép cho dự án, có thể thấy rằng Công ty Nhật Hằng đã được ưu ái đến mức... bất thường. Theo phê duyệt, tổng vốn đầu tư của dự án sẽ là 102,3 tỷ đồng, tổng doanh thu dự tính 206 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tiến hành thẩm tra dự án, Ban quản lý khu công nghiệp và thu hút đầu tư Vĩnh Phúc chỉ có vỏn vẹn vài dòng về tổng vốn đầu tư của dự án (102,7 tỷ). Không xác định được vốn thực tế hiện có, cũng không đánh giá khả năng huy động vốn.

Rõ ràng đây là dự án có mức đầu tư rất lớn và lãi cũng rất lớn. Nhưng năng lực tài chính của chủ đầu tư thì quả thực... qúa bất thường.

Nhật Hằng được "ưu ái" như thế nào?

Soạn: AM 510928 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Với năng lực tài chính chỉ bằng 1/10 vốn đầu tư, không hiểu Công ty Nhật Hằng huy động ở đâu ra 90 tỷ còn lại để thực hiện dự án...? Ảnh: Hà Trường.

Vào thời điểm đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhật Hằng, thành lập năm 1999, được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trụ sở đăng ký tại P5- E11 khu tập thể Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng.

Tại quyết định chấp thuận đầu tư số 888 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ nói về nguồn vốn đầu tư như sau: “Nguồn vốn đầu tư: Vốn tự có của Công ty: 12,37 tỷ đồng; Vốn huy động, vốn vay: 90 tỷ đồng” (nguyên văn).

Với năng lực tài chính chỉ bằng 1/10 vốn đầu tư, Không hiểu Công ty Nhật Hằng huy động ở đâu ra 90 tỷ để thực hiện dự án?

Về nguyên tắc, trước khi phê duyệt dự án, cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh phải khẳng định được tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư.

Một cán bộ thẩm định dự án có kinh nghiệm giải thích với chúng tôi nguyên tắc thẩm định: Doanh nghiệp phải có ít nhất 50% vốn tự có/ tổng vốn đầu tư mới đủ khả năng thực hiện dự án.

Hoặc trong trường hợp dự án có triển vọng, thì vốn tự có cũng phải đáp ứng ít nhất 40% tổng vốn mới đảm bảo được tính khả thi.

Trong khi đó, thời điểm được phê duyệt Nhật Hằng chưa hề đưa ra những bảo lãnh về mặt tài chính cũng như chưa giải trình được các vấn đề về tài chính dự án.

Ngày 8/8/2005, chúng tôi đã liên hệ với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để tìm kiếm những câu trả lời trực tiếp từ Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phi hoặc Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hoà nhưng nhận được trả lời từ phía Văn phòng Uỷ ban: Chờ đợi xếp lịch!

Phải chăng Vĩnh Phúc đã phê duyệt khi chưa hề kiểm tra, đánh giá năng lực tài chính cũng như khả năng thực hiện dự án của công ty này?

Câu hỏi đặt ra: Nhật Hằng lấy đâu ra 90 tỷ đồng để thực hiện đầu tư hay là đem chính quyết định của UBND tỉnh để đi huy động vốn.

Chưa hết. Ngày 22/4/2003, Sở Địa chính tỉnh Vĩnh Phúc có phiếu thẩm định hồ sơ xin giao đất cho Nhật Hằng do cán bộ địa chính Phan Tuệ Minh ký.

Nội dung phiếu thẩm định cho thấy: "Bản đồ không rõ loại đất, thửa đất, các vật chuẩn để có thể xác định mốc giới, ranh giới. Không thể hiện được phần quy hoạch đất thuê, đất giao thu tiền và giao không thu tiền. Hồ sơ không có bản đồ phê duyệt địa điểm để kiểm tra quy hoạch. Không có đơn thuê đất, phương án đền bù”.

Đối với một hồ sơ không có bản đồ, không có đơn thuê đất, không có phương án đền bù như của Nhật Hằng, lãnh đạo Sở Địa chính xử lý thế nào?

Dường như lãnh đạo Sở Địa chính Vĩnh Phúc đã "không thèm" quan tâm đến những nhận xét này. Bởi, cũng ngay trong ngày 22/4/2003, Giám đốc Sở Địa chính Phạm Thanh Long lại ký tờ trình số 112 về việc thu hồi và giao 30,1 ha đất cho Nhật Hằng.

Soạn: AM 510930 gửi đến 996 để nhận ảnh này

... hay là công ty Nhật Hằng đem chính quyết định của UBND tỉnh để đi huy động vốn? Ảnh: Hà Trường.

Chia đất đem bán dưới danh nghĩa dự án?

Trong tổng doanh thu dự tính của dự án, số tiền tính toán sẽ thu được là 206 tỷ đồng thì trong đó đã có hơn 160 tỷ đồng được tính toán từ việc chuyển nhượng. Thực chất, là bán 8,44 ha đất.

Như vậy, chỉ riêng việc được phép bán 8,44 ha này, Nhật Hằng đã thu hơn 160 tỷ đồng trong khi tổng mức đầu tư của dự án chỉ 102 tỷ đồng.

Trong quyết định của UBND tỉnh về việc giao đất cho Nhật Hằng thì 30,1 ha này được giao theo 3 hình thức. Còn trong số 8,44 ha được giao lâu dài để bán, UBND tỉnh Vĩnh Phúc công khai rằng sẽ thu lại 25%.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay: Việc  Vĩnh Phúc yêu cầu chủ đầu tư chia lại 25% quỹ đất được giao là chủ trương của tỉnh từ vài năm nay. Quỹ đất đó sẽ được mang bán đấu giá để bổ sung vào ngân sách địa phương.

Nhưng quá khó để hiểu tại sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại chấp nhận một dự án "lấp hồ" như của Công ty Nhật Hằng khi hồ Đại Lải đang có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước cho khu vực và đang thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ NN&PTNT?!

Yêu cầu "Quỹ đất 25% dành cho tỉnh" này được đưa ra trong một biên bản làm việc tại "Hội nghị 4 bên" vào ngày 13/8/2003 tại trụ sở Sở Tài nguyên & Môi trường (Sở TN&MT).

"Hội nghị" này có mặt: Phó GĐ Sở TN&MT Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ Sở Tài chính - Vật giá Đường Trọng Khang, Phó GĐ Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Tung, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và thu hút đầu tư Nguyễn Công Lộc...

Không ai giao đất, bán đất cho một tư nhân đặc biệt khi đất thuộc lòng hồ. Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn có thể xoay chuyển nếu tư nhân đó có một cái gọi là Dự án.

Và việc Vĩnh Phúc thoả thuận "đòi" chia lại 25% diện tích khu đất biệt thự phải chăng là một hình thức bán đất dưới danh nghĩa dự án?

(Còn tiếp)

  • Nhóm PV Điều tra