Mùa cưới, về vùng cau Cao Nhân
Các Website khác - 07/12/2005
Xã Cao Nhân (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) là vùng chuyên trồng cau nổi tiếng. Đang mùa rét mà không khí ở đây vẫn đầy sôi động với mùa làm ăn mới.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, theo đề án chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xã Cao Nhân chuyển 45 ha đất lúa sang trồng cau và chuối. Nhưng cây chuối chỉ trụ trên đồng đất này vài năm, sau dần dần phải nhường chỗ cho cau. Hơn 2.500 hộ trong xã, không nhà nào không có cau. Nhà ít cũng một sào Bắc Bộ, nhà nhiều tới hơn 1.000 cây, trong đó, thôn Nhân Lý nhiều cau hơn cả.

Đến nay, 125 ha ruộng ở Cao Nhân đã biến thành những mảnh vườn trồng toàn cau liên phòng cho thu hoạch quanh năm. Tổng cộng, Cao Nhân có tới hơn 300 ha cau. Phong trào trồng cau lan dần sang một số xã khác trong huyện như Chính Mỹ, Hợp Thành, Thiên Hương…

Cứ sau mỗi vụ thu hoạch cau cuối năm, người dân đi xắn đất phù sa, đổ thành từng luống dài bên đê sông Cấm, phơi qua gần một năm cho nỏ mới đổ vào vườn. Khi vườn có đủ đất màu, mọi người bắt tay vào việc chọn giống cau. Kiếm được một cây cau để giống cũng cầu kỳ lắm, phải chọn cây hơn 25 năm tuổi, tàu lá xanh, dẻo và luôn đạt 9-11 tàu trên thân. Lấy buồng trên cùng để giống, thu hoạch vào cuối kỳ, tháng 4, tháng 5 năm sau, khi buồng đã chín đỏ. Ươm cau ra vườn trên đất đã khô nỏ, dễ thoát nước, trên là đất màu xoa nhỏ trộn với trấu, tơi xốp như mâm xôi vò. Khoảng ba năm, khi cây cao ngang đầu người, cữ tháng 10 thì bắt đầu trồng, tính sao khi dầm xuân (mưa) là cau bén rễ. Mỗi sào đạt mật độ khoảng 60 – 70 cây.

“Được mùa cau, đau mùa lúa”, năm nay cây lúa chịu đủ thiên tai, quả cau may được giá, người dân đỡ thiệt thòi. Cau hàng hoa 1.000 đồng/quả, tính ra hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần lúa ở đây. Cau thật sự là cây của nhà nghèo, mỗi năm chỉ được bón 1 -2 kg lân, thế mà cứ vươn lên cao vút. Nếu không sâu bệnh, cau có thể cho thu hoạch kéo dài tới 70 – 80 năm.

Bác Hoàng Văn Dung, nhà ở xóm 5, thôn Nhân Lý chỉ tay ra mảnh vườn mới trồng mấy hàng cau đều tăm tắp: “Vườn cau nhỏ này tôi mới trồng vài năm nay, bây giờ đã bói dại (ra quả đợt đầu) rồi, buồng đẹp và sai quả, thu nhập của gia đình tôi nhờ cau cũng ổn định. Từ lâu rồi, người Cao Nhân chúng tôi đã xác định chăm lo mảnh vườn của mình hơn những thứ khác, ti vi, tủ lạnh, xe máy từ đấy mà ra cả”.

Khoảng 50% số hộ trong xã đạt thu nhập hằng năm 10 - 15 triệu đồng, hơn 10% thu nhập 30 - 40 triệu đồng. Dịp cau được giá, không ít gia đình thu về hơn 100 triệu đồng. Nhờ cau, nhiều gia đình trở nên giàu có. Riêng thôn Nhân Lý, một số hộ sắm cả ô-tô tải để vận chuyển cau đi khắp nơi tiêu thụ.

Mươi, mười lăm năm trước, khi thị trường còn hẹp, cau hầu như chỉ sử dụng trong dịp hiếu hỷ, lễ hội; sau khi mở cửa thông thương với Trung Quốc, cau Cao Nhân đã tìm đường “vượt biên”. Cau khô xuất khẩu được thị trường ngoài nước tiêu thụ dễ dàng, vừa đáp ứng nhu cầu ăn trầu, vừa để chế biến kẹo cau rất thơm ngon, có tác dụng chống rét.

Thương hiệu cau Cao Nhân đã “hút” gần như toàn bộ lượng cau các nơi đổ về. Từ hàng chục năm nay, ở Cao Nhân đã hình thành nghề chế biến cau xuất khẩu. Hiện nay, Cao Nhân có hơn 100 hộ làm nghề chế biến cau xuất khẩu quy mô lớn, nhiều hộ hợp tác, đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng cơ sở sấy cau liên hoàn gồm chín lò đốt, công suất tám tấn/lượt, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Cụ Hoàng Thị Dần, 96 tuổi quê ở Cao Nhân, là Việt kiều ở Mỹ về kể chuyện, bên Mỹ cũng bán cả loại cau Cao Nhân tươi phục vụ cộng đồng người Việt Nam, đủ thấy quả cau nơi đây đã đi khắp thiên hạ như thế nào. Tuy Cao Nhân là trung tâm của nghề sơ chế cau xuất khẩu, nhưng cau ở đây đều được mua từ nơi khác về.

Anh Hoàng Văn Chấp cũng ở xóm 5 làm nghề sấy cau mười năm nay, cho biết: “Cau Cao Nhân không lo khâu tiêu thụ, chẳng bao giờ phải đem luộc hay sấy, chỉ làm đồ cho việc cưới xin cũng đắt như tôm tươi, không có mà bán ấy chứ. Chúng tôi làm nghề phải lặn lội tận Bến Tre, Cà Mau, Tây Ninh mua cau đem ra”.

Mùa này, đến Cao Nhân sẽ dễ dàng nhận ra mùi cau luộc ngái thơm thoang thoảng toả khắp các con đường dọc dài quanh làng. Cau luộc sôi khoảng 45 phút được vớt ra phơi ráo nước, sau đó sấy trong 6 – 7 ngày, năm kg cau tươi sẽ được một kg cau sấy. Nhờ nghề sơ chế cau mà cây cau không bị rẻ rúng. Cau sấy đem qua biên giới sang Trung Quốc tiêu thụ cũng rất dễ dàng. Sang Xuân, lễ hội, cưới xin được tổ chức nhiều, trong khi các nơi đã hết cau, bằng kỹ thuật trồng riêng, quả cau Cao Nhân vẫn luôn có sẵn vào thời điểm đắt nhất đó.

Giờ đang mùa cưới, cau từ Cao Nhân lại toả đi, làm nên đồ dẫn lễ chủ chốt trong đám vui đôi lứa. Buồng cau trăm quả như một đều tăm tắp, tròn to và xanh mỡ, ức buồng ngắn, cành dẻo, tua (tóc) quả to, cứng và có độ dài đều, đó là những quy định cơ bản nhất cau Cao Nhân phải đạt được. Cau “hàng hoa” còn phải bảo đảm tiêu chí hương vị, thịt quả mềm, hạt trắng, không được chuyển màu đỏ và bị rời ra. Ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cao Nhân bật mí: “Cau dẫn lễ không quy định theo giá nào, gặp buồng đẹp, ứng ý, nhiều người sẵn sàng trả vài triệu đồng”. Cau có mã đẹp được chủ hàng tân trang cầu kỳ bằng giấy trang kimn chữ “song hỷ”, đặt trang trọng cùng từng thếp lá trầu trên mâm phủ lụa hồng.

Có thể bây giờ, nhất là ở thành phố, nhiều người không ăn trầu nữa, không biết têm trầu và cũng chẳng rành bổ cau, nhưng trầu cau trong ngày hội lễ, cưới hỏi mãi mãi là thứ không thể thiếu. Sau ngày ăn hỏi, nhà gái vẫn đem cau trầu biếu hàng xóm và bà con ruột thịt báo tin, chia vui. Đó là tục lệ đẹp, bởi trầu cau là “biểu tượng” của bản sắc văn hoá Việt Nam, gợi lại một nét đặc trưng thật quê cảnh giữa phường phố đầy rẫy xa hoa.

QUANG HƯNG