"Mỹ nên chân thành xin lỗi về những sai sót và sử dụng khoản 300 triệu đôla để bồi thường cho các bệnh nhân da cam thay vì dùng số tiền đó dành cho các cuộc nghiên cứu vô bổ của mình" - Trưởng đoàn Hội Nạn nhân chất độc da cam Hàn Quốc phát biểu tại Hội nghị quốc tế Nạn nhân chất độc da cam, sáng nay.
Nguyễn Tấn Lộc và Lê Văn Ởn, hai nạn nhân chất độc da cam tại làng Hòa bình Thiện Phước. T.H. |
Hội nghị đã quy tụ hơn 150 đại biểu gồm các nạn nhân 6 nước Mỹ, Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Việt Nam và các nhà khoa học, luật gia...của nhiều nước. Các đại biểu quốc tế đã chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trong việc đòi công lý cho các nạn nhân
Theo giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, trong cuộc chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều vũ khí hiện đại, nhưng hiểm độc nhất là các hóa chất với tên gọi là chất khai quang, diệt cỏ. Các nhà khoa học Mỹ cho rằng trong 10 năm, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất khai quang, trong đó có hơn 1 nửa là chất da cam, chứa khoảng 366 kg dioxin. Song có tài liệu đã ước tính số dioxin có thể lên đến 500-600 kg.
Đây là một số lượng rất lớn vì dioxin là một chất độc nguy hiểm nhất. Chỉ cần 1g dioxin là có thể giết chết 20.000 người. "Chỉ cần bỏ 80g dioxin vào hệ thống cung cấp nước thì có thể tiêu diệt cả thành phố 8 triệu dân", Giáo sư Nhân minh hoạ. Ông khẳng định, chất này còn đặc biệt nguy hiểm vì không tan trong nước và có khả năng tích tụ dần trong cơ thể. Sau 20-30 năm nó vẫn có thể gây ra chứng bệnh và hậu quả như ung thư, tổn thương hệ thần kinh, dị dạng, di truyền chất độc....
Ông nói: "Đau đớn và nguy hiểm nhất là dioxin tác hại không phải chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ. Chúng tôi đã thấy những dị tật bẩm sinh nặng nề ở thế con, thế hệ cháu, mặc dù chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm nay". Các nghiên cứu cho thấy dioxin đã gây đột biến gien và nhiễm sắc thể ở những người bị phơi nhiễm dẫn đến các dị tật bẩm sinh và quái thai.
Trong những năm 90, một số công trình nghiên cứu của nhà khoa học Mỹ đã phát hiện dioxin trong tinh dịch của cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam trở về, như vậy có thể giải thích sự nhiễm độc tế bào sinh dục của nam giới dẫn tới dị tật bẩm sinh. Trong thời kỳ bào thai cũng như trong thời kỳ sau sinh, dioxin trong máu và sữa mẹ tiếp tục tác hại thai nhi và đứa bé còn non nớt.
Chia sẻ với các nạn nhân Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam Hàn Quốc còn đưa ra những câu chuyện cho thấy sự thờ ơ, của quân đội Mỹ năm xưa. Trong những ngày thực hiện chiến dịch rải chất khai quang, các binh sĩ người Hàn Quốc không hề nhận được chỉ thị hay lưu ý riêng nào về chất da cam. Các chỉ huy cao cấp còn nói rằng, khi phân tán trong không khí chất diệt cỏ có thể phòng chống muỗi đốt. Do vậy nhiều binh sĩ tay trần còn bôi vào người chất da cam sau khi rải để đuổi muỗi. Các binh sĩ còn lấy nước chảy từ trên núi xuống để uống. Mười năm, hai mươi năm sau chiến tranh, chất da cam đã tích tụ trong cơ thể bắt đầu giết dần giết mòn các binh sĩ.
Trong khi tổ chức Hòa bình xanh cho rằng có 123 bệnh liên quan đến chất da cam, Viện Hàn lâm khoa học Mỹ lại chỉ công nhận có 3 bệnh, và sau đó dưới áp lực của công luận, Viện phải bổ sung thêm 3 bệnh nữa. |
Theo thống kê của Hội nạn nhân Hàn Quốc, số bệnh nhân mà Chính phủ Hàn Quốc phải trợ cấp do chất da cam có thể lên tới 100.000 người và theo điều tra, số cựu chiến binh đã chết bởi chất da cam ước tính vào khoảng 20.000 người.
Trưởng đoàn Hội nạn nhân chất da cam Hàn Quốc cho biết, năm 1993, các nạn Hàn Quốc đã quyết định kiện Chính phủ Mỹ vì đã sử dụng chất hóa học tại chiến tranh Việt Nam. Song vụ kiện gặp nhiều khó khăn vì luật Mỹ đã quy định không ai được thưa kiện chống chính phủ Mỹ về những tổn thương mà họ gặp phải trong chiến tranh và không người nước ngoài nào được phép kiện Chính phủ Mỹ. Chính vì vậy, năm 1994, 26 nạn nhân chất da cam ở Hàn Quốc đã thưa kiện Công ty Dow Chemical và 6 nhà sản xuất khác thay vì kiện Chính phủ Mỹ, nhưng họ đã thua vì ngày 12/2/2000 các vụ kiện đã bị bãi nại.
Nói về vụ kiện dioxin của các nạn nhân Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân khẳng định: "Các nạn nhân Việt Nam tiến hành vụ kiện không phải chỉ vì cuộc sống của riêng mình. Vụ kiện này được tiến hành vì quyền sống thiêng liêng của con người, vì tin rằng lương tâm và công lý còn tồn tại và được tôn trọng trên trái đất này".
Trao đổi với VnExpress, luật sư Lưu Văn Đạt cho biết, trong văn bản phản bác tại tòa phúc thẩm, phía Việt Nam đã bổ sung những lập luận pháp lý cho rằng, quân đội Mỹ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ đã vi phạm luật quốc tế, từ đó bác bỏ những lý lẽ của bên bị cho rằng người nước ngoài không thể khởi kiện theo luật ATS. Bên cạnh đó, các hồ sơ và tài liệu cũng nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng mất mát của những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, những người thường nhận được nhiều sự đồng cảm.
"Hiện nay, chúng tôi đã có danh sách 7 vị phẩm phán tại tòa phúc thẩm, trong đó có bốn vị là nữ. Chánh án cũng là một phụ nữ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết được chính xác thẩm phán nào sẽ có mặt trong hội đồng xét xử vì theo luật Mỹ sẽ có ít nhất 3 vị thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử", luật sư tiết lộ.
Ý kiến của bạnTrịnh Vũ
▪ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI dự kiến khai mạc ngày 16/5 (28/03/2006)
▪ 125 mặt hàng thuốc được đề nghị tăng giá (28/03/2006)
▪ TP Hồ Chí Minh đã có lực lượng bảo vệ du khách (28/03/2006)
▪ Còn nhiều vướng mắc (28/03/2006)
▪ Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam khai mạc tại Hà Nội (28/03/2006)
▪ Ý thức pháp luật từ việc nhỏ (28/03/2006)
▪ Thông xe cầu vượt Ngã Tư Sở vào ngày 19.5 (28/03/2006)
▪ Tiết kiệm điện: Người tiêu dùng vẫn đứng ngoài! (28/03/2006)
▪ Đời sống văn hoá: Sân chơi cho các nữ doanh nhân (28/03/2006)
▪ Hiến tủy cứu 4 trẻ em Việt kiều (28/03/2006)