Ông Lê Huy Cường, phó ban quản lý các đội trật tự bảo vệ khách du lịch cho biết, UBND Thành phố đã giao cho Công ty Dịch vụ công ích thanh niên xung phong (lực lượng thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh) tổ chức lực lượng bảo vệ khách du lịch (LLBVKDL) cùng các lực lượng khác giữ gìn trật tự an ninh và đặc biệt là môi trường du lịch của TP. Tạm thời LLBVKDL sẽ tập trung làm nhiệm vụ ở các tuyến điểm tại trung tâm TP, quận 1 và 3. Sau này nếu thành công sẽ nhân rộng ra các địa bàn du lịch khác của TP. Trước mắt, lực lượng này có 108 thành viên, trong đó có hai nữ để giải quyết các vấn đề của du khách nữ.
Theo quyết định của UBND TP, LLBVKDL thực hiện tuần tra theo kế hoạch; ngăn chặn, bắt giữ các trường hợp phạm pháp (hành hung, cướp giật, móc túi du khách...) giao cho công an địa phương xử lý. Phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn các trường hợp ăn xin, bán hàng rong đeo bám, làm phiền du khách và các vi phạm lấn chiếm lòng lề đường.
* Thưa ông, cơ sở nào để TP giao cho lực lượng thanh niên xung phong lập LLBVKDL?
- Trước đây, ý tưởng là thành lập cảnh sát du lịch nhưng mất nhiều năm vẫn không triển khai được vì vướng luật. Hơn nữa du khách sẽ không thoải mái khi thấy công an ở đâu đó quanh chỗ của họ khi đi du lịch. Vì vậy giải pháp LLBVKDL do TNXP đảm nhận là khả dĩ nhất. Mặt khác lâu nay TNXP đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ như trật tự viên giao thông, bảo đảm trật tự trong những sự kiện diễn ra gần đây.
* Vậy lực lượng này có được trang bị công cụ hỗ trợ?
- Trong quy chế đang trình UBND TP chúng tôi đề nghị sẽ trang bị cho lực lượng này roi điện, còng tay, máy bộ đàm và có thể có thêm súng bắn cao su. Đợt ra quân đầu tiên này, 108 người được chia ba nhóm chính: nhóm tiếp nhận và xử lý thông tin đồng thời giải quyết vụ việc; nhóm tuần tra lưu động bằng ôtô; nhóm bảo vệ điểm du lịch và tuyến điểm. Các nhóm làm hai ca, từ 8g-16g và 16g-23g. Trang phục của họ vẫn là màu xanh của trật tự viên giao thông nhưng có thêm quân hàm quân hiệu màu xanh, trên áo có logo trật tự viên bảo vệ khách du lịch và có mũ màu xanh. Nếu phát hiện đối tượng có thể gây phiền toái hoặc nguy hại cho du khách họ sẽ tiếp cận và quan sát, ngăn chặn, hạn chế những hành vi ấy.
Luật sư Lê Thành Kính - Trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn: Thế nào là khách du lịch? Đối tượng được bảo vệ chính là khách du lịch. Tuy nhiên, thế nào là khách du lịch? Còn khách du lịch trong nước đi lẻ thì sao, làm sao nhận biết để bảo vệ khi họ gặp sự cố? Trường hợp gặp người bị hành hung là dân, lực lượng này tưởng là du khách mà họ can thiệp thì có đúng quy định? Theo quy định, mọi người khi phát hiện những trường hợp phạm pháp quả tang (như hành hung, cướp giật, móc túi…) với bất kỳ ai thì vẫn có quyền bắt để giao cho công an gần nhất xử lý. Đây vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân được quy định tại điều 82 của Bộ luật tố tụng hình sự về bắt người phạm tội quả tang. Như vậy, phải chăng chúng ta cần có thêm những quy định cụ thể hơn nhằm làm rõ vai trò, phạm vi trách nhiệm của lực lượng này để họ không bị lúng túng khi thi hành nhiệm vụ.
| * Trong trường hợp xảy ra cướp tài sản, đe dọa du khách... lực lượng này có được áp dụng các biện pháp xử lý như công an, chẳng hạn như bắt giữ người?
- Các anh em trong LLBVKDL đã qua các khóa huấn luyện nghiệp vụ do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức. Chúng tôi xác định lực lượng này không làm thay công an. Về việc bắt giữ người, chỉ có công an mới được phép làm điều này. Tuy nhiên, đối với các đối tượng phạm pháp bị bắt quả tang thì bất cứ công dân nào cũng có thể bắt và chuyển giao ngay cho công an. LLBVKDL cũng sẽ làm như vậy. Với những trường hợp bán hàng rong, nếu nằm trong khu vực cấm thì chỉ cần nhắc nhở và mời họ ra. Còn ở khu vực không cấm, nếu người bán hàng rong chèo kéo khách thì LLBVKDL sẽ ngăn cản hoặc nhắc nhở.
* LLBVKDL được coi là “chỗ dựa” của du khách, vậy tiêu chuẩn chọn lựa ra sao?
- Ban đầu Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh có đặt ra những tiêu chuẩn khá cao, phải thông thạo tiếng Anh và có thể thêm một số ngoại ngữ khác. Tuy nhiên với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng thì khó tuyển dụng được người hội đủ những yêu cầu trên. Hiện chúng tôi cố gắng sắp xếp những anh em có trình độ cử nhân Anh văn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho nhóm tiếp nhận và xử lý thông tin, còn đội tuần tra lưu động và đội bảo vệ điểm và tuyến điểm cố gắng có một người biết tiếng Anh.
* Ngoài bảo vệ, du khách cũng cần được hỗ trợ với những yêu cầu đa dạng, vậy bằng cách nào để họ nhận được hỗ trợ này?
- Chúng tôi sẽ lập đường dây điện thoại “nóng”, trực 24/24 giờ. Ngoài ra sẽ xin trụ sở để tổ chức phòng trực ban, ôtô để tuần tra... Tuy nhiên hiện chưa có đủ tiền do Sở Tài chính mới tạm cấp kinh phí may đồng phục và đủ trả vài tháng lương cho nhân viên, do vậy chưa thể triển khai ngay tất cả những yêu cầu này. Nhưng cố gắng tuần tới sẽ có đường dây nóng. Khi đó thông tin đến từ hệ thống bộ đàm, điện thoại, tổ tuần tra và cung cấp từ người dân, du khách... sẽ được chuyển ngay đến các nhóm tuần tra lưu động và lực lượng bảo vệ tuyến, điểm gần nhất để hỗ trợ du khách.
* Xin cảm ơn ông.
|