- Mấu chốt để phòng chống tham nhũng hiện nay là gì, thưa ông?
- Tôi nghĩ quan trọng nhất hiện nay là vấn đề công khai, minh bạch các định mức, tiêu chuẩn… Tôi cho là số một!
Ví như kinh phí, ngân sách cho từng địa phương, từng cơ quan, hay là vốn đầu tư cho các công trình không công khai thì không rõ anh chi vào cái gì, cụ thể chi đó đúng hay sai! Có công khai thì đại biểu Quốc hội, HĐND, các đoàn thể mới giám sát được. Phương pháp, nội dung công khai luật (phòng chống tham nhũng - PV) nêu ra để thủ trưởng tự chọn 1-2 phương pháp để công khai là không được. Anh phải công khai, minh bạch thế nào đó rất rõ ràng. Nghĩa là quy định trách nhiệm công khai, người có quyền yêu cầu công khai thông tin đấy.
Thứ hai, công khai hiện nay ở cơ quan thì rất ào ào, người ta chỉ biết nghe thoang thoáng. Cái chính công khai phải bằng văn bản, gửi đến các tổ chức giám sát. Ví dụ anh phải gửi nội dung chi tiêu cho cơ quan chức năng như HĐND hay cho Mặt trận tổ quốc… Chứ đọc ào ào thì tôi đố các đồng chí nghe được! Máy móc cũng không có để ghi âm…
- Gần đây, liên quan đến ngành điện, dầu khí…, dư luận mong muốn xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Theo ông thì nên thế nào?
- Người đứng đầu bộ ngành, địa phương, cơ quan nào để xảy ra quá nhiều tham nhũng, tiêu cực, trước hết tôi thấy nên có văn hoá từ chức để làm sạch sẽ bộ máy công quyền của ta. Thứ hai, nếu cố tình không làm, Đảng và Nhà nước cần có quy chế để xử lý một cách sòng phẳng.
Tôi ví dụ tập đoàn thép thời Tổng thống Rô The U (Hàn Quốc), sau khi tập đoàn thép có tiêu cực đi đến phá sản, 28 quan chức của Chính phủ đã phải từ chức. Ta có những vụ tày đình như thế nhưng mà hầu như không có ai cấp trên của người trực tiếp gây ra vụ án đó mà bị xử lý.
- Chúng ta có thể đánh giá, xử lý thông qua bỏ phiếu tín nhiệm…?
- Bỏ phiếu tín nhiệm rất cần thiết. Cũng nên coi việc này là thường xuyên để cán bộ tự mình cảnh báo: Mình làm việc hiệu quả đến đâu? Nhưng theo Luật tổ chức Quốc hội, phải 20% đại biểu Quốc hội yêu cầu mới làm được. Chưa sửa thì khó thực hiện được. Theo tôi nên sửa ngay tại kỳ họp này.
- Ông có ủng hộ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng làm Trưởng ban?
- Mình không phải không tin tưởng Chính phủ. Nhưng thực ra cơ quan vừa rồi của Chính phủ (Chính phủ đã có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng - PV) đã làm nhiều năm nhưng thế giới vẫn xếp ta vào một trong những nước tham nhũng còn lớn. Nếu ta tiếp tục để Ban chỉ đạo kiểu này thì không hiệu quả! Riêng ý kiến tôi, cần có một cơ quan điều tra đặc biệt của Quốc hội hoặc Chính phủ, đổi mới cách làm, phải giao đủ thẩm quyền cho nó.
- Nghĩa là lập một cơ quan chuyên trách có quyền phát hiện, điều tra, truy tố vụ việc tham nhũng?
- Vâng! Trước đây trong các đời vua chúa, các vụ trọng án thì nhà vua không được xem bản án. Thế còn ‘Bao Công’ đã xử thì nếu ‘Bao Công’ xử sai thì vua xử ‘Bao Công’. Nếu xử sai thì lúc đó vua trị anh ‘Bao Công’ thì mới không ‘vị thân, thiện’ trong quá trình xử các vụ án tham nhũng. Người ta cho quyền ‘tiền trảm, hậu tấu’ với những ‘Bao Công’ ngày xưa. Cho nên khi cơ quan chức năng đứng trên phụ trách trực tiếp được xem cái này mà anh điều chỉnh thì (vụ việc) dễ bị sai khác.
- Quốc hội dự kiến lập Uỷ ban Tư pháp Quốc hội giám sát phòng chống tham nhũng. Theo ông, nên giao nhiệm vụ cụ thể của Uỷ ban là gì?
- Uỷ ban này chủ yếu phúc tra những vụ án tham nhũng lớn. Ví dụ, kết luận của vụ án dầu khí hay một số vụ việc trước đây có dư luận cho rằng báo chí đã phát hiện rất lớn nhưng đến khi vào kiểm tra, kết luận ‘nhỏ’ lại, thì khi đó, Uỷ ban này vào cuộc kiểm tra, giám sát cơ quan chức năng đã tiến hành kết luận vụ việc.
Chứ còn bây giờ đi làm cụ thể vụ án thì cơ quan này không đúng chức năng. Nếu (Uỷ ban này) làm được một số vụ tốt thì tiêu cực trong quá trình kết luận các vụ việc tiêu cực, tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.
- Việc kê khai tài sản hiện nay, theo ông có khả thi không?
- Kê khai tài sản là cần thiết. Nhưng tôi có cảm giác không có tính khả thi. Bởi vì chúng ta còn tiêu bằng tiền mặt. Người có thể mua được kim khí quý… rồi cất dấu. Nên ta chỉ kê khai được những gì có tính chất tĩnh vật. Còn những cái biến động, có thể mang chuyển chỗ này chỗ khác thì không tác dụng.
Tôi đề nghị sớm cải cách ngân hàng làm sao kiểm soát thu nhập, chi tiêu của cán bộ qua thẻ… Chứ còn kê khai hiện nay, cần nhưng chứng minh kiểm soát đúng hay không đúng thì chưa!
- Có đại biểu đề xuất lấy năm 2006 đột phá giải quyết trọng điểm tham nhũng một số vụ việc kinh tế, đất đai. Ông ủng hộ ý tưởng này?
- Tại kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khoá XI), tôi có nói vấn đề: Quốc hội khoá XI có đứng nhận trách nhiệm với toàn Đảng, toàn dân đẩy lùi tham nhũng hay để Quốc hội khoá XII? Nguyện vọng của dân hiện nay đối với chống tham nhũng rất bức xúc! Mà đây là một nguy cơ đối với vận mệnh của đất nước, của Đảng. Cho nên ngay sau kỳ họp này chúng ta đã phải làm chứ không phải đợi đến 2006.
Văn Tiến
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Tột cùng của sự phản bội (25/10/2005)
▪ Hải Phòng phạt tù chín đối tượng chống người thi hành công vụ (25/10/2005)
▪ Trắng da với mỹ phẩm thiên nhiên (25/10/2005)
▪ Sàng lọc tế bào phát hiện sớm viêm và ung thư tử cung (25/10/2005)
▪ Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen (25/10/2005)
▪ Tạo điều kiện để sinh viên đang du học cống hiến cho Tổ quốc (25/10/2005)
▪ Miền trung: quốc lộ đang trở thành bờ đê (25/10/2005)
▪ Nhiều bộ trưởng sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (25/10/2005)
▪ Mua biển đăng ký xe máy mất cắp ở chợ Giời (25/10/2005)