Xử phạt hành vi tiêu cực của luật sư còn nhẹ
Các Website khác - 15/11/2005
Quốc hội thảo luận dự án Luật Luật sư và Luật Điện ảnh:
Xử phạt hành vi tiêu cực của luật sư còn nhẹ

Đại biểu QH Vũ Văn Hiến
phát biểu tham luận.
Người muốn hoạt động luật sư buộc phải có chứng chỉ hành nghề, phải trung thành với tổ quốc và Hiến pháp, phải có trình độ... Nhưng ý kiến cử tri thì mong muốn người hành nghề luật sư phải đặt chữ "tâm" hàng đầu.

Hoạt động của luật sư không phải kinh doanh đơn thuần
ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) đã từng tham gia để hoàn chỉnh dự luật, tuy nhiên ông vẫn không khỏi băn khoăn vì dự luật vẫn chưa xác định rõ khái niệm luật sư (LS), bởi lẽ trong khái niệm Ban soạn thảo (BST) đã đưa cả điều kiện hành nghề vào và coi như một tiêu chuẩn để được công nhận là LS; điều này ông cho rằng là không hợp lý.

Ông Dũng lý giải: LS phải dựa trên tiêu chuẩn chuyên môn, đạo đức... Tuy nhiên LS là một nghề hơi đặc biệt, vì vậy phải có khoá đào tạo về nghề LS và phải qua tập sự, đạt tiêu chuẩn thì mới được công nhận là LS. Dự luật quy định là người muốn hành nghề LS phải "gắn" điều kiện là tham gia đoàn LS mới được coi là LS thì nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng như vậy là mâu thuẫn với các điều luật khác trong dự luật.

ĐB Nguyễn Đức Chính (TPHCM) đề nghị dự luật phải xác định rõ, hoạt động của LS không phải là một hoạt động kinh doanh đơn thuần. Trong hoạt động tố tụng, LS giữ vai trò phản biện, vì vậy vai trò của LS có tầm quan trọng, đồng thời hoạt động dịch vụ LS đòi hỏi chất lượng rất cao. Ông bày tỏ quan điểm không nên xem các hình thức hoạt động hành nghề của LS là những loại hình DN và không chịu sự chi phối của Luật DN.

Cần phải có hiệp hội
Cũng như ý kiến đóng góp của cử tri, người hành nghề LS ngoài trình độ chuyên môn thì đòi hỏi phải có đạo đức và đạo đức không chỉ là tiêu chuẩn ban đầu, mà phải có đạo đức trong hành nghề. Nhiều ý kiến ĐBQH nhất trí với quan điểm luật phải đi theo hướng là phải có quy định hiệp hội về tổ chức nghề nghiệp của LS. Tuy nhiên không thể "khoán trắng" cho hiệp hội trong việc quản lý, tự chủ.

ĐB Nguyễn Đức Chính đề nghị luật cần bổ sung thêm về vai trò quản lý của Nhà nước, sẵn sàng can thiệp khi hiệp hội của họ không giải quyết vấn đề của mình.

ĐB Nguyễn Đức Dũng phân tích: Nghề LS đúng là nghề hoạt động tự do, chủ yếu hoạt động với tư cách cá nhân, nhưng vấn đề là phải hiểu "cá nhân" này như thế nào, tức là LS hoạt động hoàn toàn tự mình hay cần phải thông qua một hình thức hành nghề?

Đại đa số ý kiến đồng tình với quan điểm của ông Chính và ông Dũng đã nêu là hoạt động LS phải thông qua văn phòng, nay là một hình thức hành nghề. LS không thể đơn lẻ và nhất là trong điều kiện hiện nay thì luật chưa nên công nhận hình thức hành nghề LS với tư cách cá nhân.

ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH rằng, không nên đặt vấn đề LS công vào trong dự luật. Trong điều luật quy định về xử lý vi phạm, nhiều ĐB nêu rằng có những điểm rất bất hợp lý. ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ) cho rằng, những điều quy định trong việc xử lý vi phạm của dự luật là quá nhẹ và không nghiêm, vì thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp LS sách nhiễu, vòi vĩnh tiền bạc, chạy án... nếu chỉ xử lý bằng hình thức cảnh cáo và phạt tiền thì không thể ngăn chặn được hiện tượng tiêu cực của LS khi hành nghề. Lê Huân

Huy động các thành phần kinh tế phát triển điện ảnh

Ngày 14.11, ĐB Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh. Đáng chú ý là ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan: "Thời gian qua, đa số các đơn vị điện ảnh đã chuyển sang doanh nghiệp nhà nước. Cũng đã có chủ trương cho tư nhân mở những doanh nghiệp điện ảnh và tham gia cả 3 lĩnh vực, đó là sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim.

Tuy nhiên, số đơn vị hoạt động theo sự nghiệp cũng còn tương đối khá. Đối với lĩnh vực điện ảnh thì chúng ta có một nguyên tắc, đó là Nhà nước sẽ cấp giấy phép trước khi phổ biến cho từng bộ phim, vì vậy, trong luật trình bày theo hướng là khi thành lập có thể doanh nghiệp điện ảnh chỉ cần đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp, nhưng để cho Bộ VHTT, nơi quản lý nhà nước về điện ảnh phải nắm được tình hình đó, chỉ đặt ra một chế tài là bộ, cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp khi cho phép đăng ký kinh doanh về điện ảnh phải báo cho Bộ Văn hoá - Thông tin, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh. Như vậy, cũng không gây phiền hà gì cho tổ chức, cá nhân muốn mở các doanh nghiệp để hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh". Đ.L.T ghi