Tôi choáng váng sau bốn chén rượu, và khi tỉnh dậy nhìn xung quanh mới biết mình đang ngồi ở nghĩa trang không một bóng người qua lại. Mùng một Tết, trời nắng ấm nhưng tôi lạnh lẽo.
Đằng sau những cuộc đua là bóng tối và sự chán chường. (Ảnh minh họa) |
4 giờ hàng sáng dậy đi đưa báo, rồi phục vụ trong quán cà phê cả buổi sáng, chiều đi học và rèn luyện tại trường, buổi chiều học xong 7h30 lại có mặt ở quán cà phê làm cho đến 11 giờ đêm.
Vừa chạy vừa đi bộ trong đêm khuya như thế, tôi luôn tự nhắc mình cố gắng. Kể cả những đêm trời mưa, tôi vẫn bước đi coi như không có chuyện gì. Nhìn thấy gia đình người ta đi với nhau đầm ấm, gần gũi, một tiếng gọi “bố ơi” nghe sao nghẹn ngào, tôi càng bước đi nhanh hơn.
Tôi vẫn đi, vẫn học, vẫn làm, ngày qua ngày để biết mình còn là người, còn sống thì còn tiếp tục như thế với đôi vai gánh “cái nợ” 200 triệu đồng. Ngoài thời gian đó, tôi cũng dành một ít thời gian tham gia học võ cho khỏe và để phòng thân.
Ngày 28/12 âm lịch năm đó, mọi người trong lớp đều về nhà. Bạn cùng lớp hỏi tôi: “Cậu không về à”. Tôi im lặng và thấy đau giật lên ở lồng ngực, tôi chạy ra sân thể dục và đẩy 50 cái tạ. Khi ấy chỉ muốn cái tạ đè lên tôi để tôi bớt đau. Nước mắt cứ trào ra. Tôi phải khóc để bước tiếp. Nước mắt là điểm tựa để tôi vững vàng bước tiếp!
Ngày Tết với tôi không có ý nghĩa gì. Chỉ có làm và học.
Tôi tự hỏi, ra trường tôi sẽ làm gì để có tiền trả nợ. Thôi, ngày tháng còn dài. Được làm người sống có ích hay không có ích như tôi cũng chẳng làm gì được. Những ngày tôi đi làm về đêm, có rất nhiều đứa trẻ mồ côi đi lang thang xin tiền. Vậy là tôi vẫn may mắn hơn họ. Tôi lại cố gắng hơn cho những ngày mai.
Đêm hôm ấy, khi tôi đang đi lang thang, một đứa trẻ chạy đến: “Anh ơi cho em mấy nghìn, từ tối đến giờ em chưa được ăn gì, đói lắm anh ạ!..” Tôi rơm rớm nước mắt. Trong túi tôi có 10.000 đồng, tôi lấy ra 5.000 đồng đưa cho em: “Mỗi người một nửa em nhé”. Rồi hai anh em đi mua bánh mỳ. Tôi hỏi: “Nhà em ở đâu, bố mẹ em ở đâu?” Em trả lời: “Em không biết!”
Tôi cười trong nước mắt, để em không nhìn thấy.
- Em có một mình thôi à?
- Không em đi cùng mấy chị nữa, anh chia bánh cho chị em nữa nhé
Tôi gật đầu. Vậy là 10.000đ mua bánh mỳ tôi chỉ ăn có nửa cái và cũng nhịn đói cho hết đêm. Tôi và mấy em nhỏ lang thang trên đường về nhìn vào những ngôi nhà, mọi người ngồi bên nhau, xem ti vi, ăn hoa quả, cười đùa thật ấm áp.
Tôi thấy chán chường, thấy mình trở nên khó tính. Tôi lang thang để tìm cái gì mới hơn cho cuộc đời mình. Tôi luôn bị ám ảnh bởi bài hát: “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nên hồng. Ba ngọn nến lung linh. Thắp sáng một gia đình…”.
Tôi ghét đến mức sợ hãi những giai điệu này, bởi lòng ghen đố kỵ . Tôi chỉ mong đời mình được gọi tiếng “bố ơi”, nhưng không bao giờ tôi được hưởng. Tôi có thể đánh đổi cuộc sống của tôi chỉ để đổi lấy một khoảnh khắc hạnh phúc. Thời gian có thể làm vơi đi nỗi buồn, nỗi đắng cay, có thể làm mài mòn ăn dần những đau khổ để tôi không còn yếu đuối và mạnh mẽ hơn? Nhưng tuổi ấu thơ vẫn mãi là một địa ngục khắc sâu trong đầu và trái tim của tôi.
30/12 âm lịch. Chỉ còn vài giờ nữa thôi là đến giao thừa. Tôi lang thang không hiểu mình đang tìm điều gì và không biết mình sẽ đi về đâu. Chắng có gì định sẵn, cứ bước đi, trong tiếng nói cười, tiếng chạm cốc, tiếng mổ gà thắp hương, tiếng chúc mừng năm mới. Chỉ có một suy nghĩ, phải kiếm được nhiều tiền để trả nợ và tìm kiếm sự tự do cho chính mình. Tôi sẽ cố gắng để bù đắp cho nhưng gì mẹ phải chịu đựng.
Giao thừa đến, một mình tôi, đường phố không một bóng người. Mọi người xum vầy trong những ngôi nhà, hơi ấm đó có lan tỏa ra đây không? Tôi nhắm mắt để cảm nhận và tự an ủi mình. Tôi cười nhẹ nhàng và ấm áp …Bất chợt cơn gió lạnh thổi đến làm tôi lạnh cóng, lạnh đến tận xương sống khiến tôi rùng mình. Tôi co ro lại và ôm lấy mình, tôi gục xuống, mặt tôi đỏ bừng.
Những điều đó tôi không đáng được hưởng. Tôi nén nó lại nhưng vẫn nhói đau từng hồi làm ngực tôi muốn vỡ ra. Tôi bật dậy và hét dữ dội. Rồi tôi lại ôm lấy mình, quỳ xuống khóc.
Hơn một tiếng sau, tôi đứng dậy và tìm mua một chai rượu. Tự chúc Tết mình.
Một chén, chúc mẹ yêu luôn mạnh khỏe.
Hai chén, chúc tất cả mọi người trên thế gian hạnh phúc.
Ba chén, chúc mình vượt qua tất cả.
Bốn chén, chúc mừng năm mới…
Tôi tỉnh dậy khi ánh nắng chiếu vào mắt tôi. Tôi thấy đau đầu vô cùng, mọi thứ lắc lư, chao đảo xung quanh. Tôi choáng váng sau bốn chén rượu, và khi tỉnh dậy nhìn xung quanh mới biết mình đang ngồi ở nghĩa trang không một bóng người qua lại. Mùng một Tết, trời nắng ấm nhưng tôi lạnh lẽo.
Tôi làm việc trong quán cà phê Trung nguyên trong mấy ngày Tết. Buổi sáng mùng 1 mà thật nhiều người đi uống cà phê. Tôi cũng gửi lời chúc mừng năm mới đến tất cả mọi người. Có ba người nữa cùng làm, tôi hỏi họ sao không về nhà, họ bảo ngày Tết mà đi làm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Ngủ lại quán chúng tôi nói chuyện rất lâu đến 3 giờ đêm rồi 6 giờ sáng lại dậy làm việc tiếp.
Tôi làm việc hăng say không biết mệt mỏi. 10 ngày làm việc ở đây, tôi được ăn uống thoải mái, không phải suy nghĩ gì. Nhìn bát cơm tôi đã bật khóc vì chưa bao giờ tôi được ăn nhiều như vậy.
Suốt ba năm qua, mỗi ngày tôi chỉ được ăn 2 bát cơm, và 1.095 ngày ấy cộng lại là 2.190 bát. Vậy mà tôi đã trải qua và chịu được. Tôi ăn hết bát cơm thật ngon lành nhưng cảm giác ăn xong một bát lại rất khác lạ, cứ như tôi đang được ở trong một gia đình vậy.
Tôi không dám ăn bát thứ hai vì sợ bị nói, bị chửi. Tôi lừng khừng bỏ bát xuống rồi im lặng thì anh ngồi bên cạnh quát: “Mày ăn nữa đi, làm việc nhiều vậy sao ăn ít thế. Nhìn mày như thằng nghiện ấy. Hay là mày nghiện?”
Tôi giật mình trả lời: “Không, không. Em không hút thuốc, em không nghiện!”.
- Có ăn nữa không tao xới cơm cho. Ăn đi, có mất gì đâu. Mày không ăn là mày tự hại mày đấy. Ăn có sức mà làm.
Tôi im lặng rồi cầm bát lên:
- Cho em bát nữa.
Khi tôi cầm bát lên, tôi nghĩ tôi chưa bao giờ được ăn bát thứ 2 trong cùng một bữa cơm. Tôi đưa bát lên miệng và bật khóc. Nước mắt cứ trào ra và chảy vào bát cơm. Mặc mọi người nói gì, tôi cứ ăn, cơm chan lẫn nước mắt, vừa ngọt, lại vừa mặn, nhưng …ngon!
12/5/200... Hôm nay là sinh nhật tôi. Chưa bao giờ tôi tự tổ chức sinh nhật cho mình. Sau một ngày học hành và làm việc mệt mỏi, buổi trưa ăn mỳ tôm, tối cũng mỳ tôm. Cuộc sống với mỳ tôm và bánh mỳ luôn mang lại quyết tâm và niềm vui cho tôi. Tôi vẫn phải cố gắng vì ngày mai khác hơn ngày hôm nay.
Lần đầu tiên tôi tổ chức sinh nhật. Mua một chai rượu và một gói ngô cay, ngồi trong khu nghĩa trang, tự rót rượu chúc mình. Một chén chúc mình. Những chén khác tôi rót cho các cô các bác xung quanh, dù tôi biết họ đã chết nhưng họ ở bên tôi, nghe tôi nói, vậy là đủ. Họ cũng là con người, chỉ có điều họ đã chết trước mình thôi. Uống và tận hưởng để biết mình thêm một tuổi mới phải làm những việc lớn hơn.
Sinh nhật một mình, không có ai thân thích, không có bố mẹ, anh chị em bên cạnh. Nhưng không được yếu đuối, không được khóc nữa, phải mạnh mẽ, phải kiên cường để thực hiện những ước mơ mà tôi biết mình sẽ không làm nổi. Nhưng ít ra sẽ phải làm được bốn, năm phần trong mười phần đó.
Tôi uống một ít và say. Lần thứ 2 tôi ngủ lại đây cho đến sáng mới về.
Theo Vietnamnet
▪ Hai phương án triển khai Luật thuế thu nhập cá nhân (23/12/2008)
▪ Bảo hiểm thất nghiệp: Sớm nhất 2010 mới có người được nhận (23/12/2008)
▪ Cấp bách kích cầu 6 tỉ USD (23/12/2008)
▪ Dân sang xài hàng chợ (23/12/2008)
▪ “Miếng bánh” phải đến tay người cần (23/12/2008)
▪ Lùng nhùng! (23/12/2008)
▪ Cảnh báo từ mưa độc: Lượng mưa a xít gia tăng (23/12/2008)
▪ Đội MBH sáng màu giảm nguy cơ tai nạn giao thông (23/12/2008)
▪ 300.000 người có thể thất nghiệp, giảm việc trong năm 2009 (23/12/2008)
▪ Thuế tăng theo giá đất từ 1/1/2009: Tăng thu vẫn “lọt” thuế (22/12/2008)