Người đem lại ấm no cho xã Chiềng On
Các Website khác - 12/10/2005
Bác Vì Văn Ỏm (người không đội mũ)
kiểm tra mái lợp xi-măng trước khi
chuyển tới các hội nghèo.
Mười năm trước, ông Vì Văn Ỏm, một cựu chiến binh ở xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, có công mang giống ngô lai về phủ xanh nương rẫy 18 bản làng của xã, nhờ đó, bà con không còn bị đói triền miên nữa. Ông cũng là người đầu tiên phát triển mô hình kinh tế vườn-rừng giờ đã được áp dụng ở 50% hộ trong xã.
Chuyện 20 năm trước

Về Hà Nội dự Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII, được mời lên báo về cuộc sống mới của bà con các dân tộc anh em ở xã vùng biên giới Chiềng On.

Ông kể, Chiềng On cách trung tâm huyện Yên Châu khoảng 70km. Mấy trăm nóc nhà bà con bốn dân tộc anh em sống rải rác trên các sườn đồi núi, một số khác bám dọc con suối đời này sang đời khác làm lụng vất vả lũ mà không đủ ăn. Từ năm 1998 trở về trước, người dân trong xã cả đời chưa từng thấy chiếc ô-tô nào vào bản. Việc đi lại từ bản này sang bản kia chỉ leo đường dốc, lối mòn quanh co. Ông cho biết, từ uỷ ban xã vào bản xa nhất mùa mưa lội đường vào tới nơi mất ngót ba ngày đường!

Đi lại đã khó, làm ra hạt thóc, hạt ngô ở Chiềng On cũng gian nan. Những năm 1980, làm ăn hợp tác theo công điểm, gần 2000 xã viên sáu bản Đán, Chặm ốc, Pò Chịa, Loọng Phách, Kim Sơn 1, 2 đã nghèo lại đói thêm. Nhiều người chưa quên thời ấy, gần 160 hộ mãi dưới tỉnh Hải Hưng (cũ) lên đây lạ đất lạ người, mấy năm sau lũ lượt dắt díu về xuôi gần hết.

Trong vòng luẩn quẩn đói ăn và lạc hậu - ông nhớ như in- lúc đó, 330 hộ người Mông, và ước chừng hai phần ba số hộ trong xã đều trồng cây thuốc phiện trên nương rẫy và ruộng vườn.

“Thanh niên Mông nghiện gần hết cả, nói gì huy động đủ người đi sản xuất”- ông kể. Đội ngũ cán bộ đa số chỉ mới học xong lớp 1, 2, chỉ biết tiếng Thái nên nói bà con không hiểu, không tin, tình hình an ninh, chính trị càng mất ổn định. Truyền đạo Tin lành trái phép từ nước bạn Lào dần dần lan đến bản xa nhất, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Nghe bọn xấu xúi giục, kích động, giữa bà con các dân tộc Thái, Xinh Mun, Mông có lúc xảy ra mâu thuẫn gay gắt, thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Ngô xuôi ngút xanh sườn núi

Dịp về Hà Nội họp năm 1994, ông được người quen mách về giống ngô lai hợp đất vùng rừng núi. Trên đường về, ông ghé công ty giống ở Hà Tây vét nhẵn túi đủ mua 30kg ngô giống, quyết tâm làm thử . Và điều kỳ diệu đã tới: Trên diện tích 2,2 ha, gia đình ông thu về 17 tấn ngô. Một số cán bộ khác được chia giống trồng thử ít cũng thu về dăm bảy tấn ngay trong năm đầu gieo hạt. – “Là người trong cuộc, anh em chúngtôi mừng lắm. Đây hẳn là chìa khoá mở cánh cửa thoát đói rồi!”.

Cây ngô đã xác định chỗ đứng trên đất Chiềng On. Kể từ năm 1996, xã quyết định chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sản xuất 570 ha tại 18 bản, cộng thêm chăn nuôi gia súc. Tính từ năm 1995 đến 2000, bà con toàn xã đã trồng giống ngô lai trên tổng diện tích 1.600 ha. Đến nay, nhiều gia đình bà con ở Chiềng On nuôi tới 10-15 con bò, 20-30 con dê thịt và sinh sản. Trên diện tích lúa nước trước đây chỉ đạt năng suất 1,1 tấn/ha, nay cấy giống mới như R253, Sandu cho năng suất năm tấn/ha. Tỷ lệ hộ nghèo ở Chiềng On năm 1989 đang ở mức 60%, đến cuối năm ngoái tỷ lệ này giảm xuống mức 15%. Trung bình chín trong mười nhà trong xã “ngói hoá”. Năm 1993 chưa có người Mông, người Xinh Mun biết đi xe máy. Giữa năm nay cả xã có 18 ô-tô tải “Zin 130”, 23 xe tải nhỏ khác, hơn 230 hộ có xe máy.

Kinh tế đi lên, con cháu cũng có nhiều cơ hội học hành. Nay xã có tới hai nghìn học sinh, trong đó 530 em người Mông, theo học bậc tiểu học và trung học cơ sở. “Năm 1996, xoá sạch nạn mù chữ; năm 2000, phổ cập tiểu học. Mục tiêu phấn đấu tới 2007, Chiềng On sẽ phổ cập trung học cơ sở”- ông quả quyết.

Trong những năm 1993- 2002 trước bà con Chiềng On nhà nhà, người người đi triệt phá hàng trăm ha trồng cây thuốc phiện trong khi nhiều hộ thiếu ăn. Nay dù nằm trong số xã biên giới khó khăn, Chiềng On không ai thiếu ăn đứt bữa nữa. "Dễ đến hơn chục năm rồi chúng tôi đã “quên” lên trên xin gạo cứu đói rồi!"

Dân vận vùng biên


Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, hằng năm
bà con xã Chiềng On đóng góp ngày công
xây dựng hàng km tuyến thủy lợi kiên cố.

Ông Ỏm là người phụ trách khu vực bản Đin Chí nơi có 57 hộ bà con người Mông sinh sống. Bản trước đây được mệnh danh “điểm đen” với 43 người nghiện thuốc phiện, đông nhất xã, giờ không còn trường hợp nào. Cách làm của ông chủ yếu dựa vào già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, dần dà lôi kéo lực lượng đông đảo thanh niên, cựu chiến binh tham gia vận động bỏ thuốc phiện. Ông tâm sự: Làm việc này nan giải lắm, chả nhanh được đâu. Mấy năm giời bám bản, vận động người già tự cai trước, rồi bọn trẻ cai theo.

Xã hiện nay còn 32 người già nghiện nặng quá chưa cai được. Chính quyền và nhân dân hằng năm quyên góp khoảng bốn triệu đồng tổ chức hai lớp cai nghiện.

Là người dân tộc Xinh Mun giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ xã, ông nói rằng, người cán bộ phải “miệng nói, tay làm”, đi đầu làm gương phát triển kinh tế, làm mô hình để bà con học tập. Trong gia đình, anh em, họ hàng ông cả dâu rể quây quần sum vầy đủ năm dân tộc Xinh Mun, Kinh, Tày, Khơ mú và Thái,

Bài học lớn nữa là phải sát dân, gần dân. Hiện nay ông là một trong rất ít cán bộ cấp xã ở Sơn La biết… bốn nội ngữ và một ngoại ngữ! Làm người lãnh đạo phải gần gũi bà con các dân tộc anh em, ông xuống cơ sở nói trực tiếp tiếng Mông, Thái, Kinh và tiếng Lào. - “Mình nói tiếng của bà con là hoà nhập được ngay. Dân khi đã tin, họ còn nhận mình làm anh em họ hàng, ruột thịt”- ông tâm sự.

Tiếp theo ngô lai, hơn một nửa số gia đình bà con trong xã biết trồng chè, mận hậu. Mô hình kinh tế vườn- rừng đầu tiên của cán bộ Vì Văn ỏm năm 1994 nay đã “phủ” tới 50% hộ trong xã.

Ông Ỏm vui vẻ cho biết tre Bát độ, ngô Thái đang cho vụ thu hoạch đầu tiên trên vườn nhà. Vấn đề giữ rừng, bảo vệ môi trường bền vững cũng được coi trọng. Mấy năm qua bà con Chiềng On đã trồng mới 30 ha, tới đây quyết tâm trồng thêm 40 ha dọc hành lang giao thông nữa. - “Vừa trồng rừng, vừa trồng xen ghép măng tre Bát độ, trồng chè. Khi cây rừng đủ lớn, bà con trồng cỏ và thả bò, nuôi dê dưới tán”- ông Ỏm giải thích.

Mấy năm qua, tiếng thơm về giống ngô ở Chiềng On đã vượt xa qua bên kia biên giới. Bà con các bản đường biển của nước bạn Lào sang tận đây mua giống về trồng.

- “Bà con Chiềng On năm ngoái tặng bà con nông dân xã giáp ranh nước bạn 1,5 tấn ngô giống và lúa giống. Năm nay tặng nhiều hơn, gần hai tấn”- Bí thư xã Vì Văn ỏm nói vậy trước lúc chia tay.

Văn Nghiệp Chúc