![]() |
Bản tường trình của Đỗ Quang Chung. |
Chỉ trong một đợt xét tuyển, ông Đỗ Quang Chung - Chi ủy viên, Phó phòng tổ chức cán bộ - khiếu tố đã tự ý thu hơn 27 triệu đồng của 13 trường hợp để tuyển họ vào biên chế tại VKSND tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 30/8/2004, VKSND Tối cao có Quyết định phân bổ biên chế và số lượng kiểm sát viên năm 2004-2005 cho VKSND tỉnh Bắc Kạn.
Được sự phân công của lãnh đạo, ông Đỗ Quang Chung đã trực tiếp tham mưu, đề xuất với Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh thành lập hội đồng sơ tuyển, hội đồng tuyển dụng, kế hoạch tuyển dụng. Ngay sau đó, chủ trương này đã được VKSND tỉnh Bắc Kạn tổ chức triển khai đến VKSND các huyện thị, các phòng nghiệp vụ.
Hồ sơ xin xét tuyển đều phải nộp cho phòng tổ chức cán bộ - khiếu tố do Đỗ Quang Chung - với tư cách là Phó phòng trực tiếp nhận, giao dịch với người nộp hồ sơ dự tuyển.
Đến đầu năm 2005, VKSND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức 3 đợt xét tuyển và đề nghị VKSND Tối cao thẩm định, ra quyết định tuyển 28 cán bộ vào biên chế của ngành.
Theo báo cáo của ông Đỗ Quang Chung, những trường hợp được hội đồng tuyển dụng của VKSND tỉnh xét duyệt đã đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo đủ bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ, được VKSND Tối cao đồng ý bằng văn bản.
Nhằm lấy được tiền trót lọt, ông Chung đã đặt vấn đề với những người nộp hồ sơ xin dự tuyển phải đóng góp “chi phí” để Viện đi lại ngoại giao, làm thủ tục. Tùy đối tượng, ông Chung đưa ra các mức giá khác nhau, rất nhiều thí sinh phải chấp nhận nộp “lệ phí” theo yêu cầu của Chung.
Trong bản tường trình với lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Kạn vào đầu tháng 9, chỉ trong một đợt xét tuyển (đợt 2), Chung đã tự ý thu 27,6 triệu đồng của 13 trường hợp.
Người thấp nhất như chị M.T.N phải nộp 600 nghìn đồng, cao nhất (theo khai nhận của ông Chung) là chị N.T.T.D, phải nộp 7 triệu đồng.
Nhận tiền ngay tại nơi làm việc
Việc thu tiền “chi phí” theo như ông Đỗ Quang Chung trình bày, chủ yếu phát sinh ở đợt tuyển dụng thứ 2 (cuối năm 2004) vì đợt này, ông Chung trực tiếp nhận, quản lý hồ sơ.
Sau khi hoàn tất các thủ tục đề nghị tuyển dụng, ngày 30/11/2004, ông Chung trực tiếp mang hồ sơ lên VKSND Tối cao để trình. Với kinh nghiệm của một kiểm sát viên, Chung đã khéo léo bắn tin để cả 13 trường hợp được tuyển dụng đợt này đều phải mang tiền đến nộp cho mình.
Chung thừa nhận: “Có một số đã trực tiếp đến phòng làm việc và nhà riêng của tôi để nhờ tôi cảm ơn hội đồng tuyển dụng và VKSND Tối cao”(!). Là một kiểm sát viên, trong trường hợp đó lẽ ra ông Chung cần phải từ chối ngay việc “cảm ơn”(đưa tiền) nhưng lại nói “thôi thì tùy các em”. Thậm chí, ông Chung còn cho thí sinh biết Hội đồng tuyển dụng có mấy người, là những ai.
Sau khi đã nhận trót lọt số tiền trên, cuối tháng 5/2005, Đỗ Quang Chung lại tiếp tục nhận 7 triệu đồng “tiền cảm ơn”của chị N.T.T.D được xét tuyển đợt 3 (đợt này có 3 trường hợp được tuyển).
Qua hai đợt tuyển công chức cho VKSND tỉnh Bắc Kạn, Đỗ Quang Chung đã cố ý “vòi” và nhận tiền của những người được tuyển 34,6 triệu đồng. Việc làm đó của ông Chung là rất nghiêm trọng, vượt xa trường hợp một số cán bộ trước đây đã bị VKSND tỉnh xử lý kỷ luật.
“Chỉ cần sai phạm trên 500 nghìn đồng đã có thể bị truy tố” - ông Hà Hữu Lạc, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Kạn khẳng định. Nhưng đến nay ông Đỗ Quang Chung thì chưa bị xử lý kỷ luật. Thậm chí còn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đề nghị bổ nhiệm lại chức danh kiểm sát viên; tháng7/2005, ông Chung còn được thay mặt ngành đi dự Đại hội điển hình tiên tiến tại Hà Nội.
Ý kiến của bạn(Theo Tiền Phong)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Nhiều người tình nguyện tặng kỷ vật quý giá cho bảo tàng (12/10/2005)
▪ Ký hiệp ước bổ sung về hoạch định biên giới với Campuchia (12/10/2005)
▪ Hàng trăm học sinh Bình Thuận bỏ lớp (12/10/2005)
▪ Ngậm tăm xỉa răng bị thủng dạ dày (12/10/2005)
▪ Thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (11/10/2005)
▪ Thừa nam, thiếu nữ sẽ làm xã hội mất cân bằng (11/10/2005)
▪ Lưu thông thiếu tiền lẻ (11/10/2005)
▪ Cần có hành lang pháp lý cho ghép mô, tạng (11/10/2005)
▪ Mừng và lo (11/10/2005)