Công cuộc đổi mới: Nhìn lại để tiếp tục tiến lên
Các Website khác - 12/10/2005
“Hai mươi năm là một chặng đường không dài so với lịch sử của một đất nước, một dân tộc. Nhưng với công cuộc đổi mới, hai mươi năm là một quãng thời gian đủ giúp chúng ta suy ngẫm, đánh giá, kiểm chứng những gì đã diễn ra, với tất cả sự thăng trầm trong xu thế phát triển đi lên, dù mới là sơ bộ...” Bài viết của GS, TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư
Nhớ lại những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, sau khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, bên cạnh thuận lợi cơ bản và những thành tựu bước đầu đã giành được, nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Trên thế giới, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, xu thế toàn cầu hóa, chạy đua kinh tế, cuộc đấu tranh giữa CNXH và CNTB có nhiều diễn biến phức tạp; hầu hết các nước XHCN lâm vào khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Ở trong nước, tư tưởng chủ quan, say sưa với thắng lợi, nôn nóng muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, dẫn đến việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ, làm cho kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Nước ta lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc xảy ra, hậu quả rất nặng nề.

Trước tình hình đó, Ðảng và nhân dân ta thấy không còn sự lựa chọn nào khác là phải đổi mới, trước hết là đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả hơn. Sau những năm tháng tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng và tổng kết thực tiễn, đến Ðại hội VI (tháng 12-1986), Ðảng ta đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện, trên cơ sở đó lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn và quan trọng.

Cho đến nay, ngoại trừ các phần tử thù địch và một số rất ít người không thiện chí, cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận đường lối và kết quả đổi mới ở nước ta để phục vụ cho âm mưu đen tối của họ, còn tuyệt đại đa số nhân dân ở trong nước và bạn bè quốc tế đều thừa nhận những thành tựu to lớn của chúng ta trong công cuộc đổi mới, cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn. Không ít cá nhân và tổ chức quốc tế nhận xét rằng, trong thời gian qua Việt Nam có bước phát triển "ngoạn mục", "đầy ấn tượng".

Trên lĩnh vực kinh tế: Chúng ta đã có những đổi mới quan trọng trong nhận thức về mô hình kinh tế của thời kỳ quá độ, về quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; về cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế,...

Trước đổi mới, do chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, chúng ta xem kế hoạch là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa, coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch, muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân; đến Ðại hội VI, Ðảng ta đã tuyên bố dứt khoát từ bỏ mô hình kinh tế phi hàng hóa, phi thị trường, mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước. Cương lĩnh (năm 1991) khẳng định: "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước". Ðại hội VIII đưa ra quan niệm mới, rất quan trọng: "Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng". Ðến Ðại hội IX, khái niệm "kinh tế thị trường" được chính thức nêu trong văn kiện Ðại hội, khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta. Ðó không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, và cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế cổ phần phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất và sở hữu, đặc biệt là xã hội hóa vốn của các nhà đầu tư. Xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu.

Với tư duy và đường lối phát triển kinh tế nêu trên, chúng ta đã từng bước làm cho nền kinh tế sống động, sức sản xuất phát triển khá nhanh, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5% một năm. Cơ cấu kinh tế ngành, vùng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP năm 1988 chiếm 21,6%, đến năm 2005 tăng lên 41%; tỷ trọng nông nghiệp năm 1988 chiếm 46,3%, đến năm 2005 còn 20,5%; tỷ trọng dịch vụ năm 1988 chiếm 33,1%, đến năm 2005 tăng lên 38,5%. Các thành phần kinh tế cùng phát triển. Hiện nay kinh tế nhà nước đóng góp 39% GDP, 50% tổng ngân sách nhà nước; kinh tế tập thể đóng góp 8% GDP; kinh tế tư nhân: 37,7% GDP; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 15,5% GDP. Rất nhiều khu công nghiệp mới, đô thị mới mọc lên. Hạ tầng cơ sở phát triển mạnh; bộ mặt nông thôn và đô thị thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Hàng hóa rất phong phú, thị trường cả nước khá nhộn nhịp. Ít ai có thể nghĩ rằng, từ một nước nhiều năm trước đổi mới "làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập", năm 1988 còn phải nhập khẩu hơn 60 vạn tấn lương thực, mà năm 1989 đã xuất khẩu được hơn một triệu tấn gạo và đến năm 2005 xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo; nhiều hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới. Tích lũy nội bộ của nền kinh tế từ chỗ không có gì đến nay đã đạt hơn 30% GDP. Nhiều ngành kinh tế (như bưu chính viễn thông, điện tử, tin học, hàng không...) nước ta đã bắt kịp nhịp đi của thế giới. Và hiện nay Việt Nam đang trở thành một điểm đến tin cậy và hấp dẫn của khách du lịch quốc tế.

Về văn hóa, xã hội, con người: Chúng ta đã có sự nhận thức đúng hơn về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; coi phát triển giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội; khẳng định con người là vốn quý nhất, sự phát triển con người được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội.

Từ chỗ đề cao một chiều lợi ích của tập thể, phân phối theo lao động nhưng thực tế là bình quân, cào bằng đã từng bước chuyển sang thực hiện phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất - kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội. Từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách xã hội trong mối quan hệ tương tác với chính sách kinh tế đã đi đến chủ trương thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, và ngược lại, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế; tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội đã dần dần chuyển sang thiết lập cơ chế, chính sách để Nhà nước và nhân dân cùng làm, các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia. Từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói, giảm nghèo. Từ chỗ muốn nhanh chóng xây dựng một cơ cấu xã hội "thuần nhất" chỉ có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức đã đi đến quan niệm về việc xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Trên thực tế, chúng ta đã giải quyết tương đối tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Thu nhập bình quân đầu người từ 200 USD năm 1990 tăng lên khoảng 600 USD năm 2005. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt. Tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 7% năm 2005, được Liên hợp quốc đánh giá là đã "hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015". Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có bước phát triển mới. Năm 2004 cả nước có 20 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ người lớn (từ 15 tuổi trở lên) biết chữ đạt 95%. Nước ta có quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ với 70 nước và tổ chức quốc tế. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 63 tuổi năm 1990 tăng lên 71,5 tuổi vào năm 2005. Chỉ số phát triển con người (HDI) từ mức dưới trung bình (0,498) năm 1991 tăng lên mức trung bình (0,688) năm 2002. Ðến năm 2005, Việt Nam được xếp thứ 108 trong tổng số 177 nước. Cơ cấu xã hội đang có những biến đổi theo hướng tiến bộ. Số công nhân và trí thức ngày càng tăng trong khi nông dân làm nông nghiệp thuần túy ngày càng giảm.

Về hệ thống chính trị: Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Ðảng ta sử dụng khái niệm hệ thống chính trị (thay cho hệ thống chuyên chính vô sản). Cương lĩnh năm 1991 khẳng định: "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân". Hệ thống chính trị hoạt động theo nguyên tắc "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Trong đó Ðảng vừa là hạt nhân lãnh đạo, vừa là bộ phận của hệ thống ấy; Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân có chức năng thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm của Ðảng và quản lý đất nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện phản biện và giám sát xã hội, góp phần xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Thực tế trong những năm qua, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị nước ta đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ hơn, năng động hơn. Quốc hội có bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu, hoàn thiện tổ chức bộ máy đến cải tiến phương thức hoạt động; làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Hoạt động của Quốc hội thường xuyên hơn, ngày càng dân chủ hơn; tranh luận, thảo luận một cách thẳng thắn, thiết thực; mở rộng chất vấn; tăng cường lắng nghe và tiếp xúc cử tri... Từ năm 1987 đến tháng 6-2005, đã ban hành 145 luật, bộ luật, trong đó có 6 bộ luật lớn, 4 quy chế hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã thông qua và ban hành 149 pháp lệnh. Số bộ luật, luật tăng gấp ba lần so với thời kỳ trước đổi mới, góp phần tạo khung khổ pháp lý để Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.

Bộ máy Chính phủ và cơ quan chính quyền các địa phương từng bước được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Ðã sắp xếp các bộ và cơ quan ngang bộ theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tách dần chức năng quản lý nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh; phân biệt chức năng của cơ quan hành chính công quyền với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công cộng. Bộ máy Chính phủ từ 76 đầu mối giảm xuống còn 39, trong đó có 17 bộ, 6 cơ quan ngang bộ, 13 cơ quan thuộc Chính phủ. Bộ máy UBND cấp tỉnh từ trên dưới 40 đầu mối nay còn trên dưới 20 đầu mối; cấp huyện từ trên dưới 20 nay còn trên dưới 10. Nhìn chung, sự quản lý, điều hành của Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp ngày càng nhanh nhạy, kịp thời, có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng ngày càng được phân định rõ. Tòa án nhân dân tối cao và tòa án cấp tỉnh có một số điều chỉnh; lập mới các tòa án chuyên trách (như tòa kinh tế, tòa lao động, tòa hành chính). Viện kiểm sát nhân dân tối cao được điều chỉnh theo hướng tập trung thực hiện chức năng công tố, chức năng giám sát, giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã được ban hành. Trong xét xử, đã có quy trình khoa học hơn, nâng cao hiệu quả tranh tụng, coi trọng vai trò của luật sư.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng phát huy được vai trò của mình trong việc tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào cách mạng, tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước và nâng cao tính tự quản của các cộng đồng dân cư. Ðã giải quyết tương đối tốt mối quan hệ công tác giữa tổ chức đảng với các bộ phận khác của hệ thống chính trị. Tình trạng "bao biện", "làm thay" lẫn nhau đã giảm dần ở nhiều cấp; mối quan hệ tác động tương hỗ giữa Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội được cải tiến. Ðã có chủ trương, biện pháp phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa xã hội. Việc ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân...

(Còn nữa)

GS, TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư