Nhiều người tình nguyện tặng kỷ vật quý giá cho bảo tàng Gần đây, bảo tàng bớt "nghèo nàn" hơn khi ngày càng nhiều người dân quan tâm, tìm hiểu và quan trọng là cùng góp sức mình phát triển bảo tàng. Ông Dương Thanh Phong nguyên là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải Phóng - Ban Tuyên huấn TW cục miền Nam. Vào nghề khi chưa tròn 20 tuổi, 15 năm lăn lộn giữa mặt trận đất thép Củ Chi để có những tấm hình tư liệu quý giá. ảnh của ông được nhiều giải huy chương vàng, huy chương bạc trong nước và giải thưởng quốc tế. Và bây giờ 200 bức ảnh chiến trường Miền Nam VN cùng 40 hiện vật thời chiến được ông tặng lại cho bộ kỷ vật kháng chiến của Bảo tàng thành phố. Trong suy nghĩ của ông, đóng góp xây dựng bảo tàng là niềm vui vì ông từng gắn bó ở đó hàng chục năm (ông vốn là Phó GĐ bảo tàng Tôn Đức Thắng). Một lần xem triển lãm kỷ vật của người đi B tại Bảo tàng thành phố, ông Mai Hoàng Lễ chỉ thấy có những kỷ vật từ năm 1966, mà trong "gia tài" của ông thì vẫn còn giữ những kỷ vật từ 1964. Ngay lập tức, ông đưa hết các kỷ vật đi B của mình đến làm minh chứng và quyết định trao tặng toàn bộ cho bảo tàng. Ông Lễ vốn là cán bộ ngoại giao. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế, khoa ngoại giao, ông không ra nước ngoài như khá nhiều bạn bè, theo lời Đảng đi Nam. Những ngày vượt Trường Sơn, những trận sốt rét ác tính, những cơn lũ rừng còn in đậm kỷ niệm trong ông. Chính trong hoàn cảnh ấy, những kỷ vật từ toa thuốc chữa rắn cắn, la bàn cho đến tấm áo sơ mi mặc hoạt động, ông coi như người bạn đồng hành và nâng niu hàng chục năm qua. Sau ngày giải phóng, ông có một số chiến lợi phẩm từ Dinh tổng thống (cũ) mà Nhà nước hoá giá như máy quay phim, máy slair, tai nghe, súng carbin... Tất cả tài liệu, kỷ vật còn gìn giữ đến bây giờ, ông sẵn sàng trao tặng cho bảo tàng. Gương mặt "hào phóng" tặng bảo tàng trên 250 đồng tiền các loại của 190 nước trên thế giới để giúp cho bảo tàng trưng bày phòng sưu tập các loại tiền Việt Nam và thế giới là một trong những người đã lập Guiness Việt Nam, ông Huỳnh Minh Hiệp. Trong bộ sưu tập ông đem tặng Bảo tàng có bộ tiền gồm 7 loại, in lần đầu tiên của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, được xem là bộ tiền quý nhất hiện nay, trong khi đó, ở nhà ông chỉ còn 2 loại làm kỷ niệm. Bộ sưu tập này được ông tặng bảo tàng nhân 60 năm ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/2005. Còn rất nhiều người dân khác sẵn sàng tặng hiện vật cho bảo tàng. Có thể kể như ông chủ Châu Quốc Hùng - cơ sở đồ gỗ Nghệ Xương tặng 4 cặp liễn quý từ đầu thế kỷ 20, một cặp sư tử sơn son thếp vàng. Bà Tô Thanh Trúc tặng 20 tư liệu, hiện vật ngành y trong thơì gian làm bác sĩ chiến trường... So với lớp người đi trước như ông Mai Hoàng Lễ, ông Dương Thanh Phong thì Huỳnh Minh Hiệp là thế hệ hậu sinh - năm nay 32 tuổi. Điều này chứng tỏ, rất nhiều người dân Việt Nam, thế hệ nào cũng có những người không tính toán, tình nguyện tặng những hiện vật quý báu cho bảo tàng trưng bày, lưu giữ. Chính họ, những người có công phát triển bảo tàng và xứng đáng với những bằng khen của Uỷ ban Nhân dân Thành phố và Sở Văn hóa Thông tin trao tặng trong dịp 60 năm ngày Nam Bộ kháng chiến vừa qua. Võ Thu Hương |
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (11/10/2005)
▪ Thừa nam, thiếu nữ sẽ làm xã hội mất cân bằng (11/10/2005)
▪ Lưu thông thiếu tiền lẻ (11/10/2005)
▪ Cần có hành lang pháp lý cho ghép mô, tạng (11/10/2005)
▪ Mừng và lo (11/10/2005)
▪ Quảng Trị sẵn sàng trước lũ (11/10/2005)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Thủ tướng Campuchia Hun Sen (12/10/2005)
▪ Siêu thống kê! (12/10/2005)
▪ Khởi công đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa nối vành đai 1 (11/10/2005)