Nhà nước phải đầu tư vào "khoản chính yếu" của điện ảnh?
Các Website khác - 14/11/2005

(VietNamNet) - Bộ Trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị cho rằng: Dù khuyến khích xã hội hoá đến mấy thì cũng không bao giờ thiếu sự đầu tư của Nhà nước dành cho điện ảnh. Còn ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sỹ VN, dù thừa nhận bao cấp là một nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của ngành điện ảnh VN, nhưng vẫn khẳng định vai trò trung tâm của nhà nước trong quản lý điện ảnh (?).

Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị, Trưởng ban soạn thảo Luật điện ảnh:
Đầu tư cho điện ảnh vẫn tiếp tục tăng lên!

Soạn: AM 143150 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Bộ trưởng Phạm Quang Nghị.

''Chúng tôi trong quá trình xây dựng luật luôn có mong muốn làm sao khắc phục được cơ chế, tư tưởng bao cấp tràn lan, sự đầu tư không có hiệu quả. Nhưng không phải từ nay trở đi là chúng ta thôi hay giảm đầu tư của Nhà nước cho ngành điện ảnh mà ngược lại, sự chăm lo của Nhà nước đối với ngành điện ảnh vẫn tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, phải làm sao để tỷ lệ đầu tư đó ngày càng ít đi so với nguồn lực huy động của xã hội, của các thành phần kinh tế. Thứ hai là phải đảm bảo sao cho các khoản Nhà nước trực tiếp đầu tư đem lại hiệu quả tốt hơn vừa qua. Điểm này trong dự luật chưa đạt được yêu cầu đó, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và chỉnh sửa.

Nhưng tôi muốn nói một điều: Dù khuyến khích xã hội hoá đến mấy thì cũng cũng không bao giờ thiếu sự đầu tư của Nhà nước dành cho điện ảnh. Ví dụ như cho công tác đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho điện ảnh, các trường quay, cơ sở hậu kỳ... Cái đó không dễ gì tư nhân đáp ứng được, không dễ gì ngày một ngày hai làm được! Tôi nghĩ quốc gia nào cũng phải đầu tư cho văn hoá!

Nhà nước không duyệt kịch bản phim

Trong Luật điện ảnh này, thật sự cũng chỉ tập trung vào khâu quản lý nội dung khi quyết định công bố tác phẩm điện ảnh trước công chúng. Theo luật này chỉ có 2 lần Nhà nước tham gia vào việc xem xét cấp phép. Thứ nhất, cấp phép cho cơ sở sản xuất phim ra đời. Thứ hai, Hội đồng duyệt phim thẩm định phim có công bố được hay không, công bố ngay hay còn phải chỉnh sửa? Hay chỉnh sửa rồi mà không dùng được?

Tương tự như vậy, phim ấy có nhập, phổ biến được hay không? Thực ra trong quá trình từ làm kịch bản cho đến lúc bộ phim hoàn thành là quyền chủ động của nhà sản xuất phim. Có thể nói chúng ta tôn trọng tuyệt đối!

Ngoài cái chung ấy ra, Nhà nước chỉ xem xét thêm một khâu nữa trong trường hợp Nhà nước đặt hàng sản xuất phim bằng tiền của Nhà nước, theo chủ đề, nội dung mà Nhà nước dự định thực hiện. Ví dụ phim về sự kiện lịch sử, đề tài cách mạng, cho miền núi hay thiếu nhi... Đương nhiên tiền Nhà nước đặt hàng theo ý Nhà nước nên Nhà nước có xem xét kịch bản.

Chứ còn hãng phim tư nhân hoặc phim được làm do kế hoạch riêng của cơ sở sản xuất phim thì không có ai xem xét, duyệt kịch bản đó cả! Trong luật quy định khá rõ như vậy nhưng có đại biểu nhầm lẫn giữa duyệt phim do Nhà nước đặt hàng với duyệt chung nên cảm thấy như chúng ta duyệt nhiều thứ là không phải''.

Trong giờ nghỉ giải lao buổi làm việc chiều 14/11 của Quốc hội về góp ý dự thảo Luật điện ảnh, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sỹ VN đã có cuộc trao đổi riêng với VietNamNet.

Điện ảnh của ta dựa vào bao cấp quá lâu

- Điện ảnh của ta tụt hậu so với khu vực, nhiều phim sản xuất ra ít người xem, nguyên nhân mấu chốt là gì, thưa ông?

Soạn: AM 618763 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân.

- Nếu nhìn bề nổi có 3 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, lực lượng sáng tạo điện ảnh qua mấy chục năm thì các thế hệ không được bồi đắp liên tục. Thiếu hụt những kịch bản hay, thiếu đội ngũ diễn viên tài năng được đào tạo. Nghệ thuật điện ảnh cũng đòi hỏi có đào tạo chứ không thể như hái rau rừng được!

Thứ hai là hệ thống máy móc cũ kỹ lạc hậu, không kịp đổi mới và đổi mới không đồng bộ.

Thứ ba, chúng ta không kịp thời đổi mới chính sách điện ảnh! Điện ảnh của ta dựa vào chế độ bao cấp quá lâu! Trì trệ theo hướng cứ chờ Nhà nước rót tiền xuống mới làm. Số tiền nhỏ giọt đó phân một cách rất đều, tuần tự như tiến, dẫn đến các cơ sở sản xuất nhà nước, đạo diễn, diễn viên chờ nhau phân công kịch bản để làm.

Nghệ thuật là cảm hứng sáng tạo có tính thời gian. Thời gian này anh rất hứng khởi, thích làm thì cơ hội không đến. Đến lúc phân công cho anh làm phim thì không đủ điều kiện về tinh thần...

- Vậy theo ông , bao cấp là nguyên nhân chính dẫn đến tụt hậu của điện ảnh?

- Chỉ là phần trăm nào đó vì mình không có căn cứ cụ thể! 

- Một số nước nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ có kinh nghiệm gì hay để chúng ta học tập?

- Đó là những nước có nền điện ảnh lớn, chúng ta không thể so được. Vì họ đã vượt qua giai đoạn thấp kém và đi tới nền điện ảnh chuyên nghiệp. Họ đã có thành tựu trước thế giới như Trung Quốc...

Ở đây vai trò của Nhà nước rất lớn. Trung Quốc quan tâm cực kỳ đến điện ảnh, văn học nghệ thuật nói chung. Họ cho đấy là tự hào dân tộc ghê gớm! Họ lấy trung tâm là lịch sử văn hoá của dân tộc và mọi quyền lợi là tôn vinh đất nước.

Đấu thầu... kịch bản: Tại sao không?

- Một số đại biểu Quốc hội nhận xét, dự thảo Luật điện ảnh nặng bao cấp và can thiệp quá sâu vào hoạt động điện ảnh?

- Luật còn thể hiện rất nhiều tính bao cấp! Có anh vẫn nắm những khâu đáng nhẽ anh có thể thả ra được. Hà cớ gì anh lại phải duyệt ''đầu vào'' là kịch bản! Thậm chí, anh có thể quảng cáo đấu thầu kịch bản, ai có kịch bản hay mang đến đây! Ông đạo diễn nào thấy kịch bản hay thì nhận. Hà cớ gì dứt khoát anh phải chỉ chọn một kịch bản, duyệt để lấy sản phẩm đó mới đấu thầu sản xuất. Thành ra làm ngược công đoạn.

Khâu kiểm duyệt ''đầu ra'' rõ ràng phải làm chặt! Nhưng làm chặt bằng hình thức nào để cho rất nhẹ nhàng như kiểu dán tem vào đĩa CD, không nhất thiết ngồi dán mắt vào xem từ đầu đến cuối. Ví dụ như khai thuế hải quan bây giờ: Anh làm tờ khai, điều này có, điều kia không, anh không vi phạm. Khi ra công chúng nếu thấy anh vi phạm thì luật pháp chiếu theo bản khai của anh để phạt.

- Theo ông, quy định cụ thể nào trong dự luật can thiệp quá sâu vào hoạt động điện ảnh?

- Đó là những quy định về chức năng đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính. Cái đó không cần! Đúng ra đây là mối quan hệ mang tính chất ê kíp, tức là sự đồng thuận, anh không thích thì không ký hợp đồng với tôi. Không thể có quy định có quy định ông diễn viên phải chấp hành ý kiến tuyệt đối của ông đạo diễn. Hay là ông đạo diễn không được sửa kịch bản của biên kịch! Đó là can thiệp quá sâu và thực tế không diễn ra như vậy.

Ngay cả quy định về Hội đồng tuyển chọn kịch bản tư vấn cho giám đốc cơ sở sản xuất phim cũng không cần thiết.

Các nhà kinh tế điện ảnh bị lãng quên?

Soạn: AM 618883 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cảnh trong "Áo lụa Hà Đông": bộ phim nhận được nhiều lời đề nghị mua bản quyền tại LHP Cannes.

- Giảm bao cấp phải đi liền với xã hội hoá, thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước cho điện ảnh. Dự luật có đáp ứng được yêu cầu này không, thưa ông?

- Xã hội hoá là xu thế tất yếu trong điện ảnh. Khi người ta muốn thúc đẩy quá trình điện ảnh phải có chiến lược xã hội hoá. Nhưng khi xã hội hoá, Nhà nước phải nắm lại, phải cam kết là đầu tư vào những khoản chính yếu nhất. Như là trường quay, lưu trữ... không thể tư nhân nào cũng làm được! Đấy là công nghiệp khổng lồ, phi Nhà nước ra không thể! Tư nhân mà không có cơ sở Nhà nước, dựa vào đấy để thuê làm, thì họ lại chạy ra nước ngoài. Còn máy móc họ có thể mua được.

- Cũng có ý kiến cho rằng, để làm điện ảnh tốt cần những nhà kinh tế điện ảnh?

- Kinh tế là một yếu tố bắt buộc! Đấy là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng của một tác phẩm điện ảnh. Không phải vô cớ mà ở các viện, trường điện ảnh có một khoa là kinh tế điện ảnh.

Kinh tế điện ảnh không có nghĩa chỉ là đếm tiền nong mà các nhà kinh tế biết bộ phim này cần bao nhiêu tiền, chiến lược đầu tư, sản xuất, phổ biến, địa bàn của mỗi bộ phim đều do kinh tế làm ra. Vì vậy  phần nửa của điện ảnh nằm ở khái niệm công nghiệp là ở chỗ đó. Tất nhiên, tác phẩm điện ảnh không đơn thuần kinh doanh lỗ lãi.

Nhiều hãng phim tư nhân hoạt động tốt hơn của Nhà nước

- Dự thảo luật quy định điều kiện giám đốc cơ sở sản xuất điện ảnh phải là công dân Việt Nam? Theo ông có cần thiết ''bó'' như vậy không?

- Không cần! Tôi nghĩ nên làm theo Luật doanh nghiệp. Vì Luật này có cả nước ngoài, trong nước, với lĩnh vực điện ảnh có thể áp dụng phần nào, từng bước. Để tiến tới đăng ký có thể là một hãng phim liên doanh.

Hiện nay trong thực tế đã có những doanh nghiệp nước ngoài đứng sau lưng đạo diễn, nhà sản xuất Việt Nam. Họ làm rất hiệu quả! Những trường hợp này có thể giảm được thất thoát, sự kiểm soát tài chính tốt hơn. Thứ hai, thông tin của họ rộng hơn, có thể biết chỗ nào in tráng tốt, rẻ, thậm chí thuê máy móc ở đâu tốt. Cái đó rất lợi! Việc gì chúng ta phải đóng cửa lại và đóng cửa lại chắc gì các hãng phim của nhà nước đã thông thạo hơn họ.

  • Văn Tiến 
    thực hiện

Tin liên quan:
Dự thảo Luật Điện ảnh VN trước giờ "G"
ĐH VI Hội điện ảnh VN: Phải cho chúng tôi nói!
Dự thảo Luật điện ảnh: Chậm 100 năm mà vẫn... hỏng!