Nhang càng thơm càng độc
Các Website khác - 17/01/2006
Một cơ sở sản xuất hương nhang. (P.N)
Một cơ sở sản xuất hương nhang. (Phụ Nữ)

Hiện nay, thị trường TP HCM có hàng trăm nhãn hiệu nhang (hương), từ hàng "Tàu" do người Hoa sản xuất đến hàng ngoài Bắc, miền Trung và cả hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, không nhãn hiệu nhang nào "vượt trội" về tên tuổi; mỗi sạp chợ, cửa hàng... chỉ kinh doanh vài nhãn hiệu "mối ruột".

Dạo một vòng thị trường nhang, cứ như lạc vào "ma trận" mùi hương, từ hương trầm, quế, sứ, lài, hoa hồng, hoa cúc... đến những mùi chẳng biết gọi là gì. Hàng trăm nhãn hiệu, mỗi nhãn hiệu lại có vài chục mùi hương trở lên khiến khách hàng chẳng biết chọn lựa thế nào. Quan sát người mua mới thấy hầu như chẳng ai hỏi về thương hiệu, chất lượng hoặc thành phần có trong nhang mà chỉ quan tâm đến mùi hương đó thơm lâu không, thơm như thế nào...

Loại mùi hương được nhiều người hỏi mua nhất là mùi trầm. Chỉ riêng mùi trầm đã có khoảng vài chục mùi khác nhau, từ trầm nhẹ, trầm thường, trầm đặc biệt đến trầm nội, trầm ngoại nhập... Tình trạng phổ biến là gần như 100% nhãn hiệu nhang không hề ghi thành phần, hương liệu sử dụng trong nhang. Về địa chỉ cơ sở sản xuất thì hiếm hoi với có vài nhãn hiệu in trên bao bì.

Một chủ cơ sở cung cấp vật liệu làm nhang ở đường Phạm Văn Hữu (quận 6, TP HCM) xác nhận là không thể biết được cách thức các cơ sở làm nhang đã pha chế mùi thơm như thế nào, liều lượng hương liệu sử dụng ra sao. Ông cho biết: "Gia đình chúng tôi chỉ xài nhang thường cho... chắc ăn!". Theo ông, mùi trầm thật ra là toàn... hương liệu chứ làm gì có trầm thật. Chợ Kim Biên là nơi tập trung mua bán các loại hương liệu này. Công thức làm nhang thì như nhau nhưng mỗi nơi có cách pha chế hương thơm theo "gu" của mình, thường pha trộn 3-4 loại mùi hương, nên không có nhãn hiệu nào bị trùng mùi hương cả.

Mục kích sở thị tại cơ sở làm nhang, thấy rõ quy trình tẩm nhang thơm khá đơn giản. Đây là khâu cuối trước khi đóng gói nhang. Mùi hương được pha chế cùng với cồn trong bình xịt (giống như bình xịt thuốc rầy), mỗi lít xịt được 20 thiên (20.000 cây), mỗi lần xịt khoảng một thiên, để khoảng 5 phút cho mùi thơm ngấm vào. Một số nơi thì pha chế hương liệu trong thùng phuy, nhang được nhúng vào đấy, hương thơm sẽ đều hơn. Đối với nhang trầm, hương thơm được trộn nhiều lần ở khâu làm bột để giữ mùi lâu hơn. Lượng cồn sử dụng nhiều hay ít tùy theo "lương tâm" của nhà sản xuất, quá nhiều có thể gây cay mắt, khó chịu cho người tiêu dùng nhưng lại lợi cho nhà sản xuất.

Tại các gian hàng bán hương liệu ở chợ Kim Biên, các hương liệu không nhãn hiệu được đựng trong bình nhựa trắng hoặc chia thành từng ký đựng trong túi nilon trắng, không ghi thành phần, hạn sử dụng. Theo một chủ sạp, nguồn hàng ở đây có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc... và người mua thường sử dụng cho mục đích làm nước hoa xịt phòng hoặc làm nhang.

Kỹ sư Nguyễn Phan Chinh, phụ trách Phòng Môi trường Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3, cho biết: "Nhang là mặt hàng chưa có sự kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng, nên không biết các cơ sở sử dụng những hóa chất nào, có gây hại hay không. Riêng hương liệu trầm, có thể họ sử dụng bột gỗ không mùi trộn với hương liệu, thêm hợp chất giữ mùi. Các loại hương liệu công nghiệp gây dị ứng với một số người có thể trạng dị ứng với mùi, màu. Ngay cả hương liệu sử dụng trong nước hoa xịt phòng cũng phải pha chế theo công thức yêu cầu, nếu dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

(Theo Phụ Nữ)