Việc củng cố và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam, một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, hình như chưa được coi trọng trong cộng đồng bà con ở nước ngoài. Để xây dựng lại tinh thần văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, thật sự rất cần một chiến lược văn hóa có tính lâu dài. Theo tôi, nhà nước nên đóng vai trò chính và kế đến là những người Việt yêu nước, yêu văn hóa dân tộc mình.
Vấn đề giáo dục cần đặt lên hàng đầu trong việc giữ gìn tinh thần người Việt tại nước ngoài. Rất nhiều người Việt lớn tuổi sang Mỹ, do thiếu trình độ văn hóa nên không nhận thức được những vấn đề của thời hậu chiến. Đến Mỹ, họ phải dấn thân vào việc mưu sinh, vật lộn với cuộc sống, không có điều kiện trau dồi kiến thức. Họ rất dễ bị đầu độc bởi các phần tử cực đoan.
Hãy tập hợp tấm lòng yêu văn hóa dân tộc của họ, trước khi kêu gọi họ đầu tư hoặc kêu gọi họ góp sức xây dựng đất nước. Hãy làm cho người Việt ở nước ngoài hiểu thấu tấm lòng của Nhà nước Việt Nam trong các nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hãy quảng bá sự rộng lượng của Nhà nước Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Hãy thu phục lòng người bằng chính nghĩa, bằng sự nhất quán trong chính sách và độ lượng trong ứng xử.
Cần giúp một bộ phận không nhỏ bà con người Việt đang bị mai một bản sắc văn hóa dân tộc, bị cuốn theo sự đồng hóa. Mặt trận văn hóa rất cần những con người bao dung và sự kiên trì. Tôi không thể theo văn hóa Mỹ và không vui khi nhìn thấy một cộng đồng người Việt lại thiếu nét văn hóa Việt Nam tại Mỹ. Hãy làm cho người Việt ở nước ngoài thức tỉnh để cứu những thế hệ người Việt-Mỹ tiếp theo. Khi bà con thấu hiểu các chính sách cởi mở của nhà nước Việt Nam, họ sẽ tự động quay về với cội nguồn dân tộc. Hiện nay, điều này chưa được quảng bá sâu rộng, chưa kể còn bị sự đầu độc, xuyên tạc. Tôi rất tiếc về điều này.
Nhân cơ hội Việt-Mỹ giao thương, ngành văn hóa-thông tin Việt Nam nên tranh thủ đưa các sản phẩm văn hóa-văn nghệ vào các cộng đồng người Việt dưới các hình thức như trao tặng sách cho thư viện các bang ở Mỹ. Trong tình cảnh đang nghèo nàn về các loại hình văn hóa hiện nay, tôi nghĩ 80% người Việt ở nước ngoài sẽ hân hoan đón nhận các món quà tinh thần trong nước gửi sang.
Hãy tiến hành các cuộc điều tra xem người Việt ở nước ngoài muốn gì! Đây là những cơ hội để tìm hiểu về nhu cầu văn hóa tinh thần của bà con. Thể hiện chính sách khoan hồng đối với những phần tử lầm đường lạc lối. Hãy mở cửa đón họ với tấm lòng tha thứ. Cần quảng bá chính sách khoan hồng, độ lượng của nhà nước Việt Nam. Thực ra đó là việc không thể không làm. Người Việt ở nước ngoài, sau 35 năm phần lớn vẫn ăn cơm dưa, nói tiếng Việt. Rất cần những dưỡng chất văn hóa tinh thần từ trong nước gửi sang. Trước khi có chiến tranh, chúng ta là người Việt. Chân lý ở chỗ đó! Hiện nay ở nước ngoài, những người già đều muốn quay về Việt Nam. Thế hệ trẻ chưa biết đến Việt Nam, bổn phận của chúng ta là giúp cho con em hiểu biết và gắn bó với quê hương.
Quê hương, đất nước, tình người, văn hóa của người Việt bao la và sâu sắc vô cùng. Chỉ có sống xa đất nước, tiếp cận với nền văn hóa xa lạ mới thấy nhớ thương văn hóa Việt. Chiến tranh khốc liệt tưởng đã tàn phá sự đoàn kết của người Việt, nhưng truyền thống tốt đẹp đang dần dần hồi phục trong cũng như ngoài nước. Chẳng bao lâu nữa, vết thương chiến tranh sẽ được chữa lành. Người Việt ở nước ngoài rồi sẽ nghĩ lại: sống như thế nào là đúng, như thế nào là chưa đúng, trách nhiệm đóng góp cho quê hương, cho bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào?
Theo tôi, đó là một trong những kế sách để "lá quay về nguồn cội".
|