Vùng nguyên liệu điều lớn nhất Tây Nguyên thu hẹp từng ngày
Các Website khác - 09/07/2008

Hơn 6 nghìn hộ nông dân gắn với cây điều nhiều năm qua tại huyện Krông Pa (Gia Lai) đang ngoắc ngoải vì… điều. Lại thêm một vụ điều nữa họ phải chấp nhận cảnh vừa mất mùa, rớt giá và cũng không biết bán đâu khi nhà máy chế biến không mua. Nợ nần cứ tiếp tục chồng chất, hàng trăm hộ nông dân không đủ khả năng duy trì vườn điều đành phải ngậm ngùi đốn hạ để trồng sắn, thuốc lá, ngô lai... Krông Pa, vùng nguyên liệu điều lớn nhất Tây Nguyên đang thu hẹp từng ngày.

 

Nông dân nợ ngập đầu vì… điều

 

Những vườn điều đang được người nông dân triệt hạ thẳng thừng.

“Phải phá thôi, gia đình tôi cứ bám vào cây điều mãi khổ quá!”. Ngồi bên vườn điều rộng 7ha vừa đốn hạ ngổn ngang, ông Văn Tuấn, tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, thở dài ngao ngán.

 

Đã gắn với cây điều hơn 20 năm, từ năm 1986, gia đình ông đầu tư vào vườn điều rộng hơn 7ha bao nhiêu tiền của, công sức. Nhưng rồi điều “mãi phụ tình người”: giá cả cứ bấp bênh, năm được năm mất, lấy lãi bù lỗ cũng chẳng “ăn thua” gì?! Không thể trả nổi khoản nợ gần 200 triệu đồng do… 4 vụ thu hoạch điều mang lại, ông Tuấn quyết định phá toàn bộ 7ha điều ghép để trồng sắn trang trải nợ nần.

 

Hiện giá điều thô tại Krông Pa chỉ được các tiểu thương trả 8.000-8.500 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn vụ trước hơn 20% nhưng cũng đủ khiến người nông dân thêm một lần nữa “sợ” cây điều.

 

Theo ông Tuấn, người trồng điều chỉ có thể hoà vốn khi giá điều ổn định ở mức 12.000-14.000 đồng/kg và có lãi cao như những năm 1989-1991, giá điều luôn đạt mức 20.000-22.000 đồng/kg. Nhưng vài năm trở lại đây, giá điều càng lúc càng xuống thấp, có lúc chỉ còn 4.000 - 4.500 đồng/kg.

 

Hàng trăm hộ nông dân huyện Krông Pa đang tìm cách đoạn tuyệt với điều khi giá trị mặt hàng nông sản này quá bấp bênh, chi phí đầu tư lại lớn. Anh Kpar Phin, xã Chư Gu ngậm ngùi cho biết: “Mình vừa đốn vườn điều 3ha đã đến tuổi thu hoạch vì không còn đủ tiền chi phí chăm sóc, duy trì”.

 

Ngồi bên đống thân điều bị đốn ngổn ngang được tập trung ven đường QL 25 để bán cho các chủ lò sấy thuốc lá với giá từ 15-20 nghìn đồng/cây bất kể lớn, bé… vợ chồng anh Kpar Phin xót lòng lắm nhưng đành chịu. Nợ nần đang ngập đầu, anh Kpar Phin không thể duy trì vườn điều mãi đành phải phá sớm để lấy đất trồng hoa màu.

 

Vùng nguyên liệu điều lớn nhất Tây Nguyên đang thu hẹp từng ngày

 

Từ hàng chục năm nay, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thời tiết khô hạn vào mùa khô, úng lũ vào mùa mưa, đất đai chủ yếu là gò đồi nên vùng đất Krông Pa được đánh giá là địa phương phù hợp với cây điều nhất tỉnh Gia Lai. Đã có những dự án lớn đến hàng chục tỷ đồng được tỉnh Gia Lai đầu tư vào đây nhằm phát huy tiềm năng vùng nguyên liệu này nhưng số phận nông dân gắn với cây điều cũng đã “bao phen nổi, chìm” theo thị trường, thời tiết, sâu bệnh…

 

Gần 30 năm trước, nông dân đã lác đác trồng điều, nhưng phải đến năm 1993, UBND tỉnh Gia Lai áp dụng vào chương trình 327, khi giá điều khá cao từ 18.000-22.000 đồng/kg, chỉ riêng tại huyện Krông Pa, diện tích điều đã lên hơn 7.000ha.

 

Cùng với tỉnh Bình Phước, “thủ đô” của cây điều”, huyện Krông Pa được xem là vùng nguyên liệu điều lớn nhất khu vực Tây Nguyên, một “mỏ vàng” để người dân nghèo đua nhau khai phá đất đai nuôi ước mộng “trồng điều đổi đời”.

 

Năm 2001, tỉnh Gia Lai đã quyết định đầu tư 29 tỷ đồng vào dự án quy hoạch vùng nguyên liệu điều 2 huyện Krông Pa và Kông Chro. Riêng tại huyện Krông Pa, dự án quy hoạch đây là vùng điều trọng điểm với diện tích 10.000 ha, vào năm 2010 sẽ cung cấp mỗi năm 10.000 tấn điều thô cho Nhà máy Chế biến điều xuất khẩu, Công ty CP Long Sơn có công suất 7.500 tấn/năm đóng chân trên địa bàn.

 

Tuy nhiên, trong 5 vụ điều gần đây (2004-2008), nguồn thu nhập từ điều của hàng nghìn hộ nông dân tại Krông Pa gặp muôn nỗi truân chuyên. Anh Kpar Jik, xã Ia M’Lăh, một nông dân đã chán ngán cảnh trồng điều buồn rầu kể lại: “Tôi trồng hơn 5ha điều nhưng đành phải bỏ thôi. Trong 2 năm liên tiếp 2005, 2006, vườn điều nhà tôi liên tục mất mùa, chỉ đạt năng suất gần 60 kg hạt/cây, giá điều thô cũng chỉ được mua 4.500 đồng/kg! Lỗ nặng, tôi phải đốt bỏ cả vườn điều gần 5 năm tuổi của mình để trồng bắp lai!”.

 

Thân điều đang chực chờ biến thành củi sấy thuốc lá.

Với giá cả bấp bênh, “nguồn thu chẳng đủ bù chi” nên trong những năm gần đây, hàng trăm diện tích điều ở Krông Pa được người nông dân đốn hạ không thương tiếc.

 

Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng kinh tế huyện Krông Pa: “Với giá cả không ổn định và ở mức quá thấp nên trong những vụ sản xuất gần đây (từ năm 2004-2008), hàng trăm hộ nông dân trồng điều tại huyện Krông Pa đã triệt hạ điều, chuyển sang trồng hoa màu khác!”. Cũng theo ông Duyên, hiện diện tích điều trên toàn huyện Krông Pa giảm mạnh khó có thể kiểm soát: một vùng điều trọng điểm tại Tây Nguyên rộng hơn 7.000 ha những năm 2004-2005 đến nay chỉ còn gần 5.200 ha và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm sau mỗi vụ sản xuất!

 

Ngân hàng lắc đầu, DN hụt hẫng, tiểu thương “đè” nông dân

 

Thiếu nguồn nguyên liệu điều tại vùng quy hoạch từ nhiều năm nay là bài toán khó tìm ra lời giải đối với Nhà máy Chế biến Điều xuất khẩu chi nhánh Công ty CP Long Sơn – Krông Pa. Trong khi công suất của nhà máy chế biến đạt mức 7.500 tấn/năm thì cả vùng nguyên liệu trọng điểm Krông Pa cũng chỉ cung ứng bấp bênh từ 3.000 – 4.000 tấn/năm, tức chỉ đạt từ 50 - 60% công suất chế biến.

 

Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu thường xuyên vào mỗi vụ sản xuất, ông Huỳnh Đắc Trường - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Long Sơn cho biết: “Mặc dù Krông Pa được quy hoạch là vùng nguyên liệu trọng điểm nhưng sản lượng cung cấp thường bấp bênh. Mỗi năm nhà máy chúng tôi cũng chỉ có thể mua 3.000-4.000 tấn nguyên liệu. Lượng nguyên liệu này thực sự không đủ để duy trì hoạt động của nhà máy với gần 1.500 công nhân. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm nhà máy đã phải chủ động nhập nguyên liệu điều từ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và thậm chí còn nhập hàng tấn điều thô từ Châu Phi (Nigiêria) về gia công”.

 

Ngân hàng chưa giải ngân,  nhà máy chế biến điều xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi thu mua nguyên liệu điều.

Cũng theo ông Huỳnh Đắc Trường, trong vụ điều năm nay, nhà máy chỉ mới mua được gần 1.500 tấn điều thô tại Krông Pa và đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”!

 

Giải thích về vấn đề này, ông Trường cho rằng, mặc dù hiện nhà máy vẫn còn hạn mức nhưng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Nam Gia Lai đã ngừng giải ngân khi ngân hàng kịch trần mức hạn tín dụng theo quy định của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Gia Lai. Nhà máy chế biến điều xuất khẩu, Công ty CP Long Sơn hiện đang gặp nhiều khó khăn khi thu mua nguyên liệu điều Krông Pa! 

 

Được biết, đến thời điểm hiện nay, nhà máy chỉ mới mua được 1.500 tấn hạt điều của nông dân trong huyện Krông Pa với giá từ 13.500 - 14.000 đồng/kg điều tươi nhưng hiện đang gặp khó khăn do ngân hàng chưa kịp giải ngân.

 

Khi nhà máy chế biến điều nói “không” với nguồn nguyên liệu điều tại chỗ cũng là cơ hội cho các tiểu thương mặc sức ép giá, đầu cơ khiến niềm hy vọng vào vụ điều mới của hàng nghìn hộ nông dân trồng điều tại huyện Krông Pa thêm một lần nữa tắt lụi. Giá điều nguyên liệu được Nhà máy Chế biến Điều mua từ 14.000 đồng/kg vào giữa tháng 4/2008, xuống 12.000, 10.000 đồng/kg vào đầu tháng 5/2008 và hiện nay chỉ còn 8.000 – 8.500 đồng/kg khi các tiểu thương được dịp đầu cơ!

 

Ai cứu vùng nguyên liệu điều Krông Pa?

 

Những khó khăn liên tục đè nặng lên vai người nông dân trồng điều tại Krông Pa. Sau mỗi vụ sản xuất, tình trạng giá hạt điều bấp bênh, năng suất giảm, sâu bệnh hoành hành, điều mất mùa, hàng trăm hộ nông dân chịu cảnh nợ nần chồng chất đành phải ồ ạt chặt phá loại cây này để trồng sắn, các loại cây ngắn ngày khác… còn củi thì dùng để sấy thuốc lá. Vùng điều trọng điểm của Tây Nguyên với diện tích được dự tính sẽ đạt 10.000ha vào năm 2010 đang thu hẹp từng ngày.

 

Được biết, dự án quy hoạch vùng nguyên liệu điều tại Krông Pa với tổng vốn đầu từ 29 tỷ đã kết thúc từ năm 2005 nhưng trong khi dự án giai đoạn 2 (2005-2010) chưa kịp triển khai để có kinh phí cải tạo, duy trì, trồng mới đưa diện tích điều đạt 10.000ha như dự kiến thì diện tích điều liên tiếp bị triệt từng năm theo nỗi thăng trầm của người trồng điều. 

  • Thanh Luận