Hai "cơ sở công nghiệp” buôn bán xe máy. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Các khu công nghiệp liên tục được xây dựng, và có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký. Tuy nhiên các doanh nghiệp, công ty này thực chất chỉ là xưởng gia công, cơ sở buôn bán xe máy, thậm chí còn là những nhà hàng, quán ăn bình dân.
Cụm công nghiệp Đông La mới được quy hoạch, xây dựng cách đây vài năm. Viễn cảnh ban đầu mà UBND huyện Đông Hưng tuyên bố và được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận là sẽ “tạo một cụm công nghiệp đa năng” với các ngành may mặc, lắp ráp ôtô... Ngay sau khi công bố thành lập cụm, chính quyền đã phấn khởi thông báo có gần 30 doanh nghiệp đăng ký thuê đất.
Thế là nông dân nhanh chóng nhận được quyết định đền bù giải tỏa. Cát được chở đến lấp ruộng. Các công ty đăng ký nhanh chóng đến nhận những khoảnh đất ngay mặt tiền quốc lộ số 10 vừa mở rộng, lại ngay sát trung tâm huyện Đông Hưng.
“Cụm công nghiệp” trồng cây, nuôi cá
Giấy đăng ký kinh doanh của Cụm công nghiệp Đông La có ghi một cái tên hoành tráng: Công ty chế biến và kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ. Nhưng người nông dân chẳng mất nhiều thời gian để nhận ra “trái đắng” khi Công ty thương mại Hoàng Trọng ban đầu còn ngấm ngầm, sau công khai “làm công nghiệp” bằng cách đầu tư... trồng cây ăn quả. Hình ảnh thực chất về “cụm công nghiệp đa năng” hiện lên rõ hơn khi Công ty thương mại và dịch vụ Á Đông tổ chức... đào ao nuôi cá (để bán) ngay trong khu đất được thuê với giá ưu đãi để làm công nghiệp.
“Chuyên nhận đúc các loại xoong nồi” - đó là dòng quảng cáo được vẽ bằng mực xanh, mực đỏ bên tường cơ sở sản xuất nhôm Bắc Dâu, thuộc “Cụm công nghiệp Đông La”, Thái Bình. Kế bên xưởng nhôm Bắc Dâu là tổ hợp xe máy gồm hai cơ sở “công nghiệp” ghi: Công ty xe máy Quý Đãn và Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng, trung đại tu xe máy, máy nổ Thái Bình.
Mặc dù các cơ sở này đều cố trưng những cái biển nghe rất “công nghiệp”, như Quý Đãn ghi: “Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam, xe máy Kaiser”, nhưng mặt bằng thì chỉ khoảng 100 m2, đủ để đặt cái giường và hơn chục chiếc xe máy là hết. Người dân được phen đặt câu hỏi khi UBND huyện Đông Hưng (nơi đặt cụm công nghiệp) gần như không có phản ứng. Rồi câu trả lời tự đến khi Công ty TNHH Lam Sơn được mời đón cho thuê cả nghìn mét vuông đất để “sản xuất phân vi sinh”, nhưng thay vì đầu tư vào sản xuất, ông chủ công ty này lại cho xây một biệt thự ba tầng đồ sộ, trị giá cả tỷ đồng để “làm văn phòng công ty”.
Cụm công nghiệp Đông La chưa giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng đã nhanh chóng khiến đất ở khu vực này tăng lên chóng mặt. Các “cơ sở công nghiệp” kể trên không cần nhiều nhân công nên nông dân chẳng những không được hưởng lợi từ những dự án đầu tư mà còn bị đặt vào thế không kế sinh nhai.
Với tiền đền bù giải tỏa khoảng 26.000 đồng/m2, tỉnh hỗ trợ thêm mỗi mét vuông... 1.000 đồng để chuyển nghề. Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa, một nông dân, than thở: “Tổng số tiền tôi được hỗ trợ chuyển nghề chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng, tính ra chỉ đủ tiền cám nuôi lợn hoặc cho con đi học tiếng Anh trong một tháng”. Giọng người đàn ông mếu máo “cuộc sống cơ cực quá”.
Trong khi đó, theo tính toán của một ông chủ cửa hàng bán đồ trang trí nội thất ở thị trấn Đông Hưng (vừa thất bại trong việc thuê đất ở Cụm công nghiệp Đông La) thì: chỉ cần đặt bút ký thuê được đất với giá ưu đãi, chưa cần kinh doanh, doanh nghiệp đã lãi ít nhất là hơn 120 lần.
Nếu như Cụm công nghiệp Đông La là một điển hình về cách làm cụm công nghiệp theo kiểu thập cẩm, “công nông kết hợp” thì Cụm công nghiệp Gia Lễ - Đống Năm lại vấp phải tình trạng vườn không nhà trống. Với diện tích 100 ha, theo tính toán sẽ có các nhà máy chế biến nông sản, xưởng may, da giày và cả công nghiệp điện tử...
Song đến nay đã mấy năm trôi qua, đứng nhìn cụm công nghiệp này ấn tượng nhất là... rác và sự quạnh quẽ, hiu buồn. Vắng vẻ, cụm công nghiệp bị biến thành nơi đổ phế thải của nhiều gia đình gần đó.
Đất chật, người đông, riêng khu công nghiệp rộng
Hai khu công nghiệp lớn nhất của Thái Bình là Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh được hy vọng là “quả đấm thép” giúp kinh tế cũng như công nghiệp Thái Bình cất cánh. Song ngay ở hai “quả đấm thép” mạnh nhất này, bên cạnh các dãy nhà xưởng vẫn có những “đốm xanh” rộng cả hecta... cỏ mọc ngút ngàn. Lý do: đất đã giao nhưng doanh nghiệp... chưa dùng hết.
Dân được đền bù giải tỏa chóng vánh nhưng khi đã xong các thủ tục để nhận đất và đặc biệt là có quyền vay vốn ưu đãi, các doanh nghiệp quay ra... án binh bất động suốt nhiều năm. Như Nhà máy dệt may Á Châu (AP) nhận khoảnh đất hàng ngàn mét vuông (ngay sát đại lộ Trần Thái Tông đẹp bậc nhất thành phố Thái Bình) bốn năm trước đây nhưng đến nay mới có vẻn vẹn hai dãy nhà xưởng nhỏ nhỏ mọc lên.
Phần đất còn lại cỏ mọc, cát bay đã lâu nhưng có vẻ doanh nghiệp này vẫn kiên quyết xin giữ với cam kết chưa có lộ trình: “sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất”. Bên cạnh May Á Châu, May Đức Giang cũng đang thừa 2 ha chưa dùng đến. Nhà máy cán thép Đông Phương Hồng đến nay một phần không nhỏ diện tích vẫn là một màu của cát...
Giải thích lý do tại sao nhiều doanh nghiệp xin thừa đất, nhiều năm không dùng đến nhưng vẫn kiên quyết không muốn trả lại, ngay một anh xe ôm hành nghề cạnh Khu công nghiệp Phúc Khánh cũng biết: nếu đóng đủ tiền thuê 30-50 năm, chuyển nhượng được đất cho các doanh nghiệp khác thì mấy ông lớn đi trước sẽ lãi hơn cả mở xưởng sản xuất nên tội gì họ bỏ.
Ở Khu công nghiệp Cầu Nghìn, mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định thành lập từ tháng 9/2004 nhưng đến nay vẫn chưa có phương án đền bù giải tỏa. Chính vì sự chậm trễ này mà người dân nơi đây phải sống trong sự phập phồng của tình trạng quy hoạch treo với biết bao nỗi khổ.
Ông Vũ Ngọc Thu, quyền trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Bình, khẳng định “không lấy một ngôi nhà nào của dân” nhưng chính quyền xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ (nơi đặt khu công nghiệp) lại kiên quyết không ký giấy chuyển nhượng nhà, đất thổ cư cho người dân ở sát khu công nghiệp với lý do “đất đang trong quy hoạch”.
Sống trong cảnh quy hoạch treo, tâm hồn phải “treo” đã đành, những người có nhà sát Khu công nghiệp Cầu Nghìn còn mất ăn mất ngủ vì một nhà máy sang chiết gas lớn lại được xây ngay sát dưới... lưới điện cao áp. Những bình gas kim loại, dây điện réo ù ù cách chỉ chục mét.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Lời xin lỗi (26/12/2005)
▪ Mối quan hệ giữa dân số và nghèo đói (26/12/2005)
▪ Nổ tại cửa hàng gas, 3 người bị thương (26/12/2005)
▪ Hà Nội xem xét dán tem taxi (26/12/2005)
▪ Cuối năm đường phố lại bị băm nát (26/12/2005)
▪ Chưa chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp FDI từ 1/1 (26/12/2005)
▪ Có "bằng" mới được sản xuất, kinh doanh thực phẩm (26/12/2005)
▪ Cuối năm đường phố lại bị băm nát! (26/12/2005)
▪ Bệnh viện Hà Tĩnh "tuyên án treo" trên cuộc đời bệnh nhân (26/12/2005)
▪ Những bác sĩ vì đôi mắt những người nghèo Việt Nam (24/12/2005)