![]() |
Bà Ch. một "đại lý" chuyên cung cấp các thôn nữ tại "chợ người". |
Lên thành phố mưu sinh ở “chợ người” các cô gái không chỉ chịu để người ta mua bán mình như một món hàng mà nhiều người bị bán cho những quán cà phê, karaoke ôm. Không ít người bị bán nhiều lần vào các động mại dâm ở nước ngoài.
Xe vừa rời thị xã Trà Vinh trời cũng bắt đầu đổ mưa. Mấy cô gái do “đại lý” Út Ngọc đưa đi có cô gương mặt vẫn đầy vẻ lo âu, có cô mặt xanh như tàu lá vì say xe...
Mi mới 18 tuổi ở ấp Ô Răng, xã Long Sơn, Cầu Ngang. Năm trước, chị kế của Mi đang học lớp 12 bị bệnh tim mà gia đình không tiền chạy chữa đã lìa đời. Nỗi đau mất chị khiến Mi thêm quyết tâm tìm một công việc kiếm tiền phụ giúp ba mẹ.
Mi kể: “Dì Út giới thiệu nhiều người đi làm rồi đó, có hôm dì dắt gần 20 đứa đi Sài Gòn, hổng biết làm gì mà khi về nhiều tiền lắm. Dì nói đi làm mấy tháng là có tiền gửi về rồi...”. Chuyến ra đi này mẹ của Mi phải trả cho Út Ngọc 150.000 đồng.
Ngồi phía trên là mấy cô ở xã Tân Hiệp, Trà Cú. Cô gái tên Đoan rụt rè cho biết: “Nghe nói lên Sài Gòn nhiều việc làm lắm, bán quán thôi cũng kiếm cả triệu đồng một tháng. Em chỉ cần mỗi tháng 600.000 đồng cũng được rồi!” .
Để tìm con đường đổi đời, mấy cô gái trẻ này đã rủ nhau góp tiền mỗi người 150.000 đồng đưa cho bà Sáu dẫn lên Sài Gòn tìm chỗ làm và hầu hết đều không biết việc làm trước mắt là gì, mà chỉ nghe loáng thoáng “bán quán, lương cao lắm” hoặc “lên chờ để được giới thiệu vào làm ở nhà máy, xí nghiệp...”.
Cô gái tên Xuân thỏ thẻ: “Có mấy chị cũng do dì Sáu giới thiệu lên Sài Gòn bán quán mới có một năm mà về vàng đeo đỏ cả tay. Em hỏi bán quán gì, mấy chị bảo bán quán bia thôi, dì Sáu cũng bảo với em như vậy...”.
“Đại lý” Ngọc Phương. dắt một lúc bốn cô gái xinh tươi, da trắng như bông bưởi. Ngọc Phương khoe: “Gái lai đó, đẹp không? Hồi mới tuyển đứa nào đứa nấy chân tay dính phèn xấu òm hà. Tui mang về bày vẽ cho cách sửa soạn, bây giờ trông có khác gì hoa khôi thôn nữ.
“Hàng” loại này dân thị thành mê lắm. Mấy khách sạn, quán karaoke, massage ngoài Phan Thiết đặt hàng liên tục, có bao nhiêu đưa ra ngoài đó cũng thu hết. “Hàng” đặc biệt phải là hàng 15, 16 tuổi à nghen...”.
Theo số liệu của Bộ Công an trong hội nghị về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em (tháng 8), từ năm 1998 đến nay đã phát hiện và khởi tố gần 1.500 vụ với 2.500 người liên quan đến những đường dây mua bán hàng nghìn phụ nữ và trẻ em. Công an đã tổ chức giải thoát thành công và đưa về gia đình 870 trường hợp. |
Thời gian gần đây, nhiều chủ quán cà phê ôm, bia ôm, karaoke ôm, môi giới mại dâm trá hình không còn phải treo bảng “tuyển tiếp viên nữ” trước quán vì đã có cả một hệ thống “đại lý” chào hàng tận nơi. Những “đại lý” này nhiều khi chẳng phải ai xa lạ mà chính là bà con trong dòng họ, hàng xóm.
Chuyện đau lòng nhất là tháng 9/2004, công an đã triệt phá một đường dây bán người ra nước ngoài làm gái mại dâm có quy mô lớn, mà một trong những trợ thủ đắc lực nhất lại chính là một thầy giáo. Đó là C.Th., nguyên là giáo viên ở Đồng Tháp. Thỏa thuận với một đường dây từ Campuchia đưa người sang sẽ được “hoa hồng” 1 triệu đồng/người, C.Th. đã về lừa ngay em Son là học trò cũ của mình với chiêu thức: đưa đi thành phố bán quán lương cao nhưng thực chất đã bán sang “động” ở Campuchia.
Chỉ trong một thời gian ngắn, C.Th. tiếp tục lừa đưa bốn người nữa. Rất may là em Son đã đào thoát trở về và tố cáo tội ác của C.Th.. Ông thầy “thú đội lốt người” C.Th. đã bị tòa án tuyên phạt 8 năm tù giam.
![]() |
Những giọt nước mắt của Hoa khi kể lại những ngày bị bán sang xứ người. |
Trước đó, cũng với chiêu bài “đưa người lên thành phố bán quán, lương cao” mà Út Chuột (Bình Minh, Vĩnh Long) và đồng bọn đã bán hàng chục thôn nữ sang Campuchia, sau đó đưa sang Malaysia làm gái mại dâm với giá mỗi người chỉ 1 triệu đồng. Út Chuột và đồng bọn đã bị đi tù nhưng hàng chục thân phận các cô gái còn mịt mù nơi xứ người...
Hôm vào ấp Chông Văn, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang với những căn nhà lá lụp xụp chỉ thấy trẻ con và người già. Ở vùng quê này quanh năm người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không nuôi nổi tấm thân nên nhiều cô gái hễ nghe ai nói đi đâu đó làm được trả 500.000 đồng, 600.000 đồng mỗi tháng là chịu đi liền và nhiều cô đã ra đi mà không hề quay trở lại.
Một chị bán hàng nước ở ấp Chông Văn xót xa: “Trước đây bọn làm nghề dắt gái hay quần xóm này lắm. Họ nói đủ kiểu nhưng khi lấy tiền xong là đem mấy đứa lên bán vào mấy quán bia ôm, cà phê ôm. Tội nghiệp mấy đứa con gái, tưởng đi làm gửi tiền về phụ cha mẹ, ai ngờ mất luôn đời con gái, nên có đứa xấu hổ không dám quay về quê...”.
Nhiều thân phận trôi nổi lên thành phố mưu sinh ở “chợ người” phải chịu nhiều cảnh khắc nghiệt đến tận cùng. Điển hình như chị em Phước và Hoa bị dụ đưa lên thành phố tìm việc ở “chợ người” đường Ba Tháng Hai. .. Hai chị em không nhớ vì sao mình được đưa sang tận Campuchia rồi Thái Lan.
Người ta mua bán thế nào, qua tay bao nhiêu trung gian, đi qua bao miền đất lạ và rồi cuối cùng bị đưa vào bán trong một quán bar trá hình. Từ 6h chiều đến 6h tối hôm sau, ông chủ bắt mỗi ngày mỗi đứa phải mang về cho ông 1.000 baht, nếu không đủ thì bị đánh đập, hành hạ.
Hoa kể: “Trong nhà của người chủ tàn bạo ở Thái không chỉ có hai chị em em là người Việt mà còn có hàng chục chị khác cũng bị bán từ VN sang”. Trong ba năm lưu lạc tại Thái, ít nhất sáu lần Hoa và Phước bị cảnh sát địa phương bắt nhưng lại trả về Campuchia.
Sau đó bọn buôn người bắt trở lại và ném hai chị em sang đất Thái. Mỗi lần như vậy bọn họ kiếm từ 4.000-5.000 baht... Bây giờ mỗi khi nghe đến chuyện có ai đó rủ đi lên thành phố là chị em Phước, Hoa lại cảm thấy như tiếng sét đánh ngang tai.
(Theo Tuổi Trẻ)
* Tên các nạn nhân đã được thay đổi
▪ Khai mạc Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam (21/11/2005)
▪ Trường hợp đầu tiên nhiễm cúm H5N1 ở Hải Phòng (22/11/2005)
▪ Cảnh báo về chất lượng thuốc đông dược (22/11/2005)
▪ Việt Nam đạt nhiều thành tựu lớn trong công cuộc đổi mới (22/11/2005)
▪ Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (22/11/2005)
▪ Nắm vững bài học của 20 năm đổi mới (23/11/2005)
▪ Bộ Công an sửa sai (23/11/2005)
▪ Cả cộng đồng cùng bảo tồn di sản văn hóa (22/11/2005)
▪ Ngành đường sắt cắt giảm tàu chạy tuyến ngắn (23/11/2005)
▪ Tập trung giải quyết hộ khẩu tại Hà Nội và TP HCM (23/11/2005)