![]() |
Sau buổi làm việc vất vả, nhiều phụ nữ phải chịu thêm sự áp bức tinh thần từ gia đình. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Hương (26 tuổi, Hà Nội) phải điều trị tâm lý một thời gian dài bởi không chịu nổi cách đối xử của mẹ chồng. Ngoài xã hội, cô kiến trúc sư xinh đẹp được bao người ngưỡng mộ nhưng về nhà, Hương lại bị xem là kẻ không đáng một xu.
Hương kết hôn với một đồng nghiệp nổi tiếng tài hoa. Nhà chàng quá giàu có nên bố mẹ chồng xem cô như chuột sa chĩnh gạo và không ngừng nhắc nhở con dâu về điều đó. Dù ở cơ quan khá bận, cô vẫn phải hoàn tất mọi việc nhà, bắt đầu từ lúc 5h30 sáng với việc lau dọn cả tòa nhà 5 tầng rộng thênh thang, bởi mẹ chồng dứt khoát không thuê ôsin. Cô làm bất cứ việc gì cũng bị chê bai, miệt thị. "Tôi chẳng hiểu nổi vì sao nó lại lấy cô", là câu mà Hương thường xuyên phải nghe.
Công việc đòi hỏi làm thêm ngoài giờ nhưng hễ lúc nào Hương về muộn là bị mắng. Cô làm ở nhà ban đêm cũng không xong vì mẹ chồng bảo "phụ nữ về nhà là phải dành cho gia đình". Bà cũng thường xuyên kể tội Hương với chồng, với bố mẹ đẻ cô và cả với khách khứa đến chơi, rằng cô ngố và vụng, con nhà nghèo mà không biết lam làm... Những người khác trong gia đình chỉ bênh vực cô một cách yếu ớt.
Sau khi sinh, vì phải thường xuyên thức đêm, mẹ chồng lại bắt chăm trẻ theo cách của bà, thường xuyên dè bỉu, xúc phạm cô là người mẹ "quạ mổ, không biết nuôi con" nên Hương bị rối loạn tâm thần, điều trị thời gian dài mới khỏi. Hiện Hương vẫn lo sợ bệnh tái phát bởi mẹ chồng vẫn không thay đổi, lại còn cạnh khóe là gia đình cô lừa gả con gái có máu điên cho nhà bà.
Phòng khám tâm lý Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) đã tiếp nhận rất nhiều phụ nữ bị rối loạn tâm lý như Hương vì áp lực tinh thần từ những người trong gia đình chồng, nhất là mẹ chồng. Chị Lã Linh Nga, Phó trưởng phòng khám, cho biết phần lớn đó là những phụ nữ có ý thức khá cao về giá trị bản thân, nhưng lại gặp mẹ chồng quá "ghê gớm". Việc thường xuyên bị coi thường, xúc phạm khiến lòng tự trọng của họ bị tổn thương nặng nề nhưng lại không thể thay đổi thực tại đó, và dần dần dẫn đến khủng hoảng.
Trường hợp của chị Loan (36 tuổi, Hà Đông, Hà Tây) là một ví dụ. Những năm mới cưới, tuy không ưa con dâu ra mặt bởi chị là "dân buôn bán" nhưng bố mẹ chồng vẫn cư xử khá chừng mực, vì tài buôn bán của chị giúp nuôi gia đình để chồng tiếp tục ăn học. Sau đó, anh lấy được bằng tiến sĩ, rồi trở thành giám đốc một công ty khá lớn. Thành đạt rồi, anh yêu cầu vợ ở nhà nghỉ ngơi, làm nội trợ. Và cũng từ đó, vị thế của Loan trong gia đình tuột dốc không phanh.
Tuy làm mọi việc trong nhà nhưng mẹ chồng luôn nhiếc chị là vô tích sự. Bà không từ bỏ cơ hội nào để nói xấu con dâu với mọi người, kể về những lời nói, cử chỉ của chị, thêm mắm thêm muối để bêu riếu, làm trò cười. Rất nhiều lần, bà còn xúc phạm cả bố mẹ Nga với những câu như 'không biết dạy con", "cái nòi ấy thì chỉ có vậy"... Lâu dần, chị bị trầm cảm nặng.
Thực tế cho thấy, trong những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, có nhiều người không phải bị chồng, mà những người thân của chồng "áp bức", chủ yếu là về tinh thần. Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình, có hiệu lực kể từ ngày 1/7, bạo hành gia đình không chỉ có đánh đập mà còn bao gồm cả lăng mạ, gây áp lực thường xuyên về tâm lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng... như những điều Loan và Hương phải chịu. Ở một số gia đình, mẹ chồng còn ngăn cản việc về thăm bố mẹ, anh em, không cho nuôi con theo ý mình, hoặc kiểm soát thu nhập của con, gây phụ thuộc kinh tế...
|
Những người bạo hành, theo Luật trên, sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Chính phủ cũng đang soạn thảo nghị định về xử phạt hành chính. Theo đó, việc thường xuyên gây tổn thương về tinh thần, hay ngăn cản thành viên gia đình thực hiện quyền lao động, quyền thăm nom, chăm sóc người thân sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Việc kiểm soát chặt nguồn tài chính của thành viên đó hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo sự phụ thuộc sẽ bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Tuy nhiên, nhiều nạn nhân của bạo hành lại không muốn nhờ luật pháp bảo vệ, bởi sợ mất danh dự, hoặc sợ gia đình phản đối. Chị Hoa ở Thanh Trì, Hà Nội, là một ví dụ. Nhà chị là đại gia đình, gồm bố mẹ chồng và hai cặp dâu rể. Từ những ngày đầu đi làm, hai con trai đều nộp hết lương cho mẹ, đến khi họ lấy vợ, điều này vẫn thế. Chỉ khác là chồng Hoa không được mẹ phát tiền ăn sáng, đổ xăng và tiêu vặt nữa mà đó đã là việc của vợ anh. Tiền lương thu ngân của Hoa chỉ 1,5 triệu đồng mỗi tháng, chỉ đủ những chi tiêu tối thiểu cho hai vợ chồng. Muốn làm bất cứ chuyện gì, họ cũng đều phải xin mẹ.
"Đã phụ thuộc kinh tế thì không còn gì tự do nữa", Hoa than thở. Vì vậy, mắng nhiếc, xúc phạm hay cấm đoán điều nọ điều kia đối với chị là chuyện thường. Gần đây xem tivi, chị biết rằng hành vi của mẹ chồng cũng được coi là bạo hành gia đình, nhưng có nằm mơ cũng không nghĩ đến chuyện tố cáo để phạt bà: "Làm thế chẳng khác nào tát vào mặt chồng tôi. Anh ấy nể mẹ lắm. Dù khổ, tôi vẫn muốn là vợ anh ấy". Điều Hoa mong mỏi là chồng "dũng cảm" hơn một chút để bảo vệ cô khi mẹ chồng lăng mạ, và xin phép được giữ lương lại để tự chi tiêu.
Nhiều phụ nữ khác khi bị người trong gia đình chồng "áp bức" cũng muốn giải quyết xung đột trong phạm vi gia đình vì muốn đưa ra pháp luật phải có chứng cớ rõ ràng, trong khi sự bạo hành về tinh thần lại rất "mơ hồ, tế nhị", nhất là khi người bạo hành không phải chồng.
Trong những trường hợp đó, người chồng, chứ không phải tổ dân phố hay cơ quan công an, là "vị cứu tinh" được mong đợi nhất. Ngoài việc can thiệp để bảo vệ vợ, điều quan trọng là anh ta phải tỏ ra thấu hiểu những điều mà vợ phải chịu và đứng về phía nàng.
Theo bà Linh Nga, nếu chồng cứ khuyên giải theo kiểu "anh biết mẹ không phải nhưng mình là con thì phải cố chịu đựng" hay nghĩ bà xã trầm trọng hóa vấn đề thì vợ càng cảm thấy cô độc và bế tắc. Trong trường hợp người phụ nữ có nguy cơ rối loạn tâm lý, cách tốt nhất để tránh là thay đổi môi trường sống, tức ra ở riêng.
Hải Hà
▪ Hoạt động của Hoa hậu Thế giới Trương Tử Lâm tại Hà Nội (02/07/2008)
▪ Việt Nam làm gì trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an? (02/07/2008)
▪ Tháng 7-2008: Lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (01/07/2008)
▪ Nhiều cải cách mạnh mẽ phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế (01/07/2008)
▪ Nghèo tiền bạc nhưng giàu hạnh phúc (30/06/2008)
▪ Cán bộ thủ đô phải về tận “điểm nóng”! (28/06/2008)
▪ Quảng Ngãi: diễu hành cổ động Ngày quốc tế phòng chống ma túy (27/06/2008)
▪ Thủ tướng chỉ đạo kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm (26/06/2008)
▪ Cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng (26/06/2008)
▪ Chính giới Mỹ lạc quan về nền kinh tế VN (25/06/2008)