Việt Nam làm gì trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an?
Các Website khác - 02/07/2008

Ngày 1/7, tại New York (Hoa Kỳ), Đại sứ Lê Lương Minh- Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) kiêm Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an - chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong thời gian một tháng.

Đại sứ Lê Lương Minh (giữa), Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc

Đây là chức Chủ tịch luân phiên hàng tháng giữa 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò này.

Trọng trách của ông Chủ tịch

Trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Đại sứ Lê Lương Minh có nhiệm vụ chính là điều hành các hoạt động của Hội đồng Bảo an.

Cụ thể là Đại sứ Lê Lương Minh phải chủ động vạch kế hoạch làm việc cho Hội đồng Bảo an trong tháng 7/2008; Chủ trì các phiên họp của Hội đồng Bảo an trong thời gian đảm trách chức Chủ tịch; Thay mặt cho Hội đồng Bảo an đứng ra làm việc, giải quyết, trao đổi với các thành viên khác của LHQ cũng như các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, ông Chủ tịch phải đáp ứng các yêu cầu thông tin liên quan đến hoạt động của Hội đồng Bảo an cho báo chí.

Theo qui chế về hoạt động của LHQ, do Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào đúng tháng 7 nên ông Lê Lương Minh phải đảm trách việc đứng ra tổ chức và phối hợp hoạt động với các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an để chuẩn bị và soạn thảo báo cáo năm công tác của Hội đồng Bảo an giai đoạn 31/7/2007 đến 31/7/2008.

Báo cáo này sẽ được trình lên Đại hội đồng LHQ 2008 tổ chức vào tháng 9 tới để xem xét và thảo luận. Báo cáo nói trên phải bao gồm nội dung kiểm điểm các hoạt động của Hội đồng Bảo an xoay quanh 60 đề mục thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an hiện nay.

Đây là công việc rất nặng nề, phức tạp, đầy thách thức của Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong một năm hoạt động.

Tuy nhiên, có thể nói điều này vừa là thử thách vừa là cơ hội để cho Việt Nam tại Hội đồng Bảo an thể hiện vai trò và tài năng ngoại giao cũng như những đóng góp của mình đối với cộng đồng quốc tế trong khuôn khổ hoạt động của LHQ- một tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. 

Theo Chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an trong tháng 7 này, Đại sứ Lê Lương Minh trong cương vị Chủ tịch Hội đồng sẽ phải điều hành các cuộc thảo luận và ra quyết định nhiều vấn đề nhạy cảm cao, phức tạp và rất khó  do sự khác nhau về quan điểm của các thành viên trong Hội đồng.

Những vấn đề này bao gồm việc triển khai lực lượng giữ gìn hòa bình hỗn hợp của UA và LHQ tại Sudan, các vấn đề Myanmar, CHDCND Triều Tiên, Iran, Kosovo thuộc Serbia…

Những đóng góp cụ thể

Với việc Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, nay lại đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên mức cao nhất kể từ khi nước ta chính thức gia nhập LHQ năm 1977.

Trong 6 tháng qua, do chủ trương bám sát Hiến chương LHQ trong giải quyết và thảo luận các công việc tại Hội đồng Bảo an nên Việt Nam luôn đảm bảo được tính khách quan.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc tại Hà Nội với các đại sứ một số cường quốc đồng thời là thành viên Hội đồng Bảo an, Tiền phong đều nhận được những đánh giá rằng: thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò của mình tại Hội đồng Bảo an một cách tích cực và xây dựng. Đại sứ các nước này đều bày tỏ mong muốn Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào hòa bình, an ninh, và sự phát triển của thế giới.

Chính Đại sứ Lê Lương Minh khi trả lời TTXVN đã xác nhận việc Việt Nam có những đóng góp khách quan và thực chất vào sứ mệnh quan trọng của Hội đồng Bảo an. Ông Lê Lương Minh nói rằng tuy là thành viên mới của Hội đồng nhưng Việt Nam vẫn chủ động đóng góp ý kiến về tất cả các vấn đề được thảo luận, kể cả những vấn đề có độ nhạy cảm cao.

Chẳng hạn, đối với vấn đề Trung Đông, Việt Nam luôn kiên trì quan điểm ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine nhằm thành lập một nhà nước độc lập, đồng thời lên án mọi hành động bạo lực quá khích, các cuộc tấn công nhằm vào thường dân vô tội.

Với vấn đề Kosovo thuộc Serbia, Việt Nam ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không ủng hộ việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, đồng thời lên án và phản đối các hành động bạo lực quá khích.

Về vấn đề Iran, Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình thương lượng nhằm ủng hộ các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích và quyền lợi hợp pháp của các nước trong đó có Iran về phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trong vấn đề Myanmar, Việt Nam ủng hộ vai trò trung gian của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, kiên định quan điểm cho rằng vấn đề Myanmar cần có cách nhìn toàn diện, trong đó cần nhìn nhận tình trạng đói nghèo, chậm phát triển là một nguyên nhân gốc rễ, LHQ cần giúp đỡ Myanmar phát triển qua đó làm giảm xung đột trong xã hội, tạo điều kiện cho nước này thực hiện thành công lộ trình dân chủ 7 điểm đi đến hòa giải dân tộc.

Nguyễn Đại Phượng