Những ngày cuối năm 1972
Các Website khác - 08/12/2005
Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội)
Tết năm 1973.
Bắt đầu đêm ngày 18 tháng 12 năm 1972, máy bay B.52 Mỹ đánh bom thủ đô. Mới khoảng 20 giờ, tiếng còi báo động rúc lên lanh lảnh rồi tiếng máy bay B.52 gầm rú mở đầu cuộc tập kích Hà Nội, bom đã dội xuống phía Ðông Nam thành phố, hàng vạn cặp mắt căng trong đêm theo dõi từng đợt báo động cho đến sáng hôm đó và suốt những ngày và đêm sau.
Ngày 21-12-1972, trời lạnh thấu xương mà báo động suốt đêm, đã 5 giờ 30 tưởng máy bay Mỹ nghỉ tập kích, tôi tung chăn dậy mặc thêm áo ấm chuẩn bị đánh răng rửa mặt thì còi báo động lại rú lên trong sương lạnh. Ðang ở cái tuổi "điếc không sợ súng" nên tôi không ngán bom đạn cũng không có thói quen xuống hầm trú ẩn, tôi chui vào chăn co tròn như con mèo nằm chờ báo yên. Nhưng tiếng máy bay gầm rú nặng nề quá dường như nó bay thấp lắm, cùng tiếng súng cao xạ bắn liên hồi, bỗng có tiếng bom nổ rất gần nẩy cả người lên y như nổ ngay trong sân nhà. Tôi hớt hải chạy ra sân, không có gì. Lại chạy ra ngoài đường thấy một anh công an trong bộ quần áo mầu vàng đang guồng tít đôi chân đạp xe.

- Nó đánh bom đâu gần thế anh?

- An Dương - Anh công an đáp nhanh không quay đầu lại.

Tôi dồn hết sức vào đôi chân của tuổi mười tám mà chạy. Là phó bí thư đoàn, đội viên đội cảm tử giải quyết hậu quả chiến tranh của quận đoàn Ba Ðình và trong đội tác chiến với trận địa pháo C.3 đóng tại bãi Nghĩa Dũng gần cầu Long Biên, tôi chạy mà nóng ruột lạ thường, từ nhà tới khu An Dương xa chừng một cây số mà sao chạy lâu thế.

Tới nơi bom tàn phá, tôi bàng hoàng trước cảnh thịt nát xương tan, cây cối nhà cửa cháy rụi, nhà anh Ðức Bí thư chi đoàn khu vực An Dương cũng trúng bom bị sập một nửa. Những cây xà cừ trơ trụi, mấy cái cột đèn gẫy gục. Nhớ lại những buổi tối mùa hè vừa qua đám trẻ còn ngồi tụ tập dưới gốc cây múa hát, vui đùa huyên náo. Những thân hình không nguyên vẹn, mùi tanh của máu quẩn quanh trong trong gió khiến tôi như muốn xỉu xuống. Tôi cố xua đuổi nỗi sợ hãi lao vào cùng mọi người mang xác các em thiếu nhi lên thùng xe ô-tô để chở ra nghĩa địa. Mọi người làm được thì mình cũng làm được. Tôi không có bao tay, trời rét nên máu từ xác các nạn nhân chết bom và đất bám đầy hai bàn tay khô cứng lại. Bỗng tiếng loa pin vang lên, ai như tiếng anh Xu đang triệu tập đội tác chiến với đại đội pháo có mặt ngay làm nhiệm vụ. Tôi lại sải chân như bay vào trận địa đã thấy Ðặng Thị Hòa Bí thư chi đoàn phố Yên Phụ; anh Sửu, anh Hùng là công nhân của Nhà máy điện Yên Phụ cùng trong Ban chấp hành đoàn Tiểu khu I, cùng ở khu tập thể của Nhà máy điện Yên Phụ trong khu An Dương nhưng nhà các anh may mắn không bị trúng bom.

Ðội tác chiến và bộ đội đang đào bới căn hầm của tổ hậu cần nằm ở mé bờ sông Hồng bị bom làm sập, tôi ngồi thụp xuống cùng các anh cứu người, mặc dù trời rét mười độ nhưng áo ai cũng đẫm mồ hôi. Lát sau, một khoang áo xanh lộ ra dưới lòng đất rồi thêm hai người nữa được bới lên nhưng hai chiến sĩ còn rất trẻ này đã tắt thở, xác các anh đưa vào Bệnh viện 354.

Cơm trưa của đơn vị có hai món đậu vàng xào và thịt hộp của Liên Xô, nhưng cả ngày hôm đó vì tiếc thương đồng bào bị chết bom thảm khốc và hai chiến sĩ đã hy sinh mà cả đơn vị và anh em trong đội tác chiến không ai ăn nổi.

Kho đạn bị đánh sập, buổi trưa mọi người đang dỡ đạn thì còi báo động từ Nhà hát lớn và từ cầu Long Biên rú lên chưa dứt đã có tiếng máy bay đến. Không gian căng lên vì tiếng động cơ máy bay, tiếng gào thét từ hầm chỉ huy rồi tiếng đạn pháo thi nhau nổ cấp tập. Tôi đang đứng tiếp đạn trên khẩu đội 4 do anh Trẫu là khẩu đội trưởng thì bỗng phát hiện một cột khói đen khổng lồ bốc cao giữa thành phố, chỉ cần nhìn vị trí là tôi biết khói bom ở đâu. Tôi gào lên:

- Nó đánh ga Hà Nội rồi!

Ngay lúc đó, từng tốp máy bay F.111 quay ngược về phía Bắc thành phố bay lồng lộn, tiếng gầm rít trên đầu mọi người. Ðột ngột một chiếc chúi đầu xuống nhanh như con thiêu thân đánh Nhà máy điện Yên Phụ. Từ hầm chỉ huy tiếng Ðại đội phó Lộc vang lên: "Hãy trả thù cho đồng bào An Dương!". Cả trận địa rung lên trong tiếng súng! Vài giây sau, một chiếc F.111 chao đảo như con thú trúng thương rùng rùng lao ra ngoại thành kèm theo chùm khói đen dài in đậm trên nền trời xanh trong vắt. Ðến chiều được tin chiếc F.111 bị cháy là của Ðại đội 3 bắn trúng, tôi vui quá, chính mắt tôi và cả đơn vị nhìn thấy nó cháy.

Cả đêm đó bom đạn vẫn làm rung chuyển cả nhà, cửa kính vỡ rơi loảng xoảng. Sáng sớm, tôi đạp xe ra Bờ Hồ xem quầy hoa có bán không. Thật lạ, bom đạn là thế mà các bác ở làng Ngọc Hà vẫn có mặt tại quầy bán hoa sớm quá. Tôi mua một bó hoa cúc trắng mang vào trận địa tặng mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12, anh Duyên là chính trị viên đại đội thay mặt đơn vị nhận hoa rồi cắm vào cái lọ bằng vỏ đạn "năm bảy".

Do tình hình phòng không nên nơi tôi làm việc nghỉ, hầu hết mười hai ngày đêm B.52 đánh Hà Nội, tôi đều có mặt trong trận địa phụ tổ anh nuôi hoặc khâu vá quần áo cho anh em. Ðêm 28, máy bay B.52 tiếp tục đánh khu tập thể Mai Hương, nhà hai cô bạn tôi làm ở nhà máy dệt mồng 8 tháng 3 ở đó cũng đã bị biến thành đống gạch vụn, tôi xuống hỏi thăm xem có giúp được gì không.

Hai hôm sau các báo đều đưa tin trên trang nhất Hiệp định Paris đã ký kết, mọi hoạt động trong thành phố đều trở lại bình thường.

Từ sau mười hai ngày đêm lịch sử trong tháng 12 năm 1972 ấy, mấy năm sau mỗi lần đến ngày thành lập Quân đội nhân dân là Ban chỉ huy Ðại đội Ba lại mời tôi và các anh chị em trong đội "tác chiến" vào đơn vị dự liên hoan.

Năm 1974 đơn vị pháo Ðại đội Ba di chuyển về Nam, tôi không còn cơ hội gặp lại anh trong đơn vị nữa. Hai mươi hai năm qua, tôi đã sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cứ đến ngày cả nước kỷ niệm 12 ngày đêm Hà Nội đánh "Pháo đài bay B.52" là lòng tôi lại nao nao hồi tưởng những ngày cùng Hà Nội thao thức, cùng lo lắng, cùng sẵn sàng làm bất cứ việc gì để bảo vệ thành phố ngàn hoa, ngàn cây xanh, ngàn ngôi nhà cổ của Hà Nội.

NGUYỄN THỊ NGỌC TRÂM