"Chỉ mấy năm nữa, khu vực này sẽ hoàn toàn đổi khác", ngồi trong quán cà-phê Xưa-Nay tại khu lấn biển lồng lộng gió, anh Nguyễn Tiến Thắng, chủ khách sạn Phương Trinh, người đang tất bật chuẩn bị ra mắt câu lạc bộ đờn ca tài tử với quy mô phương thức hoạt động hoàn toàn mới, nói vậy.
Chiều về, ngồi từ quán Gió biển, nơi có doi đất vươn ra biển xa nhất thấy đảo Hòn Tre nằm ở hướng Tây tím sậm đã gần lắm rồi, hướng về bên trong là những dãy nhà liên kế. Khu biệt thự, siêu thị Citimart với kiến trúc đa dạng, hiện đại lấp lánh đầy sắc màu xen kẽ những con đường trải nhựa rộng gần chục mét mới thấy hết sự vượt lên chính mình của người Rạch Giá.
Giám đốc dự án lấn biển, kỹ sư Huỳnh Phương Hùng mới trên 30 tuổi, khá trẻ so với trọng trách là một trong người góp mặt đầu tiên tại công trình từng gây chấn động cả nước khi khởi công vào năm 1998 cho biết 3/5 khu của dự án đã hoàn thành cơ bản, hàng ngàn nền nhà đã được có chủ mới; việc san lấp mặt bằng cho hai khu còn lại (khu 4 và 5) đã xong cơ bản; đường nội bộ cho khu 4, khu trung tâm dành cho trụ sở hành chánh cấp tỉnh sẽ hoàn chỉnh trong vòng 1 năm nữa... Hàng chục triệu mét khối đất cát đã tạo ra con đê biển hình chữ U dài gần
8 km, vươn ra biển trên 500 mét ôm một vùng rộng đến 420 ha từ Vàm Rạch Ranh chạm tới cửa Rạch Sỏi, trong đó có 320 ha mặt biển đè lên rừng mắm bãi giá của cù lao Giá xưa kia- người Kiên Giang đã tạo ra kỳ tích này. Và cũng thật lạ kỳ khi gần 500 tỷ đồng của dự án được huy động hoàn toàn từ sức dân.
Ông Hai Thịnh, 62 tuổi ở phường Vĩnh Thạnh Vân cho biết từ năm 1968 chính quyền cũ cũng từng có ý định lấn biển khi giao cho nhà thầu Hồ Ngọc Bảo mở rộng cù lao Giá. "Nhưng sau đó đâu thấy đổi thay gì. Chỉ dưới chế độ mới khi ý Ðảng quyện chặt lòng Dân dự án vĩ đại này mới thành hiện thực và trở thành dấu nhấn quan trọng cho bộ mặt đô thị mới, thành phố Rạch Giá".
Ðã 300 năm rồi, có khi nào bước chân người đồng bằng ngơi nghỉ cho ước muốn chinh phục thiên nhiên, khắc chế cường quyền? Cái tâm nguyện mà cha ông ôm ấp "khai sơn phá thạch" để sức mình thêm mạnh, để lực ta thêm cường vẫn còn đó, rừng rực trong lớp người hôm nay. Tầm vóc, vị thế của Rạch Giá, của Kiên Giang nhờ đó mà vụt lớn hẳn lên và cả nước thêm yên tâm, tin tưởng khi Rạch Giá trở mình là thành phố.
"88/100 điểm. Hầu hết các tiêu chí đều đạt khi xét nâng thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh". Người Rạch Giá tự hào nói vậy. Và thật sự Rạch Giá đã có nhiều chỉ tiêu quan trọng tạo dấu ấn. Năm 2003, GDP mới đạt 615 USD/người, năm 2004 khi thị xã được công nhận là đô thị loại 3 vươn lên 720 USD/người và 6 tháng 2005 đã là 871 USD/người; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 13,72%; sản lượng khai thác hải sản đứng đầu cả nước; dân số nội thị năm 2003: 92,78% trong tổng số 201.707 dân; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 84,10%; 91,27% dân sử dụng điện lưới quốc gia; 63,24% dân sử dụng nước máy; bên cạnh hệ thống giáo dục phổ thông khá đồng bộ còn có các trường cao đẳng, trung tâm hướng nghiệp, trung học chuyên nghiệp; bệnh viện đa khoa 800 giường; sân vận động có sức chứa 18.000 chỗ ngồi, nhà văn hóa trung tâm, trung tâm thương mại Rạch Sỏi, siêu thị... Các cấp chính quyền đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án lấn biển, khu dân cư Hoa Biển, Cầu Suối, Lạc Hồng; bến tàu du lịch; các khu công nghiệp tập trung; xây dựng khách sạn 3 sao; thi công tuyến đường tránh nội ô cùng chỉnh trang hệ thống giao thông thủy bộ...
Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn cho rằng việc Rạch Giá lên thành phố là một cơ hội lớn cho người Kiên Giang, người Rạch Giá bắt nhịp vào sự phát triển chung của đồng bằng và cả nước nhưng cũng còn rất nhiều thách thức, cần nỗ lực cao hơn nữa. Thành phố vẫn còn một số "Ðường không số, phố không tên"; chưa có quảng trường; xã Phi Thông chỉ cách nội ô chưa đầy 10 km vừa mới thoát nghèo... cũng là những thách thức cho chính quyền mới.
Nhưng ông kỳ vọng vào những dự án sẽ làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nơi đây, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, chất lượng sống của cư dân phố thị như xây mới, nâng cấp nghĩa trang nhân dân, nhà máy xử lý rác, nhà máy nước. “Rạch Giá cũng lãng mạn hơn, hữu tình hơn với dự án chỉnh trang, nâng cấp đoạn kênh Ông Hiển hai đầu nối với biển dài 3,6km lượn lờ ngay trong lòng thành phố tiếp nối với con đường xuyên Á Quốc gia trong nay mai...”
Từ xưa, Rạch Giá từng là nơi quân xâm lược Xiêm La dùng làm nơi xuất phát điểm để thọc sâu vào vùng đất Nam Bộ (thế kỷ 16); thời Pháp đặt Tiểu khu Rạch Giá tách khỏi lỵ trấn Hà Tiên (1876) và 21 năm chống Mỹ trở thành trung tâm đầu não đánh thẳng vào căn cứ địa U Minh của ta. Sau giải phóng Rạch Giá đã không chỉ là trung tâm của tỉnh mà còn là "cửa ngõ Tây Nam Tổ Quốc", là cửa khẩu quan trọng, là đầu mối giao lưu với các tỉnh trong khu vực, với cả nước và bạn bè gần xa, nhất là các quốc gia Ðông Nam Aự trong sự năng động hội nhập kinh tế thị trường. Tinh thần "Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần" của anh hùng Nguyễn Trung Trực đã tích tụ hàng trăm năm trong lòng người dân thành phố "Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân" (từ năm 1999, khi còn là Thị xã) nhất định sẽ lại bùng lên, hừng hực trước bối cảnh mới, vị thế mới.
|