Trong những năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm (cả thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu) đã được Nhà nước tạo điều kiện bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, mang lại cho thị trường nhiều sản phẩm thực phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, hấp dẫn về hình thức và chất lượng. Về phía các nhà sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, để đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, đã và đang tích cực thực hiện việc quảng cáo với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước hết, cần phải hiểu quảng cáo nói chung và quảng cáo thực phẩm nói riêng là quyền của nhà sản xuất, kinh doanh. Ðây là một bộ phận quan trọng của một chu trình khép kín trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẵn sàng chấp nhận lỗ thời kỳ đầu, để chiếm lĩnh thị trường, họ chi phí lớn vào việc quảng cáo giới thiệu sản phẩm, chưa kể các chiến dịch khuyến mại rầm rộ mà chúng ta vẫn thường thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về phía Nhà nước, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc quảng cáo bằng việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rất rõ ràng quyền và nghĩa vụ của người thực hiện quảng cáo, những điều cấm trong quảng cáo thực phẩm.
Trong các văn bản nêu trên cần lưu ý hai văn bản quan trọng, đó là Pháp lệnh quảng cáo và Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BVHTT-BYT, về hướng dẫn hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Các văn bản này đều nhấn mạnh đến tính hợp pháp của sản phẩm khi quảng cáo (đã đăng ký hoặc công bố chất lượng). Tính trung thực, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khi quảng cáo. Ðáng chú ý, Thông tư 01/2004/TTLT-BVHTT-BYT, đã hướng dẫn rất rõ: Tất cả các quảng cáo về thực phẩm, trước khi thực hiện việc quảng cáo đều phải làm thủ tục đăng ký hồ sơ quảng cáo tại cơ quan y tế có thẩm quyền. Chỉ sau khi cơ quan y tế xác minh nội dung quảng cáo là phù hợp tính năng, tác dụng, đúng với bản chất của sản phẩm và cấp giấy tiếp nhận Hồ sơ đăng ký quảng cáo, các loại thực phẩm đó mới được quảng cáo cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, qua các đợt thanh kiểm tra gần đây đã phát hiện nhiều loại thực phẩm được quảng cáo như một loại thần dược có thể chữa bách bệnh, thậm chí chữa cả ung thư, AIDS... đã gây nhầm lẫn tác hại cho người tiêu dùng. Nhiều người tiền mất tật mang. Nguy hiểm hơn, vì quá tin vào tác dụng chữa bệnh của thực phẩm cho nên một số người đã không áp dụng các pháp đồ chữa bệnh, lại sử dụng thực phẩm để chữa bệnh theo nội dung quảng cáo, dẫn đến tình trạng khi bệnh đã quá nặng, quay lại sử dụng các loại thuốc đặc hiệu thì đã quá muộn, không cứu được. Phổ biến hơn, trong vi phạm quảng cáo việc quảng cáo gian dối, nói quá về chất lượng của sản phẩm sử dụng các câu chữ mập mờ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Và vi phạm nghiêm trọng hơn, có nhiều trường hợp, quảng cáo khi chưa được cơ quan y tế kiểm tra nội dung và chưa được cấp giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo.
Sở dĩ có tình trạng trên vì lực lượng thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm an toàn thực phẩm quá mỏng, địa bàn rộng, số lượng các loại thực phẩm quảng cáo quá lớn, nhất là sự phối hợp giữa ngành y tế và các đơn vị quản lý phương tiện quảng cáo chưa chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả.
Ðể làm tốt hơn việc quản lý, hướng dẫn các hoạt động quảng cáo về thực phẩm chúng tôi đề nghị cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Ðẩy mạnh việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đến những đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của văn bản; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm; Ðặc biệt cần phối hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa - thông tin và ngành y tế trong việc quản lý, hướng dẫn, xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm. Kiên quyết không thực hiện quảng cáo cho các thực phẩm khi chưa được cơ quan y tế cấp "giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo".
Có như vậy, mới đưa hoạt động quảng cáo về thực phẩm đi vào nền nếp. Vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm của mình, vừa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
|