Niềm vui của cư dân “tháp nghiêng”
Các Website khác - 27/10/2005
Khu nhà No1 Khu đô thị
mới Pháp Vân, Tứ Hiệp,
một trong hai nơi ở mới của
các hộ dân nhà P3 Phương Liệt.
Ngày 1-7-2005, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Quý Đôn đã ký Quyết định số 4506/QĐ-UB áp dụng các biện pháp di dời khẩn cấp các hộ dân khi phá dỡ Nhà P3, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân thuộc diện nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận. Tuy nhiên, do có một số trở ngại nên đến nay, việc này mới được thực hiện.
Sau nhiều ngày chờ đợi, 41 hộ dân “tháp nghiêng” P3, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân đã dọn đến nơi ở mới, Nhà No1 và No5, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp. Dẫu không tránh khỏi xáo trộn trong sinh hoạt, nhưng những cư dân nhà nghiêng P3 không thể giấu nổi niềm vui.

Bác Nguyễn Văn Thanh, 64 tuổi, ở phòng 105 Nhà P3, nay chuyển về phòng 820, Nhà No1, Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phấn khởi kể: "Sau khi có quyết định và thông báo của chính quyền là chúng tôi di chuyển ngay. Tổng công ty Dệt may (cơ quan chủ quản Nhà P3) và các cấp chính quyền hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng tiền di chuyển và thưởng mỗi hộ bàn giao đúng tiến độ 3 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng ai cũng vui, bởi từ nay không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo chẳng biết nhà đổ lúc nào".

Đã có chín năm sống trong “thế giới nghiêng", ông Thanh cùng con trai, con dâu và đứa cháu nội 2 tuổi chuyển đến căn hộ rộng 67 m2, nằm trên tầng 8 một khu chung cư mới của thành phố, mà theo nhận xét của ông là "cuộc sống văn minh, hiện đại hơn". Tất cả đều sẵn sàng: điện, nước, điện thoại đến ổ cắm ăng-ten ti-vi; được bảo đảm an ninh trật tự, được hưởng các dịch vụ thiết yếu mà nơi ở cũ không có. “Tôi có nghe chuyện rút ruột công trình, chuyện nhà chất lượng kém, nhưng ở đây tất cả đều tốt hơn xưa nhiều lắm" -ông Thanh nói.


Niềm vui được chuyển tới nơi ở mới.

Điều khiến ông Thanh và nhiều bà con vui mừng hơn cả là chính sách hỗ trợ của cơ quan, các cấp chính quyền rất thấu tình, đạt lý. Khi còn ở Nhà P3, ông Thanh làm dịch vụ trông giữ xe và vận hành máy bơm nước cho khu tập thể, mỗi tháng thu nhập thêm 3 triệu đồng. Về nơi ở mới, ông Thanh không còn khoản thu nhập này nhưng mỗi tháng ông được hỗ trợ 500 ngàn đồng, trong vòng hai năm. “Một số hộ khác như nhà bà Hoa phòng 103, nhà anh Thanh, chị Lan phòng 101... cũng được hỗ trợ như vậy. Tổng số tiền 12 triệu đồng, tuy không phải là lớn nhưng là cái tình người" – ông Thanh bộc bạch.

Chuyển về Nhà No5, ông Nguyễn Vinh Điền (trước ở phòng 304 Nhà P3) cũng có chung nhận xét như ông Thanh: thiết kế hiện đại, dịch vụ văn minh. Sáu nhân khẩu, sống trong căn hộ hơn 82 m2, lớn hơn diện tích căn hộ cũ, mỗi tháng gia đình ông Điền chi phí thêm 30.000 đồng tiền trông giữ xe và 30.000 đồng dịch vụ khác như an ninh trật tự vệ sinh hành lang; thu gom rác... Như vậy, tính bình quân mỗi ngày, gia đình ông mất 2.000 đồng tiền dịch vụ, số tiền phải chăng so với dịch vụ mà những người sống trong chung cư được hưởng.

“Sự văn minh, hiện đại còn thể hiện qua cách quản lý khu nhà - ông Điền nói - Chẳng hạn, Ban Quản lý có quy định chung khi lắp điều hòa nhiệt độ thì dây dẫn chạy như thế nào, điều hòa đặt ở vị trí nào, để không phá vỡ kiến trúc, cảnh quan chung. Điều này các khu chung cư cũ không hề có".

Dân chúng tôi đến tìm các hộ dân Nhà P3 mới chuyển về, ông Trần Việt Hùng, Đội trưởng Đội quản lý nhà chung cư cao tầng, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp cho biết, các hộ dân bắt đầu nhận nhà từ cách đây hơn một tháng nhưng chuyển về tập trung trong hai ngày 22 và 23-10. Nhà No1 có 19 hộ, còn nhà No5 có 22 hộ, được Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bố trí từ cuối năm ngoái khi có chủ trương di chuyển các hộ dân nhà nghiêng P3, phường Phương Liệt.

Theo ông Phạm Huy Lợi, Chủ tịch UBND phường Phương Liệt, sau khi các hộ dân di chuyển, ngày 24-10, Nhà P3 đã được bàn giao lại cho HUD quản lý và thực hiện phá dỡ. Về nguyên tắc, các hộ dân Nhà P3 được bố trí tạm cư để di dời khẩn cấp tránh nguy hiểm. Sau khi xây dựng lại, các hộ dân được bố trí tái định cư.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có 23 khu nhà tập thể xuống cấp cả chất lượng và môi trường sống. Mặc dù thành phố đã cố gắng cải tạo, sửa chữa một số nhà chung cư xuống cấp, nguy hiểm bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu, bởi hầu hết các chung cư xuống cấp đã được xây dựng và sử dụng khá lâu. Điển hình như 17 nhà gỗ nguy hiểm trên địa bàn phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, là tâm điểm của công luận mỗi khi bước vào mùa mưa bão đã nhiều năm nay.

Nhà P3 Phương Liệt do Tổng công ty Dệt may Việt Nam đầu tư xây dựng. Nhà thầu thi công là Ban Quản lý công trình nhà ở đường 1A nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (HUD). Nhà được xây dựng năm 1988 và bàn giao sử dụng năm 1990. Theo kết quả do Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khảo sát thì độ nghiêng của nhà vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần.

Theo Hà Nội mới