Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành và đoàn thể cho thấy dù mới ra đời được ba năm nhưng NHCSXH hoạt động có hiệu quả và có bước phát triển tốt. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương những kết quả đầy ấn tượng của NHCSXH trong thời gian qua.
Sau 20 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Bộ mặt của nước ta đã có những thay đổi rõ nét; lực lượng sản xuất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; thế và lực của đất nước được nâng lên rõ rệt. Nhưng sự phát triển theo định hướng XHCN đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Trong quá trình chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chúng ta chủ trương khuyến khích mọi người làm giàu theo pháp luật, đồng thời, hết sức quan tâm xóa đói, giảm nghèo, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo quá nhanh dễ dẫn tới mất ổn định xã hội, không bảo đảm sự phát triển bền vững. Trong việc thực hiện chủ trương đó, NHCSXH là một công cụ quan trọng và hữu hiệu để góp sức xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của nước ta hằng năm giảm dần là một phần thưởng đem lại niềm vui cho mỗi cán bộ, nhân viên trong toàn bộ hệ thống NHCSXH.
Công cuộc xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nước nông nghiệp thường xuyên thiếu lương thực, phải nhập khẩu, chúng ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ về sản xuất nông nghiệp và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ðây là thành tựu rất đáng tự hào của người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, góp phần quan trọng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế giới đánh giá cao và thừa nhận Việt Nam đã đạt được những kết quả xóa đói, giảm nghèo sớm hơn thời hạn do LHQ đề ra trong Chương trình Thiên niên kỷ. Tại Ðại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực thế giới (FAO) vừa qua, các nước thành viên đã bầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta làm Chủ tịch Hội đồng. FAO và một số nước đã đề nghị chúng ta cử nhiều chuyên gia đến giúp đỡ các nước châu Phi phát triển sản xuất nông nghiệp và xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh với hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Như các đồng chí đã biết, theo tiêu chí cũ về hộ nghèo thì đến năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước ta còn 7%; còn theo tiêu chí mới, số hộ nghèo lên tới 22%. So với các vùng đô thị và một số vùng nông thôn khác đạt được tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người hằng năm từ 1.000 đến 1.500 USD thì đời sống của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn chênh lệch quá lớn. Nhiều vùng nghèo còn đang trong trình độ sản xuất tự cấp, tự túc, thu nhập bình quân mỗi năm dưới 100 USD/người. Ðể thu hẹp khoảng cách chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển và mức thu nhập giữa các vùng như vậy, chúng ta phải xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân ở vùng nghèo, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội để làm thay đổi cuộc sống ở những vùng này. Về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chúng ta đã cố gắng đưa điện về tất cả các xã; làm đường ô-tô đến tất cả các trung tâm xã (hiện cả nước chỉ còn mấy chục xã chưa có đường ô-tô); phủ sóng phát thanh, truyền hình tới tất cả các xã; xã nào cũng có trạm y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ trương kiên cố hóa trường học đang được thực hiện và đến cuối năm 2006 sẽ cơ bản hoàn thành, bảo đảm tất cả các xã vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đều có trường học kiên cố. Tôi tin chắc rằng với sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, chúng ta sẽ làm được tất cả những việc đó cho đồng bào. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng nhất là hiện nay, số hộ nghèo chủ yếu tập trung ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc với tỷ lệ không phải là 22% như bình quân của cả nước mà có nơi tới 70 - 80%.
Tôi đã đi đến nhiều vùng trong nước ta. Khi đến thăm đồng bào dân tộc, tôi thấy cuộc sống của đồng bào còn rất nghèo khổ; nhiều gia đình trong nhà không có tài sản gì có giá trị 100-200 nghìn đồng; không có sản xuất hàng hóa mà chủ yếu là tự cấp, tự túc. Vừa rồi, khi đi dự lễ khởi công công trình thủy điện Sơn La, nhìn cuộc sống của đồng bào dọc đường từ Sơn La lên Lai Châu, tôi càng thấy rõ điều đó. Vậy bây giờ chúng ta giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo như thế nào để thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân? Chúng ta phải làm gì trong điều kiện kinh tế đất nước đang phát triển từng ngày nhưng vẫn còn một bộ phận người dân sống dưới mức nghèo khổ? Tôi nêu lên như vậy để nhấn mạnh với các đồng chí rằng NHCSXH ra đời là một giải pháp có ý nghĩa chiến lược để góp phần giải quyết vấn đề đói nghèo ở nước ta; mục tiêu và nhiệm vụ của NHCSXH cũng là lý tưởng, mục tiêu và nhiệm vụ của Ðảng và Nhà nước ta.
Vừa qua, các đồng chí đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong vòng ba năm, NHCSXH đã hình thành được một hệ thống mạng lưới tổ chức đến tất cả các huyện và có hơn 8.000 điểm giao dịch tại các xã. Tôi thấy các đồng chí đã có cách làm thể hiện sự sáng tạo của người Việt Nam là xây dựng được mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với người dân thông qua quan hệ với các hội, đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ðoàn Thanh niên... gắn bó chặt chẽ với NHCSXH để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, thông qua việc nhận ủy thác cho vay vốn của NHCSXH, các đoàn thể có thêm nội dung hoạt động để tập hợp lực lượng quần chúng đi theo đoàn thể, đi theo Ðảng. Cách làm như vậy là tốt. Trước đây khi chưa có NHCSXH, hội phụ nữ ở nhiều nơi cũng đã có nhiều hoạt động giúp nhau huy động vốn, cho vay vốn, điển hình như ở Ðà Nẵng và một số nơi khác. Mô hình hỗ trợ nhau theo Tổ giúp cho từ năm gia đình, hàng chục gia đình và nhiều hơn nữa thoát khỏi nghèo đói.
Tôi biểu dương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thành lập các tổ chức hoạt động cho vay vốn ở cơ sở. Bây giờ, mục tiêu của chúng ta là mỗi năm phải giảm được 2% tỷ lệ hộ nghèo. Con số 2% này đã được ghi trong dự thảo Nghị quyết của Ðại hội X, nhưng chúng ta cần làm nhanh hơn, bởi vì để cho người dân kéo dài thêm một ngày đói, một ngày nghèo khổ là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với dân. Vì vậy, quyết tâm xóa đói giảm nghèo phải được thực hiện một cách tích cực nhất. Tôi tin tưởng rằng có thể làm được điều này, vì ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chúng ta có cả một hệ thống chính trị đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, có nhiều lực lượng để chăm lo cho người nghèo.
Vấn đề quan trọng hiện nay là phải biết cách tổ chức để huy động được mọi lực lượng trong toàn xã hội đồng tâm giúp cho người nghèo. Ðiều kiện quyết định thành công là cán bộ của chúng ta có đầy đủ trách nhiệm không, có đầy đủ tâm huyết không, có lo cho dân không. Nhiều nước thực hiện xóa đói, giảm nghèo không thành công vì cách làm của họ không tốt, vốn liếng đưa cho dân nghèo bị tham nhũng, bòn rút. Nếu chúng ta tránh được điều đó thì chắc chắn sẽ làm tốt và thành công.
Hôm nay, đến thăm NHCSXH, tôi muốn nói với các đồng chí mấy điều mà tôi trăn trở, tâm huyết bấy lâu nay.
Thứ nhất: Ba năm thử thách vừa qua cho thấy hoạt động của NHCSXH là đúng và tốt. Nhưng giai đoạn tới đòi hỏi các đồng chí phải làm tốt hơn nữa, mỗi cán bộ NHCSXH phải tự nâng cao trình độ của mình để trở thành những cán bộ giỏi về nghiệp vụ ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay những khoản lớn từ hàng tỷ đến nghìn tỷ đồng đều phải thẩm định kỹ xem dự án có hiệu quả không, có trả được nợ không. Dù NHCSXH cho vay ở mức nhỏ hơn, đối tượng cho vay là hộ nông dân nghèo với 4 triệu đồng/hộ nhưng cũng phải đòi hỏi có hiệu quả.
Sắp tới, NHCSXH cần nghiên cứu mở rộng mức cho vay lên nhiều hơn, có thể là 5 triệu, 10 triệu hoặc 20 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu xóa đói, giảm nghèo của dân. Mỗi cán bộ NHCSXH không chỉ nắm vững nghiệp vụ chuyên môn để cho dân vay vốn mà còn phải biết phối hợp với các đoàn thể phụ nữ, nông dân, thanh niên, cựu chiến binh... để tuyên truyền, vận động hướng dẫn cho dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả nhất. Các đoàn thể cũng vậy, Hội Phụ nữ không những phải giáo dục, vận động chị em tham gia các phong trào hoạt động về giới mà còn phải hướng dẫn chị em cách làm ăn để có cuộc sống ngày càng tốt hơn, gia đình hạnh phúc hơn, góp phần đưa xã hội ngày càng lành mạnh hơn.
Các đồng chí cần xác định trọng tâm, trọng điểm hoạt động của mình là những vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, là các hộ nghèo. Cán bộ NHCSXH phải đến trực tiếp với người dân, đến với tất cả các gia đình nghèo, tìm hiểu xem họ cần gì để mình giúp đỡ. Ðất đai ở miền núi còn rộng; mỗi hộ nghèo chỉ nuôi một vài con bò là có thể giảm nghèo. Tại Ðại hội Thi đua yêu nước lần thứ 7 có một tấm gương người đồng bào dân tộc ở Phú Yên, trước đây đi chăn bò cho người khác, đi làm thuê cho người khác để nuôi bò, dần dần gây dựng được đàn bò hàng nghìn con và bây giờ trở thành tỷ phú. Dù là người dân tộc, là người nghèo nhưng được vay vốn, được hướng dẫn cách làm ăn thì đều có khả năng trở thành người khá giả. Ai sẽ là người giúp cho người nghèo làm được điều đó?
Chính là NHCSXH của chúng ta. Có thể nói kết quả đạt được trong mỗi lần giúp cho người nghèo thoát khỏi nghèo đói chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi cán bộ, nhân viên NHCSXH nói riêng và cả nước nói chung. Với mạng lưới rộng khắp 64 tỉnh, thành phố, NHCSXH cần kết hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh... để vừa thực hiện xóa đói, giảm nghèo, vừa tập hợp được quần chúng. Cán bộ NHCSXH không chỉ giỏi về nghiệp vụ cho vay mà còn phải biết vận động quần chúng, giúp đỡ đồng bào biết cách làm ăn.
Thứ hai: Nếu Nhà nước có tăng thêm vốn cho NHCSXH mà các cán bộ của NHCSXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Ðoàn Thanh niên... và chính quyền các cấp không có đầy đủ trách nhiệm và tâm huyết thì cũng không thể triển khai tốt được. Có những nơi không phải thiếu tiền cho vay nhưng do chúng ta không nắm sát được nhu cầu của dân, không biết người dân đang cần cái gì thì cũng không cho vay được. Một số đồng bào dân tộc được vay tiền nhưng đôi khi họ cũng không biết dùng để làm gì. Các đồng chí cần phải hướng dẫn, giúp đỡ rất cụ thể cho người dân sử dụng đồng vốn làm ăn có hiệu quả. Tôi biết các cán bộ NHCSXH phải chịu thiệt thòi hơn các ngân hàng khác. Các đồng chí không quản ngại vất vả, lặn lộn đi đến với nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng lương lại thấp hơn những người làm trong các ngân hàng thương mại. So với NHCSXH, ngân hàng thương mại cho vay những khoản lớn, có nhiều bảo đảm hơn; mặt khác, họ là doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận nên thu nhập cao hơn.
Là người thực hiện chính sách của Ðảng và Nhà nước, dù điều kiện làm việc có khó khăn nhưng các đồng chí phải thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ đối với người nghèo, phải có tấm lòng với dân, coi việc lo cho người nghèo là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Nơi nào còn người nghèo khổ thì người cán bộ NHCSXH cần phải đến đó với tất cả trách nhiệm và tấm lòng của mình. Ðó là điều tâm huyết, trăn trở của tôi mà hôm nay muốn nói với các đồng chí.
Khi còn tuổi thanh niên, tôi không ngại đi đến những vùng gian khổ nhất của đất nước để rèn luyện mình; còn nếu chỉ đến những chỗ sung sướng thì dễ quá. Sống ở giữa những nơi còn nghèo, còn khó khăn, thiếu thốn, ở trong dân, trong quần chúng, ta phải vượt qua chính bản thân mình thì mới rèn luyện, thử thách tốt. Người cán bộ nào chỉ nghĩ đến tiền lương, đến cuộc sống an nhàn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của NHCSXH. So với chi nhánh ở Hà Nội hay Phòng giao dịch huyện Sóc Sơn thì NHCSXH ở các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Gia Lai, Kon Tum, Ðác Lắc, Ðác Nông... còn khó khăn rất nhiều.
Bộ phim tài liệu vừa chiếu ban nãy nói về hoạt động của NHCSXH ở Thái Nguyên (dù tỉnh này không khó khăn bằng các tỉnh khác) đã làm tôi xúc động. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hình ảnh người cán bộ NHCSXH với tấm lòng, trách nhiệm và quyết tâm của mình, lặn lội tìm đến dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa là tấm gương về sự chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ để thực hiện nhiệm vụ của Ðảng, Nhà nước giao cho. Do đó, cần phải có cơ chế chính sách để các đồng chí có điều kiện làm việc tốt hơn, yên tâm công tác và có thu nhập đủ nuôi gia đình. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước và NHCSXH nghiên cứu chế độ, chính sách đối với cán bộ NHCSXH cho phù hợp hơn.
Thứ ba: Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng đề ra trong năm năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta phải đạt từ 7,5% đến 8%/năm. Tuy nhiên, Chính phủ muốn phấn đấu ở mức cao hơn, trên 8%/năm. Trong năm năm trước, mỗi năm nền kinh tế được đầu tư 17 tỷ USD và trong năm năm tới, mỗi năm phải đầu tư 27-28 tỷ USD (tính theo giá 2005); đồng thời, phải đưa khoa học - công nghệ vào để tăng khả năng cạnh tranh ở trong và ngoài nước. Ðó là điều kiện quyết định để nâng cao được tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là đầu tư sao cho có hiệu quả, không để thất thoát.
Năm 2005 vừa qua có thể nói là một năm thử thách đối với Chính phủ. Trong quý I, kinh tế tăng trưởng rất thấp, chỉ có 6% và có nguy cơ không hoàn thành được kế hoạch năm và kế hoạch năm năm 2001-2005. Trước tình hình đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp, phân công các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Do đó, chúng ta đã vượt qua khó khăn và kết quả đến quý IV đã đạt tốc độ tăng trưởng 9,2% và bình quân cả năm 2005 đạt 8,4%. Qua đây, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng là khâu chỉ đạo, điều hành phải rất đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến các ngành thì làm gì cũng thành công.
Ngay như tình hình phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 và cúm ở người cũng vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, huy động được tất cả các ngành, các cấp nên chúng ta đã dập tắt dịch trong thời gian tương đối ngắn, không để lây lan. Tôi nói như vậy không phải là duy ý chí mà vì nước mình còn nghèo, còn khó khăn nên làm gì cũng phải quyết tâm cao. Chúng ta đưa ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm được 2% tỷ lệ hộ nghèo nhưng tôi muốn chúng ta phải phấn đấu cao hơn nữa. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo NHCSXH phải có chương trình, kế hoạch rất cụ thể; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; tập trung ưu tiên cho các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để giảm nhanh số hộ nghèo ở đó.
Các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội phải phối hợp cùng với NHCSXH tập trung chăm lo cho cuộc sống của đồng bào. Ðây là yêu cầu và nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Ðảng và Nhà nước ta đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Chúng ta không chỉ lo vốn cho đồng bào làm ăn mà còn phải xem đồng bào ở vùng đó trồng cây gì, nuôi con gì thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, tiêu thụ được thì mới có thể thoát được đói, thoát được nghèo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đưa cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư về từng thôn bản để hướng dẫn cho đồng bào cách nuôi trồng. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính xem xét ưu tiên giúp đỡ về cơ sở vật chất để làm thay đổi bộ mặt cho các vùng nghèo. Các bộ, ngành khác phải tạo điều kiện để xây dựng các cơ sở chế biến sản phẩm, nâng giá trị hàng hóa cho đồng bào, ưu tiên mua sản phẩm giá cao hơn để giúp đồng bào có thu nhập cao.
Ði thăm nhiều địa phương có rừng, tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh rằng nếu để cuộc sống của đồng bào như hiện nay thì giữ rừng rất khó; ta có cố giữ rừng nhưng đồng bào còn nghèo thì chính họ lại đi phá rừng. Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan cần phải điều chỉnh lại chính sách giao khoán rừng để đồng bào dân tộc ở rừng có nguồn thu nhập đủ sống. Chỉ có nâng cao đời sống của đồng bào, làm cho đồng bào giàu lên nhờ rừng thì chúng ta mới có thể giữ được rừng.
Giải quyết vấn đề đói nghèo hiện nay phải có những giải pháp tổng hợp, có sự phối hợp tổ chức, gắn bó giữa nhiều cơ quan; trong đó không thể thiếu vai trò của NHCSXH. Yêu cầu cho dân vay vốn để xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2010 rất cao, rất nặng nề, đòi hỏi mỗi người cán bộ NHCSXH không chỉ là cán bộ nghiệp vụ đơn thuần mà còn phải vận động, gắn bó và hướng dẫn cho dân làm ăn có lãi để trả được nợ.
Về những kiến nghị trong báo cáo của các đồng chí, tôi hoàn toàn đồng ý; đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc hôm nay để các bộ, ngành, địa phương và NHCSXH triển khai thực hiện.
Hơn 20 năm đổi mới, dưới dự lãnh đạo của Ðảng, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt; thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đã được thiết lập và ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước tính bình quân theo đầu người của nước ta còn rất thấp, năm 2005 chỉ đạt 640 USD/người. So với khu vực Ðông-Nam Á, Việt Nam chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar; kém Philippines, Indonesia và càng thua xa Singapore, Malaysia, Thái-lan. Liệu Việt Nam có thể đi nhanh hơn được không? Nhiều nước và bạn bè quốc tế đánh giá Việt nam là "con rồng", "con hổ" đang thức dậy ở Ðông-Nam Á, tin tưởng chúng ta sẽ phát triển nhanh và có vai trò, vị trí quan trọng ở khu vực. Khi đánh giá như vậy, không phải họ nhìn vào thu nhập hiện nay của ta mà vì họ thấy con người Việt Nam cần cù, cần tiến, chịu khó học hỏi.
Tôi cũng rất tin tưởng rằng tương lai dân tộc Việt Nam không thể còn nghèo đói như hiện nay mà sẽ ngày càng giàu mạnh, dần dần không thua kém các nước trong khu vực và thế giới. Ðể làm được điều đó, chúng ta phải tiếp tục thực hiện công cuộc CNH, HÐH đất nước, phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp. Ðến lúc đó, cuộc sống của nhân dân ta ở mọi miền đất nước sẽ tốt đẹp hơn. Trong cuộc họp mặt với các doanh nghiệp vừa qua, tôi cũng nói với các nhà doanh nghiệp rằng chúng ta không thể để cho nước ta nghèo, lạc hậu và kém phát triển mãi được; các doanh nghiệp phải cùng với nhân dân làm ra của cải cho xã hội, làm giàu cho đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ðể sản xuất kinh doanh, vai trò của ngân hàng rất quan trọng, vì ngân hàng hiện nay là một kênh chủ yếu khơi luồng vốn cho đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đều có những chức năng đối tượng khác nhau NHCSXH có vị trí và vai trò rất quan trọng trong bối cảnh nước ta còn thu nhập thấp, một bộ phận khá lớn người dân còn sống dưới mức nghèo khổ, thậm chí tại một số vùng, người dân vẫn chưa được hưởng những thành tựu của công cuộc đổi mới. Như tôi đã nói ở trên, các đồng chí làm tốt công việc của mình để chăm lo cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc chính là tạo nền tảng để thu hẹp chênh lệch giữa giàu và nghèo, thực hiện công bằng xã hội, góp phần ổn định tình hình chính trị, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và đưa nước ta phát triển đúng theo định hướng XHCN.
Sau ba năm trở lại thăm NHCSXH, tôi rất vui mừng trước những kết quả các đồng chí đã đạt được. NHCSXH phát triển nhanh, phát triển rộng, đúng hướng và có hiệu quả. Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc sức khỏe các đồng chí và mong rằng Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn, tích cực hơn và hướng về với người nghèo, với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhiều hơn để giúp bộ phận nghèo nhất của nước ta thoát nghèo một cách nhanh nhất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ðảng và Nhà nước ta.
-------------
(*) Ðầu đề là của báo Nhân Dân
|