Trong tiếng máy ồn ào và bụi bặm của công trình đang thi công, gương mặt và nụ cười của chị buồn không lẫn vào đâu được. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, chị lại buông lời như tự sự với chính mình: “Chế độ bảo hiểm ư? Đất chật người đông thế này kiếm được công việc đã tốt lắm rồi. Hên xui có số, tới đâu tính tới đó”
Y hẹn, mười một giờ rưỡi tôi quay lại công trình trên đường Cộng Hòa tìm chị. Giờ nghỉ trưa, ngôi nhà xây dở vắng bóng người. Đang dáo dác nhìn quanh thì chị lên tiếng gọi. Thì ra chị ngồi sau góc khuất của bức tường và đang ăn trưa. Nhìn khẩu phần ăn của chị, tự dưng tôi thấy nghèn nghẹn. Quả thực lâu lắm rồi, từ lúc xa quê đến giờ tôi mới gặp lại cảnh “cơm gói, nước chai”. Chị nhìn khách rồi nói như phân trần: “Vào quán, một bữa ăn mất đứt nửa ngày công, tui mang cơm theo cho tiện” – chị là Nguyễn Thị Mỹ Hằng, quê ở Nông Cống (Thanh Hóa).
Không có giấc nghỉ trưa
Theo lời tâm sự, chị gốc gác nông dân. Ở quê, chỉ được 3 sào ruộng khoán, tằn tiện bao nhiêu cũng không thấy dư, nên vợ chồng chị gửi con cho bà nội vào Nam làm ăn. Nghề không có, chị lân la làm thử đủ mọi việc... từ rửa chén thuê, giúp việc nhà, ai gọi đâu làm đó nhưng việc gì cũng làm được vài hôm chứ không trụ được lâu ngày như nghề phụ hồ này. Đơn giản, theo chị thổ lộ, là nông dân chính gốc nên cứ lóng ngóng trước công việc lặt vặt trong nhà làm gia chủ không hài lòng...
Ăn trưa xong, chị bắt đầu lọc cát. Đôi tay chai sần và thô ráp vừa lúc nãy vụng về quấn lại mái tóc, giờ bỗng trở nên thuần thục và khéo léo trong từng xẻng cát hất lên sàn lưới. Tôi thắc mắc tại sao chị không nghỉ trưa. “Quen rồi, mình làm không bằng đàn ông nên phải chuẩn bị sẵn kẻo đến khi vào việc họ lại mắng cho” - chị đáp. Theo dân trong nghề như chị, hiện nay rất khó kiếm việc vì những công trình lớn đã có máy trộn vữa. Thành thử muốn có việc làm thường xuyên cần phải siêng năng và chịu khó để tạo sự tin cậy với chủ thầu.
Chị cho biết công việc hằng ngày của mình thường bắt đầu sớm hơn những người thợ chính ít nhất là 1 giờ và kết thúc lúc nào dọn dẹp xong. Sau khâu trộn, chị có nhiệm vụ tiếp vữa cho 5 người xây. Công việc mệt nhất là lúc công trình vừa mới bắt đầu xây ở tầng trệt. Nhiều hôm chuyển vữa cho kịp thợ xây muốn đứt cả hơi. Anh thợ nào thông cảm còn phụ cho một tay, còn gặp đám thợ trẻ họ sai vặt đủ thứ.
Trò chuyện với chị khá lâu, tôi hỏi thăm điều tế nhị nhất để giải quyết nhu cầu: Nhà vệ sinh? “Thường thì tui giải quyết nhu cầu trước khi đi làm, đến đây uống ít nước lại và ráng chịu khó đến giờ nhóm thợ đi ăn cơm thì vào trong kia...”. Như chợt nhớ, chị hỏi thăm tôi giờ rồi chạy vội vào bên trong... vì thợ sắp về. Đúng 13 giờ, cả nhóm thợ và chị bắt tay trộn mẻ vữa đầu tiên cho buổi chiều. Trong tiếng máy ồn ào và bụi bặm của công trình đang thi công, gương mặt và nụ cười của chị buồn không lẫn vào đâu được. Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, chị lại buông lời như tự sự với chính mình: “Chế độ bảo hiểm ư? Đất chật người đông thế này kiếm được công việc đã tốt lắm rồi. Hên xui có số, tới đâu tính tới đó”.
Vét vữa rơi, đủ tiền công!
Thợ phụ như chị Hằng ngày công chỉ có 32.000 đồng. Thời buổi hiện nay người đi tìm việc thì đông mà nghề phụ hồ toàn việc nặng, ít có chủ thầu nào chịu thuê phụ nữ. Nhưng thực ra nhiều ông chủ khôn ngoan lại chọn một thợ phụ là nữ vì họ kỹ tính, cẩn thận. Chỉ riêng việc các chị chịu khó vét, gom vữa rơi đã đem lại cho chủ thầu một khoản lợi dư sức trả tiền công cho chính họ. Chúng tôi rảo một vòng ở những công trình xây dựng nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Chinh... thì thấy hơn 2/3 các công trình đều có một chị làm thợ phụ. Anh Hoàng Anh Tuấn, một chủ thầu nhỏ đang thi công công trình trên đường Lê Văn Sỹ, nhận xét về chị Trương Thị Xuân, thợ phụ của anh đã hơn 3 năm nay: “Lúc đầu tui cũng ái ngại lắm, mặc dầu ăn công nhật như nam nhưng sinh hoạt của chị em cực nhọc hơn Giờ mới thấy có cô ấy mọi thứ ngăn nắp hơn, ngay đến vữa rơi cô cũng chịu khó gom lại”. Và có một điều mà không nói ra thì ít ai biết được: Trong nghề xây dựng, đối với nam, chỉ phụ việc một thời gian đã có thể đứng xây và lên thợ chính, tiền công cũng lên. Còn với chị em phụ nữ, dù thạo việc đến đâu cũng chỉ là thợ phụ và tiền công vẫn như khởi điểm ban đầu.
Chào họ ra về, dòng suy nghĩ của tôi vẫn cứ miên man. Họ là những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng môi trường làm việc đã lấy đi những nét nữ tính vốn có. Nhìn những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, những đôi tay to bè thô ráp và dáng người gần như đàn ông... tôi không khỏi nao lòng.
Phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi khi làm thợ hồ Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng Ban Thanh tra, an toàn bảo hộ lao động, Sở LĐ-TB-XH TP, cho biết: Phụ nữ làm thợ hồ chủ yếu là dân nghèo các tỉnh lên, họ chấp nhận làm công nhật miễn sao khỏi thất nghiệp chứ không đòi hỏi một khoản phúc lợi nào. Đối với các chủ thầu tư thì phổ biến tình trạng sử dụng nhân công không hợp đồng lao động, không chế độ phúc lợi, phụ nữ không được ưu tiên gì, thậm chí ở các công trình điều tối thiểu nhất dành cho nữ là nhà vệ sinh, bảo hộ lao động... cũng không có. Khi xảy ra tai nạn, Sở LĐ-TB-XH chỉ biết những vụ gây hậu quả nghiêm trọng còn đa số họ ém nhẹm đi. Nhiều người bị nạn không biết đâu mà cầu cứu đành ngậm đắng nuốt cay trở về quê và ôm tật nguyền suốt đời. |
Bài và ảnh: Bích Hà
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Phụng sự nhân dân (15/08/2005)
▪ Hà Nội: Giá thuê văn phòng sẽ tăng khoảng 10- 15% (13/08/2005)
▪ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Rumani (13/08/2005)
▪ Tụt hậu về kinh tế, công nghệ là nguy cơ lớn nhất (13/08/2005)
▪ Hội Nhà báo Việt Nam và các kỳ Ðại hội (13/08/2005)
▪ Ở cho "bén rễ, xanh cây" mới về! (13/08/2005)
▪ Hai bà mẹ Đức và 200 người con Việt Nam (13/08/2005)
▪ Khơi dậy nguồn lực chất xám của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (14/08/2005)
▪ Đối mặt với giá dầu (14/08/2005)