Phấn đấu đạt 75.000 - 80.000 người
Các Website khác - 19/01/2006
Người lao động Việt Nam
đón Tết tại Đài Loan.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: năm nay, triển vọng của xuất khẩu lao động được đánh giá là khá hơn. Dự kiến, sẽ có từ 75 đến 80 nghìn người được đưa đi lao động ở nước ngoài.
Năm 2005, Việt Nam đưa được gần 71.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt kế hoạch gần 1.000 lao động. Theo tính toán sơ bộ, thu nhập của lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài ước đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Về cơ bản, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng và triển vọng xuất khẩu lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là 2005 đã đặt nền móng cho việc lao động Việt Nam "tấn công" vào thị trường thu nhập cao. Đó là con số chín lao động đầu tiên đến Mỹ làm nghề nông với thu nhập từ 1.250 - 1.600USD/ tháng; hay như việc các Công ty XKLĐ đã đưa được người đến Canada, Hàn Quốc, các nước khu vực Trung Đông có thu nhập đạt từ 400 - hơn 1.000 USD/tháng. Song, cũng trong 2005, Việt Nam đánh mất thị phần tại thị trường truyền thống Đài Loan khi họ ngừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

* Điều đó sẽ tác động như thế nào đối với triển vọng XKLĐ 2006, thưa ông?

- Triển vọng của XKLĐ Việt Nam 2006 được đánh giá là khá lớn, nhất là triển vọng XKLĐ tạm gọi là "bậc cao". Năm 2006, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc để tuyển chọn số lượng không nhỏ lực lượng lao động kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia. Cũng trong năm nay, Việt Nam tiếp tục bàn và triển khai chương trình tương tự với phía Nhật Bản. Đặc biệt hơn, dự báo 2006 sẽ là năm để Việt Nam khai mở các thị trường mới như: Mỹ, Australia, các nước khu vực Trung Đông vốn rất ổn định, thu nhập cao. Theo kế hoạch, 2006 sẽ là năm triển khai thí điểm việc đưa lao động sang các thị trường mới khai mở này; nâng số lượng thị trường XKLĐ của Việt Nam lên gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

* Nhưng thưa ông: Liệu nguồn lao động Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu của những thị trường "khó tính" đó?

- Đúng là lao động Việt Nam còn quá nhiều điểm yếu. Tỷ lệ lao động phổ thông tuy đông nhưng lại kém ngoại ngữ, yếu tay nghề, thiếu ý thức chấp hành kỷ luật. Ngay cả với lực lượng lao động tạm gọi "bậc cao" thì cũng còn có nhiều rào cản. Đầu tiên là khó khăn về ngôn ngữ của nước sở tại (đối với các nước không sử dụng tiếng Anh). Bên cạnh đó là chuyên môn có thể không phù hợp, vì mỗi nước lại sử dụng những dây chuyền, công nghệ khác nhau... Vì thế có thể khẳng định: Nguồn lực lao động của Việt Nam vẫn còn bất cập, cơ bản chưa thể đáp ứng được nhiều những yêu cầu của các thị trường này.

Chính điều này đã đặt ra yêu cầu và tạo động lực cho việc đảm bảo nguồn lực của lao động Việt Nam. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề án đào tạo LĐXK để triển khai thực hiện trong năm 2006. Đặc biệt là đang gấp rút hoàn thiện Dự luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để trình Quốc hội thông qua trong năm nay. Tất cả những điều này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho Việt Nam phát triển XKLĐ một cách bền vững.

- Cảm ơn ông!

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Dự luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét và thông qua trong năm nay. Ngoài ý nghĩa luật hoá được lĩnh vực hoạt động nhạy cảm này, luật còn quy định chặt chẽ, cụ thể hơn việc cấp phép, quản lý DN theo tinh thần: Sàng lọc DN không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm; tạo cơ hội cho các DN đủ mạnh tham gia có hiệu quả hoạt động này. Đặc biệt, luật còn dành hẳn 2 chương (chương IV) để quy định về học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng; những chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, (chương V) quy định hoạt động của "Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước", nhằm phát triển thị trường, nâng cao chất lượng lao động... Nếu luật này được thông qua, sẽ tạo những tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi và cơ hội cho triển vọng XKLĐ Việt Nam năm 2006.



Theo Lao động