Nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập. Các tác nhân gây bệnh là vi sinh vật, hóa chất, chất bẩn,... không nhìn thấy được bằng mắt thường. Những sản phẩm có bao bì đẹp, ghi nhãn đầy đủ, rõ ràng tên, địa chỉ nhà sản xuất, ngày và hạn sử dụng, thành phần cấu tạo, chất lượng,... có thể tin tưởng. Việc xem nhãn, vì thế, rất quan trọng. Còn chuyện quảng cáo để tham khảo.
Thực phẩm chế biến công nghiệp đóng trong hộp, chai, lọ, lon, hộp giấy,... có ghi nhãn thì chất lượng an toàn thực phẩm sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ hư hỏng trong từng lô sản phẩm có thể lọt ra thị trường, có khi cả lô. Những đồ hộp bị phồng cứng thường bị lồi ở hai đáy lon, hộp là do vi sinh vật hoặc bào tử của chúng còn sót gây nên. Ðó là những thứ nguy hiểm không nên dùng.
Những thực phẩm có chứa đạm mà có độ ẩm cao, ở dạng mềm, sệt, lỏng thường không có hạn sử dụng dài. Nếu chúng chỉ được bảo quản trong túi nylon dưới tác động của ánh sáng thì sản phẩm càng biến chất nhanh hơn. Việc đọc nhãn xem hạn sử dụng hoặc ngày sản xuất cần chú ý. Nếu những thực phẩm có thịt, sữa và độ ẩm cao được bảo quản trong hộp giấy, túi nylon dán kín thì hạn sử dụng thường không quá sáu tháng. Nếu chúng được bảo quản trong hộp kim loại, lon, chai thủy tinh mầu thì hạn sử dụng có thể tới một năm hoặc hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất thường nâng "vòng đời chất lượng" của sản phẩm bằng cách ghi thêm vài tháng hoặc bằng cách in sẵn hạn sử dụng trên nhãn (bằng cùng một thứ mực và mầu với các chữ in sẵn trên nhãn) mà không có phần ghi nhãn ngày sản xuất bằng mực in phun, đóng dấu chìm, nổi. Ðây là cách gian lận thường thấy ở những nhà sản xuất bất hảo hoặc "ăn non", không biết bảo vệ thương hiệu của mình. Càng gần ngày sản xuất hay càng xa ngày hết hạn thì chất lượng thực phẩm bên trong càng ít bị biến đổi. Vì vậy, khi mua những thực phẩm như trên, ta nên mua loại có hạn sử dụng còn cách xa ngày mua hoặc càng gần ngày sản xuất càng tốt. Tuy nhiên có một số thực phẩm để càng lâu càng tốt như: rượu từ 20% cồn trở lên, nước mắm nhĩ lâu năm.
Một số thực phẩm không bắt buộc ghi hạn sử dụng cuối cùng là những thứ không chứa các chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển của vi sinh vật như nước khoáng, nước uống tinh khiết, mì chính, v.v. Một số loại hàng cần kiểm tra cảm quan hơn là hạn sử dụng cuối cùng! Ðó là một số chất ở dạng đóng gói nguyên chất như đường, muối, dấm (còn gọi là các chất bảo quản tự nhiên vì có tác dụng khống chế vi khuẩn phát triển) cũng không có thời hạn sử dụng hạn chế.
Các sản phẩm với hàm lượng cao các chất này như mứt, si rô, rượu vang cũng thường có hạn sử dụng không nhất định mà phụ thuộc trạng thái cảm quan của sản phẩm khi mua hàng. Rượu vang có thể để càng lâu càng tốt, nhưng cũng có thể bị đóng cặn, vẩn đục nếu chưa qua thời gian ổn định chất lượng đã xuất xưởng.
Thịt gà và gia cầm bắt đầu được lưu thông sau vài tháng ở một vài thành phố lớn. Người ta đi tìm thịt gà "sạch" đã được đóng mộc kiểm dịch mầu xanh. Nhưng dù vậy chưa chắc chắn là gà không bị nhiễm virus cúm H5N1. Ðơn giản là đàn gà phải được giám sát thú y tại chuồng vài ngày mới khẳng định được có khỏe hay không. Gia cầm được vận chuyển tới chợ hoặc tới chốt kiểm dịch chỉ được kiểm tra bằng mắt thường, không thể phát hiện những gia cầm đang trong thời kỳ ủ bệnh, chưa phát bệnh. Gà đã giết mổ thì càng khó kiểm dịch vì không thể xét nghiệm từng con. Hơn nữa, trong thiên nhiên luôn tồn tại khoảng 20 loại virus gây bệnh có thể gây bệnh cúm ở người nhưng chỉ một vài loài gây dịch mỗi năm. Vì thế không nên chỉ phòng mỗi dịch cúm gà mà "hở sườn" và bị cúm khác tấn công bất ngờ. Các vật chủ của virus có thể là chim hoang dã, chuột, dơi hay bất cứ động vật có vú nào. Nhưng các virus gây bệnh ở gia cầm và động vật được tìm thấy đều là loại không chịu được nhiệt độ cao. Tới 60oC đã bảo đảm virus bị chết hết. Nếu sản phẩm gia cầm được chế biến đạt tới 70oC thì tuyệt đối an toàn. Vì vậy, phương pháp an toàn thực phẩm trong mọi trường hợp là nấu chín kỹ thực phẩm có nguồn gốc động vật và tuyệt đối không ăn gỏi sống, tiết canh, đồ tái, kem trứng sống. Có thể kiểm tra độ chín kỹ bằng cách bổ đôi hoặc cứa vào chỗ sâu nhất của sản phẩm gia cầm để xem có còn máu hồng trong xương và thớ thịt hay không. Nấu chín kỹ thực phẩm là phương cách bảo vệ mình và gia đình tốt nhất dù trong hay ngoài mùa dịch.
|