Cuộc sống mới ở một vùng lũ quét
Các Website khác - 19/01/2006
Hai xã Mỹ Lương và Mỹ Lung là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Phú Thọ trong đợt lũ quét do ảnh hưởng của bão số 7 năm 2005. Dấu tích tàn phá của thủy thần còn đó, nhưng mầu xanh đã trở lại, những ngôi nhà bị lũ cuốn trôi đã được xây dựng mới ở những địa điểm an toàn.
Ở khu Tân Bình, xã Mỹ Lương mười lăm ngôi nhà xây kiên cố, khang trang quần tụ trên một khu đất cao ráo, cách ngòi Lao không xa, nhưng ở vị trí an toàn. Phần lớn bà con đã dọn về nhà mới và đang tiếp tục hoàn thiện các công trình phụ, đào giếng, xây chuồng trại chăn nuôi.

Trong niềm vui được ở căn nhà còn thơm mùi vôi mới, bà Lê Thị Hợi, 68 tuổi rơm rớm nước mắt, kể: "Lũ đêm 27-9-2005 đã cuốn mất của tôi và bốn đứa con tất cả năm ngôi nhà và toàn bộ tài sản, lúa, ngô. Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn mất mấy ngày trời, không biết phải làm gì và sẽ sống bằng cách nào. May mà được tỉnh, huyện, các tổ chức và bà con cứu trợ, cưu mang nên không ai phải màn trời chiếu đất, không ai bị đói, bị rét cả. Ngoài trợ giúp 5 triệu đồng lúc đầu, tỉnh còn cấp cho chúng tôi, mỗi hộ 15 triệu đồng để làm nhà mới, lại cử các chú bộ đội về giúp dân xây nhà. Tôi cảm ơn Ðảng, Nhà nước, cảm ơn bộ đội nhiều lắm! Quả thật, từ tay trắng mà có được ngôi nhà như thế này là điều tôi không dám nghĩ tới. Có nhà ở rồi, mẹ con tôi yên tâm làm ăn, cuộc sống dần dần sẽ khá lên thôi".

Đến xã Mỹ Lung, nơi lũ quét hoành hành dữ dội nhất, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cường cho biết: "Ðiều may mắn nhất đối với chúng tôi là không bị thiệt hại về người, nhưng về vật chất thì quá sức tưởng tượng".

Xã có tới hơn hai phần ba số hộ bị thiệt hại do lũ quét, trong đó có hơn 96 ngôi nhà bị trôi, sập, mất hết tài sản; hàng trăm hộ bị lũ tràn vào nhà cuốn mất lúa gạo, hơn 400 hộ có lúa, hoa màu ngoài đồng bị ảnh hưởng, hàng chục ha ruộng bị xói mòn, cát đá vùi lấp. Nếu tính cả các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng thì thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Ngay sau lũ, điều quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền xã là ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân bị nạn; xã huy động mọi lực lượng, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân cùng khắc phục hậu quả thiên tai. Tiền, hàng cứu trợ được cấp phát kịp thời, đúng đối tượng, không để ai bị đói, bị rét. Những nhà bị trôi hoàn toàn được làm ngay nhà tạm, nhà đổ sập được dựng lại, bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt tối thiểu cho người dân.

Ðồng thời, xã tiến hành quy hoạch năm khu tái định cư cho các hộ có nhà bị trôi, đổ và quy hoạch hơn 160 ô đất sẵn sàng cấp cho các hộ khác di dời nhà khỏi vùng ảnh hưởng lũ. Giữa tháng 12-2005, 26 gia đình có nhà bị trôi đã được nhận nhà mới ở các khu tái định cư với số tiền được tỉnh cấp 15 triệu đồng/nhà. Nhiều người được bà con, dòng họ giúp đỡ đầu tư thêm xây nhà trị giá vài chục triệu đồng. Trong thời gian tới, 55 hộ bị sập nhà cũng sẽ được hỗ trợ mỗi hộ 13 triệu đồng để làm nhà ở các địa điểm đã quy hoạch.

Ði thăm các gia đình mới nhận nhà ở các khu tái định cư, đến đâu, chúng tôi cũng nghe bà con xúc động bày tỏ lòng biết ơn Ðảng, Nhà nước, các cơ quan và cộng đồng.

Bố con ông Lê Văn Tâm ở khu 4 bị trôi mất bốn căn nhà đều được nhận nhà đợt này, ông tâm sự: "Tôi không ngờ mình được quan tâm như thế, không ngờ lại được đón Tết trong nhà mới".

Ông Hà Hồng Luật, Chủ tịch MTTQ xã cho rằng, cuộc sống bà con đã bước đầu ổn định, nhưng việc khôi phục sản xuất còn rất khó khăn. Hàng chục ha ruộng bị cát đá vùi lấp, tuy đã được bà con tự khôi phục nhưng vẫn còn hơn 10 ha bị vùi quá sâu không thể tự giải quyết, trong đó có hàng chục hộ mất từ 50 - 100% đất ruộng. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu giống, vốn cho sản xuất, bà con vẫn phải vay mượn được giống lúa nào cấy lúa nấy".

Ông Phan Văn Ðốc, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập, cho biết: Thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện là rất nặng nề, tổng trị giá lên tới hơn 32 tỷ đồng. Toàn huyện có 128 nhà bị trôi, sập, lũ cuốn hết tài sản, hơn 800 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng nặng, gần 900 hộ có lúa và hoa màu bị hư hỏng và mất trắng. Sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng. Ðể khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân sau lũ, cùng với sự trợ giúp của cấp trên và nhân dân cả nước, huyện đã triển khai các biện pháp di dời dân, khôi phục sản xuất, toàn bộ số tiền, lương thực tỉnh hỗ trợ đã chuyển đến từng hộ dân. Huyện đã chi hàng chục triệu đồng hỗ trợ giống cây trồng vụ đông cho xã Mỹ Lung, Mỹ Lương; đầu tư 700 triệu đồng khôi phục các công trình giao thông, thủy lợi. Các công trình bị hư hỏng nặng, ruộng đất bị vùi lấp tiếp tục được rà soát, đánh giá lại để đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục.

Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định, Tết này người dân vùng lũ sẽ có đủ gạo ăn. Huyện đã trích ngân sách dự phòng lo đủ 66 tấn lương thực để hỗ trợ đồng bào vùng lũ trong tháng Tết, tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ lương thực ba tháng thì ngoài khả năng của huyện, cần phải rà soát lại các đối tượng và đề nghị tỉnh giúp đỡ. Hiện huyện đang tập trung sức lo Tết cho các hộ thuộc diện chính sách, để mọi người dân, nhất là người nghèo, các hộ khó khăn vùng lũ đều được đón Tết vui vẻ, ấm cúng.

HỒNG NGHĨA