Đồng tiền vô nghĩa
20 tuổi, Phan Bá Giang theo gia đình rời quê cũ ở xã Trung Sơn, Đô Lương lên huyện Quỳ Châu làm kinh tế mới. Đó là năm 1984. Giang học nghề thợ may, lập cái quán may ở cạnh con lộ 48, nhưng được nửa năm thì đóng cửa vào rừng, kéo gỗ thuê cho người ta. Vài năm sau, cậu quay sang làm chủ buôn gỗ. Dưới bàn tay chỉ đạo của Giang "râu", mỗi ngày hàng chục mét khối gỗ bị triệt hạ, kéo ra khỏi rừng.
Cuối năm 1989, Giang "râu" chợt hay tin vùng đất trước nhà, phía bên kia con lộ người ta đào được đá đỏ. Nhân một chuyến mang gỗ ra Hà Nội bán, Giang "râu" dò hỏi giới buôn bán đá quý mới hay giá đá đỏ bây giờ đắt lắm. Giang "râu" hăm hở quay về nhà, tìm mua ngay một hòn đá mang ra Hà Nội bán. Đếm tiền xong, anh vẫn không tin rằng buôn đá đỏ lại lời to đến thế. Về nhà, Giang "râu" mang hết số tiền lâu nay kiếm được bỏ ra mua đá đỏ. Lúc này, hàng chục tay buôn cỡ trùm khắp cả nước đổ về Châu Bình, Giang "râu" tuy ít vốn, người nhỏ con nhưng được lợi thế là "thổ công" và bộ râu dài như người Tàu nên các đại ca khác cũng phải nể mặt. Có lô hàng, Giang "râu" mua tại bãi giá 35 triệu đồng, ra Hà Nội bán được 72.000 USD. Đây cũng là món hời khổng lồ nhất trong đời buôn đá của Giang. Gần một năm sau, trong tay Giang "râu" có hơn 2 tỷ bạc và 100 lượng vàng.
Giang "râu" lập tức mở ngay một cửa hàng vàng bạc đá quý mang tên Bắc Giang (Bắc là tên anh trai) rồi giao cửa hàng cho anh trai cai quản, còn mình tìm đến cờ bạc như một trò giải trí. Thâu đêm suốt sáng, các sòng bạc lớn ở cạnh bãi đá, thậm chí ở Vinh lúc nào Giang "râu" cũng có mặt. Nhưng hầu như lần nào Giang "râu" cũng trở về tay không. Thua nhẵn túi. Để tiếp tục có tiền đánh bạc, Giang lừa anh trai lấy tiền đi mua đá để nướng vô sòng bạc. Giữa năm 1992, cửa hàng vàng bạc phá sản vì hết vốn. Gần 2 tỷ bạc của thiên lại trả về cho địa.
Khi kiếm đồng bạc trở nên khó khăn, Giang "râu" ngộ ra và ân hận thì không còn ai tin. 8 triệu đồng xây cái nhà nho nhỏ, một cái kiềng sắt, hai cái xoong, 4 bốn cái bát, bốn đôi đũa và nỗi nhục. Đó là toàn bộ gia sản của vợ chồng Giang "râu" khi ra ở riêng vào năm 1993. Đây cũng là quãng thời gian cay đắng nhất của đời Giang "râu". Để giải sầu, suốt ngày Giang chìm trong men rượu. Cuối năm đó, Giang "râu" lang thang về quê cũ. Một buổi chiều, ngồi bên quán nước ở dốc Truông, tình cờ, có hai vị khách bàn bên bàn chuyện nhận đất rừng và vẽ ra viễn cảnh từ lợi ích trồng rừng, Giang "râu" chợt tỷnh ra, ồ lên một tiếng, ra về.
Làm trang trại
Vợ chồng Phan Bá Giang đang ươm cây con để trồng rừng. | 50 ha rừng ngay cạnh bãi đá đỏ được giao cho Giang. Anh về Đô Lương, mua hạt giống bạch đàn và mượn được cuốn sách "Quy trình kỹ thuật lâm sinh", đọc ngấu đọc nghiến. Từ đó, người ta ngạc nhiên khi thấy trời còn mờ đất, Giang đã lầm lũi vác cuốc lên rừng, trưa đứng bóng mới về. Chiều lại như vậy. Cứ ròng rã tháng này qua tháng khác, Giang lặng lẽ bám rừng. Cuối năm đó, hai vạn cây bạch đàn con mọc lên. Đến năm 1998, tức bốn năm sau, hai vợ chồng đã phủ xong 50 ha rừng gồm bạch đàn, keo tai tượng, keo lá tràm.
Dân quanh vùng thấy anh chọn đúng hướng, cũng đua nhau nhận rừng. Nhưng nhiều hộ nhận rồi để đấy, lần không ra vốn để trồng cây. Giang "râu" biết vậy gợi ý hùn vốn cùng làm. Đến năm 2002, Giang "râu" nhận trồng xong 20 ha rừng cho những hộ dân khác. 50 ha rừng do anh nhận khoán đã đến kỳ khai thác, nhưng anh không khai thác vì kiếm tiền bây giờ không khó. Gieo hạt là có cây, có tiền. Năm ngoái đến nay, chỉ riêng cung cấp cây giống cho dân quanh vùng, anh cũng thu được ngót 100 triệu đồng.
"Bây giờ thì tui ngẩng đầu lên được rồi anh ạ. Hồi thua bạc trắng tay, đi mô cũng phải cúi gầm mặt xuống, kể cả khi mới trồng rừng, người bàn vô kẻ tán ra. Nhục lắm" - anh nói.
Tính giá thành như hiện nay, khai thác 50 ha rừng, anh đã lợi được tiền tỷ. Thế nhưng, tỷ phú Giang bây giờ không đến quán rượu, cũng không đốt một điếu thuốc nào. Râu cũng cạo nhẵn. Giang giải thích: "Nghĩ đến sòng bạc là tui ớn lạnh... Nói thật, điều tui mãn nguyện nhất bây giờ không chỉ tiền tỷ trong tầm tay, mà còn ở chỗ mình đã đứng dậy và làm lại được được từ trong sai lầm, trả được nợ cho rừng, lấy lại được danh dự và niềm tin cho mình".
|