Khách hàng chọn mua đặc sản Bắc tại khu chợ trên đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1-TPHCM
Gọi là chợ Bắc nhưng thật ra khu vực này tập trung khoảng hơn 10 cửa hàng bán thực phẩm Bắc. Nằm trên đường Chu Mạnh Trinh (quận 1), khuất sau Bệnh viện Nhi Đồng 2, “chợ” chuyên bán các món ăn dân dã của đất Bắc. Đến đây, khách hàng dễ dàng tìm thấy rượu nếp mới, Vodka Hà Nội, rượu Làng Vân, Kim Sơn, măng lưỡi lợn, măng vầu, miến dong Bắc Kạn, nấm hương Bắc, kẹo vừng lạc, các loại giò chả, hành muối... Không chỉ vậy, từ cọng hành hoa, bắp cải, mớ rau ghém đến ốp nhang thơm đều được mang từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng vào.
Cao cấp hơn một chút, các cửa hàng bán đặc sản Bắc nằm rải rác trên đường Trần Quốc Toản (quận 3), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Điện Biên Phủ (vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) bán từ hộp mứt sấu, sấu ngào đường, sấu xào, ô mai, bánh đậu xanh Rồng Vàng, chè Tân Cương, mứt sen Hưng Yên, nếp quýt hoa mai Hải Hậu đến đủ loại rau cải, trái cây như sấu xanh, mận Hà Nội, cam Vinh.
Dịp Tết, các cửa hàng này còn có thêm cam Canh, bưởi Diễn, táo Thiện Phiến, cam sành Bố Hạ, rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố... do đích thân chủ các cửa hàng ra tận các tỉnh phía Bắc xem hàng, đặt mua.
Ông Thắng, chủ cửa hàng Tiến Thịnh trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, cho biết cửa hàng ông và vài cửa hàng còn đặt mua bánh chưng từ Hà Nội chuyển vào để phục vụ khách khó tính.
Tìm mua đặc sản các địa phương miền Trung
Khu vực Tân Bình vốn có đông đúc người miền Trung sinh sống nên từ lâu đã hình thành những ngôi chợ đặc sệt chất miền Trung, chuyên bán nguyên liệu, món ăn các địa phương miền Trung. Trong đó, chợ Bà Hoa (đường Trần Mai Ninh, phường 11, quận Tân Bình), chợ Tân Bình và dọc đường Trường Chinh (đoạn gần sân bay Tân Sơn Nhất) có hàng hóa phong phú nhất. Đến những địa chỉ này, bạn dễ dàng mua được bình rượu Bàu Đá trong suốt, khúc mắm cá thu Bình Định đậm đà, mắm cái (mắm nêm) thơm dậy mùi, bánh tráng miền Trung, hành tươi, tỏi...
Thời điểm này, các loại bánh kẹo miền Trung như bánh in, bánh tổ, bánh thuẫn, kẹo gương, mạch nha... được bày bán rất nhiều. Bánh được làm to hơn, “đặc biệt” hơn loại bán ngày thường và tăng giá chút ít. Những ai thích ăn món ngon Nha Trang có thể tìm được vài món nem, chả, bánh tét, hạt dưa Nha Trang xen lẫn trong các cửa hàng đặc sản miền Trung này. Tiện lợi hơn, ở các siêu thị Maximark, Citimart, Tết nào cũng bố trí quầy hàng riêng bán đặc sản chính gốc Nha Trang cho khách hàng dễ lựa chọn.
Về Chợ Lớn mua đặc sản Hoa, Khmer...
Vịt lạp (miếng thịt vịt còn da, róc hết xương, tẩm gia vị rồi phơi khô, dùng để chiên hoặc hấp), đường tán đổ hình nén vàng, bánh tổ là những món không thể thiếu trong ngày Tết của người Hoa được bày bán nhiều xung quanh chợ Bình Tây, các cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5).
Món ngon Nam Bộ gần như chợ nào cũng bán, nhưng tập trung nhiều nhất và giá cũng dễ mua nhất là ở chợ Bình Tây. Từ chợ sỉ này, mứt trái cây từ các tỉnh Tây Nam Bộ, tôm khô Cà Mau, bánh phồng tôm An Giang, bánh tráng Củ Chi, lạp xưởng tươi Gò Công, bánh pía Sóc Trăng... sẽ tỏa đi khắp nơi.
Ngoài ra, những ai muốn đổi món trong 3 ngày Tết có thể đến chợ Campuchia (hẻm 374 Lê Hồng Phong) để mua các món ăn truyền thống của người Khmer, Campuchia. Khô cá tra phồng đặc sản Biển Hồ, khô cá lóc, khô cá sửu, cá trèn sấy, mắm bò hoóc... ăn kèm với đọt lá sầu đâu non bán ở đây sẽ thật sự là đặc sản và là món khoái khẩu của nhiều người thay cho thịt, cá.
Theo Dan Tri
▪ “Vật lộn” với tàu, xe Tết (10/01/2009)
▪ Người dân đã "rục rịch" sắm Tết (10/01/2009)
▪ Xóm không Tết ở Hà thành (10/01/2009)
▪ Giám đốc Công ty “bán vé xe Tết rẻ” hứa sẽ hoàn trả tiền cho sinh viên (10/01/2009)
▪ Trước ngày 30/1: Các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình Tết nguyên đán Kỷ Sửu (10/01/2009)
▪ Tăng giá nước sạch tại TP HCM (10/01/2009)
▪ Làng đào Nhật Tân: Mất, sẽ khó khôi phục (10/01/2009)
▪ 'Xóm trọ nghĩa trang' giữa lòng thủ đô (09/01/2009)
▪ Giãn nộp thuế thu nhập cá nhân đến tháng 5/2009 (09/01/2009)
▪ Tết này không “sạch” bằng tết trước? (09/01/2009)