Sống chung với mộ
Muốn đi vào được xóm trọ này, người ta phải đi trên một con đường “dát” đầy bùn và bụi than. Mùa hè, những bụi than đen sì bay tứ tung theo gió vào tận từng phòng trọ bám đầy vào quần áo hoặc những vật dụng trong nhà. Mùa đông, con đường nhỏ chỉ đủ cho 3 chiếc xe máy cùng đi này lại nổi lên một “lớp áo” nhầy nhụa, đen đúa chẳng khác nào sình lầy trong rừng rậm U Minh. Đi hết con đường này phải băng qua hàng nghìn ngôi mộ thì mới vào được xóm trọ.
Hầu hết các phòng trọ đều được xây dựng một cách tự phát, do những người dân thổ cư hoặc dân ngụ cư ở các tỉnh khác đến lấn chiếm và xây dựng rồi cho người lao động, sinh viên nghèo thuê. Do ở xa khu trung tâm, phòng xây tạm bợ nên giá cả của các phòng trọ ở đây có phần “mềm” hơn những nơi khác. Bởi thế, nhiều sinh viên tỉnh lẻ nghèo khó đành chấp nhận thuê trọ và sống chung với những ngôi mộ ở nghĩa trang này.
![]() |
Phải băng qua hàng nghìn ngôi mộ mới vào được xóm trọ. (Ảnh: ĐC) |
Sinh viên quanh khu này vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện vui của một sinh viên năm thứ 1, ĐH Thủy Lợi, tên là Hoàng Thu Hương khi lần đầu tiên đến trọ ở đây. Đang lúc ăn cơm, nghe tiếng khóc thảm thiết ở ngoài khu nghĩa trang vọng vào, Hương sợ quá ngất xỉu luôn bên mâm cơm.
![]() |
Nguyễn Thị Tú Oanh - SV ĐHKHXH & NV bên cạnh chậu nước vừa bơm lên có những báng mỡ nổi lềnh bềnh trên bề mặt. |
Dùng nước nhiễm mỡ người chết?
Một nghịch lý dễ thấy là dù có trạm máy nước Khương Trung cách đó không xa nhưng sinh viên, người thuê trọ vẫn phải sử dụng nước giếng khoan.
Lý giải điều này, ông Dương Đức Khoa, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình cho biết: “Từ năm 1990 trở lại đây, có một số hộ gia đình tự ý mua bán, trao đổi và xây dựng nhà ở trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp nên không dám đăng ký sử dụng hệ thống nước máy chung với một số hộ dân cư khác. Ngoài ra, do số dân của phường tăng lên tới 6 vạn trong khi trữ lượng nước của trạm cung cấp nước Khương Trung chỉ có thể cung cấp nước cho 3 vạn dân nên tình trạng thiếu nước xảy ra là điều dễ hiểu”.
![]() |
Bể lọc nước thô sơ phổ biến ở các dãy trọ sinh viên của "xóm trọ nghĩa trang". |
Quan sát quanh khu “xóm trọ nghĩa trang” hầu hết các bể lọc nước đều được xây dựng hết sức thô sơ theo kiểu bể bê tông, bên trong chứa một ít cát. Nhiều nhà “công nghệ” hơn thì xây hai bể lọc nối liền nhau, nước được bơm lên bể to trên cùng, sau khi lọc qua một lần chảy xuống bể dưới, từ bể dưới lọc thêm lần nữa mới đưa vào sử dụng nhưng nước vẫn còn màu vàng đục, trong nước vẫn còn có những hạt cát nhỏ thậm chí là loăng quăng, bọ gậy và bốc mùi rất khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, nhiều sinh viên phải tự chế ra những cách lọc nước của riêng mình.
![]() |
Nước sau khi lọc qua hai bể mà cho một vài giọt nước trà vào đã chuyển sang màu tím đậm. |
Với bộ mặt rầu rĩ, Nguyễn Thị Tú Oanh – sinh viên ĐH KHXH & NV kể: “Chủ nhà thì lúc nào cũng bảo với bọn em đây là nước máy nhưng khi leo lên bể thì hàng lớp cặn vàng dày cộm bám hai bên thành bể. Hàng ngày, muốn đánh răng rửa mặt cho kịp giờ học buổi sáng là phải “xử lý” nước từ tối nếu không thì phải chờ ít nhất 20 phút, nước mới lắng cặn. Còn nước dùng để nấu ăn thì phải mua nước tinh khiết chứ không thể dùng nước ở đây được. Bạn em trước đến ở chưa đầy một tháng đã nổi mẩn ngứa khắp người vì dị ứng với nguồn nước khiến bạn ấy phải điều trị cả tháng trời mới khỏi”.
Nhưng không phải ai trong xóm trọ nghèo này cũng có điều kiện mua được nước tinh khiết về nấu ăn như Tú Oanh. Rất nhiều sinh viên vẫn phải dùng nước giếng khoan để nấu ăn, dù vẫn biết đó là nước “cứng”. Dùng nước để nấu ăn nhưng nấu lên rồi có ăn được không lại là chuyện khác. Theo lời của một số sinh viên ở số nhà 210/207 Bùi Xương Trạch, sau khi dùng nước này để luộc rau lên không dám ăn vì rau chuyển từ xanh sang đen, cơm thì có mùi rất tanh và cũng chuyển màu. Có hôm nấu lên rồi cả phòng nhìn nhau dở khóc dở cười vì không ăn nổi. Vào những mùa dịch bệnh, nhiều sinh viên phải bỏ về quê hoặc không dám nấu ăn vì sợ dịch bệnh, thế nhưng vẫn không tránh khỏi. Chỉ mới cách đây khoảng 2 tháng, cả một dãy trọ 9 phòng đã có tới 5 phòng bị tiêu chảy, một phần do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Phần lớn sinh viên sống ở “xóm trọ nghĩa trang” đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ buộc phải chấp nhận trọ ở những vùng sâu vùng xa hầu mong có được một môi trường để yên tâm học hành. Thế nhưng, những hiểm họa về môi trường, về an ninh và nguồn nước đang ngày đêm đe dọa cuộc sống khiến cho những sinh viên nghèo ở “xóm trọ nghĩa trang” trở nên hoang mang không biết đi về đâu.
▪ Giãn nộp thuế thu nhập cá nhân đến tháng 5/2009 (09/01/2009)
▪ Tết này không “sạch” bằng tết trước? (09/01/2009)
▪ Vé tàu xe dịp Tết: Bắc dễ thở, Nam mướt mồ hôi… (09/01/2009)
▪ Hàng trăm lái xe taxi Dầu khí đình công (08/01/2009)
▪ Tổng kiểm tra xe khách, taxi ngày đầu tiên: Hàng chục trường hợp vi phạm (08/01/2009)
▪ Phận nghèo không Tết (07/01/2009)
▪ Sự thật lịch sử chỉ có một (07/01/2009)
▪ Đăng ký mã số thu nhập cá nhân quá tải vì chưa hiểu thủ tục (06/01/2009)
▪ 'Nóng - lạnh' vé tàu xe tết Bắc Nam (06/01/2009)
▪ Cần đề phòng những đợt rét đậm bất thường (06/01/2009)