* Thưa ông, vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, phác thảo diện mạo của thủ đô có gì thay đổi lớn?
- Ông PHÙNG HỮU PHÚ: Có nhiều lắm chứ! Qua sông Hồng sẽ có thêm ba cây cầu mới. Hệ thống đường vành đai sẽ được khai thông. Nhiều khu đô thị mới tiếp tục mọc lên với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ hơn. Hai bên sông Hồng sẽ được chỉnh trang, bước đầu tạo nên một thành phố “quay mặt về phía dòng sông”... Hàng loạt công trình văn hóa truyền thống được tu bổ, chỉnh trang bên cạnh những công trình được xây mới.
Nhưng tôi không hy vọng chỉ trong 5 năm tới Hà Nội có những chuyển biến toàn diện mang tính đột biến! Để có được một thủ đô như nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước mong muốn, chặng đường còn rất dài.
* Để có được sự thay đổi đó, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai hàng trăm công trình. Xin ông khái quát tiến độ thực hiện những công trình này?
- Công việc quan trọng nhất mà Hà Nội đang xúc tiến là duy tu, tôn tạo để phát huy giá trị của những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trong số gần 2.000 di tích trên địa bàn. Ở cụm công trình Văn Miếu – Quốc Tử Giám, vào đúng dịp 10-10, kỷ niệm 995 năm, di tích Hồ Văn sẽ được khánh thành. Khu Thành cổ và Hoàng thành đang được xây dựng quy hoạch, đang chuẩn bị hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Để bảo quản, tôn tạo di tích lớn này cần phải có một kế hoạch dài hơi, song hiện tại thành phố đã quyết định tạm chuyển Bảo tàng Hà Nội về Thành cổ để có điều kiện bảo quản các hiện vật tốt hơn. Và không thể không kể tới việc tôn tạo thành Cổ Loa. Đây là một dự án rất lớn sẽ kéo dài đến tận năm 2020, nhưng năm 2010 cơ bản phục dựng được những di tích quan trọng nhất và một số đoạn thành tiêu biểu.
Ngoài ra, còn hàng loạt công trình văn hóa mới cũng sẽ được xây dựng như Cửa ô phía Nam, Bảo tàng Thăng Long, tượng đài Thánh Gióng, tượng đài Thành phố vì hòa bình, tượng đài một số danh nhân lịch sử khác và hệ thống các công viên văn hóa...
* Không chỉ có các công trình văn hóa, hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố đã và đang triển khai nhiều công trình có ý nghĩa lớn đối với đời sống của nhân dân...
- Đúng vậy. Các lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu là giao thông, nhà ở và nước sạch. Có thể kể đến các công trình nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông như hoàn thiện hệ thống đường vành đai, xây dựng thêm cầu bắc qua sông Hồng, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị; xây dựng thêm các khu đô thị mới mà hướng chủ công là khu đô thị mới Bắc sông Hồng, dự án khai thác nước mặt sông Đáy, sông Hồng... Hà Nội thực sự có thể coi là một công trường lớn mà chỉ riêng việc cân đối đủ nguồn vốn đã là một thách thức rồi.
* Thưa ông, công luận đã từng chỉ ra những công trình chậm tiến độ, không đạt yêu cầu, có công trình do thiếu vốn, nhưng không phải không có những biểu hiện đầu tư không hợp lý, lãng phí, cá biệt có trường hợp “rút ruột” công trình. Ông có bình luận gì?
- Ai cũng biết rằng để bảo đảm hiệu quả đầu tư thì không chỉ cần vốn mà còn phải có đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý, tổ chức. Hà Nội vẫn còn thiếu những cán bộ giỏi, có tài và có tâm. Đó cũng là nỗi lo âu lớn của những người lãnh đạo thành phố và của tôi. Nói thực, tôi vẫn luôn lo nhiều hơn vui.
Nói rộng ra, không chỉ cho 5 năm trước mắt đâu, Hà Nội vẫn đang phải đối diện với nhiều vấn đề lớn, đó là áp lực cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập, những yêu cầu về một đô thị văn minh, hiện đại... và không phải không còn đó những bức xúc về xã hội, về tư tưởng. Tôi có cảm giác như thế này: chính trong những năm tháng gian khổ, thiếu thốn, chúng ta lại dễ dàng đạt được sự đồng thuận cao.
Bây giờ, làm được điều đó phải nỗ lực rất lớn. Không kéo gần được khoảng cách giàu nghèo, khắc phục bất công, không giữ gìn được thuần phong mỹ tục, lý tưởng sống đúng đắn cho lớp trẻ thì định hướng XHCN thiếu hẳn đi sức thuyết phục.
Nói tóm lại, phía trước còn rất nhiều, rất nhiều việc phải làm!
* Xin cảm ơn ông.
|