Sử dụng túi nylon: Dễ trước - khó sau 
Các Website khác - 15/09/2005
Công nhân Công ty Thoát nước đô thị
đang móc bao xốp trong một hố ga
trên đường Sư Vạn Hạnh.
Túi nylon đang là dang bao bì rất thông dụng. Sự tiện lợi thì dễ thấy nhưng những hệ quả để lại trong môi trường rất nghiêm trọng.
Từ siêu thị, chợ...

22.000 đồng/kg là mức giá trung bình hiện nay của các loại túi nylon dùng để đựng hàng tại hầu hết siêu thị và chợ trong thành phố. Có loại giá rẻ hơn, chỉ từ 13.000 đồng/kg đến 16.000 đồng/kg do chúng được làm bằng nhựa tái sinh. Mua 1kg túi người sử dụng có thể có được hàng trăm bọc nhỏ.

Người thành phố ngày nay đi chợ không cần đem theo giỏ hoặc làn như trước. Mua miếng thịt, bó rau, mớ tôm… hay vài trái chanh, trái ớt, người mua đều được người bán bỏ vào bọc xốp đàng hoàng. Thậm chí mua đồ ăn chín, còn đang bốc khói nghi ngút, người mua cũng không cần phải mang theo cà-mèn để đựng. Tất cả đã có túi!

Theo ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, gần như 100% tiểu thương trong chợ đã dùng bọc xốp để đựng đồ cho khách bởi ngoài giá thành rẻ, người ta còn có thể in tên tuổi, địa chỉ cửa hàng lên đó để “quảng cáo” cho cửa hàng của mình. Bà Lê Thị Tố Nữ, Trưởng ban Quản lý chợ An Lạc cũng cho biết: Cũng như các chợ khác, tiểu thương chợ An Lạc rất thích sử dụng bọc loại túi này vì rẻ, nhẹ và có thể xếp gọn.

Đến cống thoát nước, kênh, rạch

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều kế hoạch xử lý loại rác khó tiêu hủy này như đang nghiên cứu công nghệ của Đức chuyển hóa các túi nylon nói riêng và các sản phẩm polymer nói chung thành nhiên liệu dầu diezen, dầu DO (với công suất 5.000 tấn/năm thu được 4 triệu lít dầu); xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở Củ Chi…

Nhưng ít ai biết rằng hơn 50% rác thải làm tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước của thành phố là các loại túi nylon. Đó là nhận xét của ông Vương Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh. Theo ông Kiệt, các túi này không dễ phân hủy nên khi trôi vào cống là… nằm yên tại đó và gây nghẹt cống.

Hiện nay, Công ty Thoát nước đô thị TP phải lập một đội chuyên đi vớt bao nylon ở các miệng hố ga thu nước để ngăn không cho chúng trôi sâu vào hệ thống cống. Đội này thường xuyên túc trực tại các hố ga nằm gần các chợ và siêu thị, bởi kinh nghiệm cho thấy, sau khi dùng bọc xốp đựng đồ đi chợ, người dân thường có xu hướng… vứt xuống các hố ga.

Một thống kê của Công ty Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ tính riêng ở 3 quận trong nội thành (1, 3 và Tân Bình) đã có gần 50 con đường với gần 150 hố ga thường xuyên bị bít bởi rác trong đó bọc xốp chiếm tới 60%/tổng lượng rác (!).

Ngoài hệ thống cống thoát nước, các khu vực kênh, mương, sông, rạch của thành phố cũng đầy bao nylon bị xả bỏ. Công ty Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh cũng phải lập một đội chuyên đi vớt rác trên sông, kênh. Hiện nay, tại hai con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Lò Gốm, công ty đã phải vớt đến 15 tấn rác/ngày, trong đó có đến 70% là các bọc xốp. Các tuyến sông, kênh khác do các đơn vị quận, huyện đảm trách cũng trong tình trạng tương tự.

Ngược dòng...

Trong khi túi nylon được dùng và xả bỏ thoải mái như thế tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, thì trên thế giới đang có một cuộc vận động giảm thiểu sử dụng các hình thức bao bì bằng nylon. Một số quốc gia đã có hẳn một ngày không sử dụng bao nylon trong năm, còn Việt Nam lại chưa có động tĩnh gì trong việc vận động cũng như hạn chế người dân sử dụng chúng, một lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Theo nhiều ý kiến, trước hết do việc sản xuất bọc xốp… quá dễ dàng. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cơ bản có 2 loại túi nylon: túi PE và túi HĐPE, trong đó túi HĐPE khó phân hủy hơn, độc hại hơn lại được sản xuất nhiều hơn cả.

Bà Đinh Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Marketing của Công ty In Liksin cho biết, việc sản xuất túi HĐPE tương đối dễ, vốn đầu tư không lớn, chỉ cần có một máy thổi trị giá vài chục triệu đồng là có thể “thổi” ra túi nên thu hút nhiều người đầu tư vào, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Kế đó là việc nhiều người dân chưa hiểu rõ tác hại của túi nylon, còn chính quyền thành phố lại đang thiếu một cơ chế kiểm tra kiểm soát chất lượng bao bì nhựa nói chung.

Theo bà Đào Mỹ Thanh, Trưởng khoa Vệ sinh An toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, loại bọc xốp mà nhiều quán cơm hiện nay đang dùng là loại nhựa rất dễ hòa tan với các loại thức ăn giàu chất béo. Việc tiếp nhận thường xuyên các loại thức ăn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, nhẹ là đau bụng, tiêu chảy; nặng thì bị nhiễm độc chì mãn tính do chất cadimi sinh ra từ sự kết hợp giữa nhựa và dầu ăn.

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Xử lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: bọc xốp rất khó phân hủy trong môi trường và ngay cả khi chúng đã bị phân hủy thành vụn nhỏ nằm lẫn trong đất thì chúng sẽ làm cho đất bị trơ, không thể giữ được nước và độ màu mỡ.

Với một số túi làm từ chất PVC, nếu ăn phải, người và các sinh vật có thể bị mắc một số bệnh như đau nhức mình, ung thư… Nguy hiểm hơn cả, khi bị đốt ở nhiệt độ dưới 800oC, túi nylon sẽ sinh ra khí dioxin - một thứ chất vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Đầu tư rẻ - hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư; giá thành rẻ - hấp dẫn người tiêu dùng sử dụng… Với các ưu thế như vậy, nếu TP Hồ Chí Minh không có ngay các biện pháp hạn chế sử dụng hoặc hướng dẫn người dân sử dụng bọc xốp một cách hợp lý thì chẳng bao lâu thành phố sẽ tràn ngập bọc xốp. Và hậu quả thì thật khó lường!

Theo Theo Sài Gòn giải phóng