Chuyện của một gia đình có 7 người bị khiếm thị
Các Website khác - 15/09/2005

Tôi nghe chuyện về gia đình ông Hai từ những bác tài xe ôm "hay chuyện" ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Một gia đình mà bi kịch của sự mù lòa đến cùng cực, 7 thành viên trong ba thế hệ đều là đàn ông - trụ cột gia đình cùng gặp chung căn bệnh quái ác cướp đi ánh sáng, cùng ở vào cái tuổi đẹp và sung sức nhất đời người.  

Ông lão nửa đời không ra khỏi ngõ 

Tên ông là Nguyễn Văn Đua (người ta hay gọi là ông Hai), 84 tuổi, ngụ tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Những năm 50 của thế kỷ trước, ông cưới bà Trần Thị Sâu, một cô gái cùng xóm. 

Lấy nhau rồi sinh được 7 người con, ông làm nghề bỏ mối nước đá, bà với gánh cháo lòng ngoài chợ.

Soạn: AM 548372 gửi đến 996 để nhận ảnh này
40 năm bà Sâu vẫn lo cho chồng từng miếng ăn, giấc ngủ

Sinh được hai người con đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Nhưng vào năm 1956, khi người con thứ hai của ông bà hơn 1 tuổi, thì đôi mắt ông Đua tự nhiên sưng tấy lên rồi lòa dần, một mắt rồi hai mắt dần lõm sâu vào trong hốc mắt. Ông mù hẳn ở tuổi 35. Mới đầu ông cứ nghĩ đây chỉ là một loại bệnh thông thường về mắt, nên chữa cũng được mà không chữa nó cũng tự khỏi. Đến khi đôi mắt mờ hẳn, bà mới dắt ông chạy thầy chạy thuốc nhưng đều vô vọng. Tiền bạc, của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Ông vật vã hàng tháng trời trong tuyệt vọng, mặc cho sự cố gắng khuyên can của vợ.

Sau khi ông đổ bệnh, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào gánh cháo lòng của bà. Mới đầu, ông còn dò dẫm từng bước gánh hàng ra chợ cho bà, nhưng từ khi bị vấp ngã rồi bị cái đòn gánh đập vào khiến mặt sưng húp lên, ông đã ở lì trong nhà, không hề bước ra khỏi ngõ.

Bi kịch nối tiếp bi kịch

Khi người con trai lớn, anh Nguyễn Văn Hai lấy vợ có được hai mụn con thì anh cũng gặp những triệu chứng tương tự như cha mình. Ở với người chồng mù lòa được vài năm, vợ anh đã bỏ theo người khác, để lại cho chồng hai đứa con nhỏ dại. Khi ấy, anh Hai không đủ khả năng chăm sóc con nhỏ, hai đứa cháu lại đến tay bà nội.

Bi kịch vẫn không dừng lại ở đó, hết người con thứ hai, thứ ba của ông Đua đến người con thứ tư, và người con trai thứ bảy lần lượt lâm vào cảnh mù lòa. Triệu chứng ban đầu cũng tương tự như cha của họ, đôi mắt sưng tấy, lòa dần rồi mù hẳn. Anh Nguyễn Văn Anh, sinh năm 1955, là người con thứ ba của ông Đua. Sau giải phóng, Anh gia nhập lực lượng Công an. Khi đang chuẩn bị nộp hồ sơ đi học nâng cao thì đôi mắt anh dần dần tối. Cơ quan đã đưa anh xuống những bệnh viện lớn ở Sài Gòn, nhưng vô phương cứu chữa. Anh nghỉ hưu non trở về nhà và cũng giống như cha của mình, suốt một thời gian dài sau đó, anh cũng chỉ biết sống quanh quẩn trong nhà...

Đau nhất, bi kịch nhất có lẽ là câu chuyện về người con thứ bảy của ông bà. Kéo vạt khăn lau những giọt nước mắt tủi cực, bà đưa tay chỉ lên bàn thờ - trên đó là di ảnh của một thanh niên còn rất trẻ, đôi mắt sáng trong veo. Bà nói: “Thằng Út đấy. Nó tên là Nguyễn Minh Châu. Nó đẹp trai nhất nhà vậy mà nó bỏ già đi khi mới 24 tuổi”. Trong số những người con của ông bà, anh Châu bị hỏng đôi mắt vào cái tuổi trẻ nhất. Khi biết mình đã gặp phải căn bệnh giống như cha và các anh, Châu đâm ra chán nản, anh như điên như dại. Châu đã mò mẫm đi nhậu tối ngày.

Một hôm, 11 giờ đêm Châu mới trở về nhà trong hơi men nồng nặc. Một tiếng sau, Châu nôn thốc nôn tháo rồi ngất xỉu, cả gia đình nháo nhào đưa anh đi bệnh viện, dù đã cố gắng các bác sĩ cũng không thể cứu được sinh mạng của người đã không còn thiết tha với cuộc sống, ấy là năm 1988. Cho đến bây giờ, bà Sâu vẫn không hiểu con bà chết vì bệnh gì, nhưng bà cứ mang máng rằng có lẽ nó đã tự tìm cái chết chứ chẳng phải bệnh tật chi cả.

Những tưởng đến thế hệ thứ hai, bi kịch mù lòa sẽ chấm dứt, buông tha cho gia đình ông Đua. Nhưng rồi hết con của người con trai lớn rồi đến con của người con thứ hai đều mắc phải căn bệnh quái ác giống như cha, ông mình. Đến bây giờ, dù chưa có sự giải thích của khoa học, người ta cũng nghiệm rằng, căn bệnh mù lòa “tự nhiên” của gia đình ông Đua là một căn bệnh di truyền.

Chuyện về những người vợ

Bà Sâu giờ đã 78 tuổi, mái tóc bạc trắng, lưng đã còng nhưng dáng đi của bà vẫn nhanh nhẹn. Hơn 40 năm qua, bà tất tả, là người nâng đỡ, nuôi nấng cho đại gia đình và những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới...

Hết giờ bán ngoài chợ, bà lại xoay qua làm thuê, làm mướn khắp làng trên xóm dưới, không từ cả những việc nặng nhọc như đào đất hay bốc vác, hễ có việc là làm. Người trong xóm kể với tôi rằng họ vẫn không hiểu sao chỉ với gánh cháo lòng mà một người phụ nữ yếu ớt như bà lại có thể lo cho người chồng mù và 7 đứa con nheo nhóc, chưa kể khi ấy đang ở thời chiến tranh, người bình thường kiếm sống còn khó, huống hồ gia đình bà... Còn bà, bà chỉ nói đơn giản rằng: “Người ta có làm là có ăn thôi”.

Năm 1964, vợ chồng người anh thứ tư của bà bỏ nhau, người vợ lặng lẽ ra đi, người chồng ôm hai đứa con nhỏ về nhà em gái mình rồi... bỏ đi biệt xứ. Máu chảy ruột mềm, bà Sâu không nỡ nhìn các cháu bơ vơ, đói khổ. Gánh nặng lại oằn vai! Hai người con của anh Tư bà sau này đều theo cách mạng, rồi lần lượt hy sinh. Bà đứng lên với tay lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Trần Thị Xuân, mân mê trên tay, bà bảo: “Hồi đó, nó là cán bộ phụ nữ huyện. Thi thoảng nó vẫn gọi già là mẹ đấy. Nghe các anh cùng đơn vị kể lại, nó hy sinh trong một cánh rừng gần nhà... Tội nghiệp! Khi ấy con bé mới hơn hai mươi tuổi. Nó theo cách mạng hồi nào già đâu có biết. Chỉ thấy nó vắng nhà liên tục, mỗi khi tạt qua nhà lại đem về ít lương khô, ít gạo cho mấy đứa nhỏ. Đến hồi nó mất già mới hay...”. 

Lại nói về các con, bà bảo bà thương người con dâu thứ hai nhất. Mặc dù chồng bị mù từ năm 1979, thương chồng nó vẫn cam chịu, tất tả thay chồng lo cho cuộc sống của gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Được biết, chị làm công nhân, lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải cho cuộc sống của một gia đình 6 người, chị vẫn phải đi làm thêm để tăng thêm thu nhập.

Vượt lên số phận

Bây giờ, ông bà đang được ở trong một căn nhà khang trang sạch sẽ nhưng đều là nhờ hai người con gái và họ hàng gom góp mới có được...

Nhưng những người còn lại của đại gia đình ông Đua, cuộc đời vẫn còn vất vả. Người con thứ năm lấy chồng miệt Hóc Môn, nhà cũng nghèo rạc rạ. Người con thứ sáu lấy chồng ở gần nhà, khấm khá hơn nhưng vì phải “đeo” theo gia đình ngoại nên cũng khổ không kém.

Còn người con trai cả của Nguyễn Văn Anh ở một quán nước trên thị xã Thủ Dầu Một. Tôi hỏi tên, anh chỉ cười... Anh kể rằng từ khi biết mình vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng, anh cũng đã từng nghĩ đến cái chết như chú Út. Nhưng bà nội bảo phải biết quý mạng sống, đừng nghĩ quẩn, nội buồn. Anh đã xin cha mình cho đi bán vé số, nhưng ông im lặng. Những ngày đầu vào nghề anh phải nhờ mấy đứa em dắt đi, vài tuần thấy mình đã quen đường. Nhiều đêm không tìm được đường về nhà, anh phải tá túc bên vỉa hè, lều chợ, cũng không ít lần bị bọn lừa cướp cả vé số lẫn tiền. Nhưng vì bán vé số cũng kiếm được chút đỉnh tiền gửi về phụ giúp cho gia đình nên trừ những hôm ốm liệt giường, không khi nào chàng trai mù này ngơi nghỉ.

Rồi một lần đến sinh hoạt ở Hội Người mù tỉnh Bình Dương 12 năm về trước, anh gặp một cô gái có giọng nói rất ấm. Thế rồi hai người thương nhau. Vợ anh bị mù từ khi còn rất nhỏ. Ngày cưới của hai người, chỉ đơn giản một mâm cơm cúng tổ tiên nhưng đã làm cho nhiều người vui đến trào nước mắt. Hai vợ chồng thuê nhà trọ ở gần khu chợ Bình Dương và có một bé gái, còn người vợ cũng kiếm được ngày vài nghìn đồng với công việc bó chổi thuê. Cuộc sống của gia đình tật nguyền ấy những tưởng cứ thế mà sống, nghèo khó nhưng hạnh phúc. Vậy mà số phận đen đủi nào có buông tha. 4 năm về trước người vợ đột nhiên phát bệnh rồi qua đời, khi ấy con gái anh mới 8 tuổi. Từ đó ngày ngày hai cha con dắt díu nhau đi bán từng tờ vé số kiếm ăn.

Nỗi lo người mù thứ 8

Người cuối cùng tôi gặp trong gia đình ông Đua là người con trai cả của ông. Anh Hai, hiện đang sống cùng người vợ hai trong Hội Người mù tỉnh Bình Dương. Người vợ hai này chưa bị mù hẳn, nhưng đi lại vẫn phải dò từng bước. Hai vợ chồng anh Hai bây giờ làm chổi cùng với hàng trăm người mù trong Hội, mỗi ngày hai người cũng kiếm được trên dưới 20 ngàn. Vợ anh năm nay mới 37 tuổi, chị bị lòa sau một căn bệnh quái ác từ nhỏ. Hai vợ chồng anh sống trong một căn phòng chưa đến 10m2 do Hội Người mù phân cho. Tôi hỏi nhỏ anh có tính sinh con nữa cho vui cửa vui nhà? Anh cười, nụ cười răn reo: “Sinh làm gì cho nó khổ, lớn lên lại bị mù như các anh của nó mà thôi”.

Các thành viên còn lại trong gia đình ông Đua đều có chung một nỗi sợ hãi như vậy, sợ sẽ có một thành viên thứ tám bất hạnh như cha ông của chúng. Mà điều này theo suy nghĩ thông thường của gia đình ông Đua thì không thể không xảy ra.

(Theo CAND)