Tăng chuyến, giá không đổi
Các Website khác - 18/01/2006
Sự gia tăng đột biến về nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết đang đặt các đơn vị của ngành giao thông vận tải đứng trước nhiều khó khăn. Liệu các đơn vị có đủ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ?
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội: dự kiến lượng hành khách đi xe năm nay sẽ tăng từ 15 đến 20% so với Tết năm ngoái và tăng gấp đôi so với ngày thường. Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát ngày thường có khoảng 18.500 lượt khách, trong dịp Tết sẽ tăng lên từ 25 đến 30 nghìn lượt khách. Bến Gia Lâm từ 4.800 khách tăng lên đến 12.500- 14.500 khách. Bến Mỹ Đình tăng ít hơn, từ 3.000 hành khách sẽ tăng đến 7.000-8.000 khách.

Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe khách phía Nam Nguyễn Tất Thành cho biết: Hiện tại bến xe Giáp Bát có 15 quầy bán vé đi 114 tuyến đến 34 tỉnh, thành phố. Trước Tết, khách thường tập trung trên các tuyến đường ngắn đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh. Sau Tết, khách tập trung đong ở các tuyến đường dài đi Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, PlâyCu, TP Hồ Chí Minh… Do đó, xí nghiệp sẽ mở thêm các quầy bán vé cho các tuyến này, tạo điều kiện cho hành khách đi lại nhanh chóng, thuận tiện, vào 18 giờ ngày 29 Tết, xí nghiệp sẽ tổ chức lễ tiễn hành khách trên chuyến xe cuối cùng. Và sáng mồng một Tết, đón vị khách trên chuyến xe đầu tiên khởi hành vào 9 giờ sáng. Từ ngày mồng 4, mọi hoạt động của các bến xe trở lại bình thường.

Năm hết Tết đến cũng là thời điểm một số kẻ gian thường lợi dụng lấy trộm, lấy cắp tài sản của hành khách, gây mất an ninh trật tự tại các bến xe. Do đó, các xí nghiệp quản lý bến xe phối hợp trạm công an bến, công an phường sở tại kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển chất nổ, chất cháy, triệt phá các tệ nạn xã hội, kiên quyết xử lý các hiện tượng chân gỗ, cò mồi, ép khách, bắt chẹt khách, bảo đảm an ninh trật tự trên bến.

Tại bến xe Giáp Bát, Công an quận Hoàng Mại điều động thêm mười chiến sĩ phối hợp với 19 đồng chí trạm cảnh sát bến xe, tăng cường bảo đảm trật tự an ninh tại bến. Cũng từ thời điểm ngày 20 tháng Chạp, lực lượng Thanh tra Giao thông công chính mở đợt cao điểm xử lý các xe dù, xe cóc, xe chạy vòng vo bắt khách trên địa bàn thành phố.

Trước khi bước vào đợt phục vụ Tết, Công ty Quản lý bến xe đã họp với các doanh nghiệp vận tải, yêu cầu các đơn vị cam kết thực hiện ba tiêu chí. Đó là bảo đảm số lượng xe như đã đăng ký; các phương tiện sạch, đẹp, an toàn kỹ thuật ; không tăng giá vé và chở quá tải. Các lái xe, phụ xe được nhắc nhở tinh thần thái độ phục vụ hành khách, nghiêm cấm việc ép khách, ép giá, chở quá tải, "bán khách" dọc đường, chạy vòng vo đón khách gây cản trở giao thông. Mọi trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm khắc.

Do số lượng khách đi xe tăng đột biến, Công ty Quản lý bến xe phối hợp các doanh nghiệp vận tải xây dựng phương án xe tăng cường các tuyến đông khách và bố trí xe dự phòng, kịp thời phục vụ hành khách vào các thời điểm khách đông quá tải. Cụ thể, tại bến Giáp Bát bình thường có 850 chuyến xe/ngày, ngày cao điểm sẽ tăng thêm 180 chuyến. Bến Gia Lâm ngày thường có 520 chuyến, ngày cao điểm tăng thêm 70 chuyến. Bến xe Mỹ Đình bình quân có 300 chuyến/ngày, trong dịp Tết cũng huy động thêm 40 chuyến/ngày. Trạm Thanh Xuân với 30 chuyến xe/ngày cần thêm 15 xe trong ngày cao điểm.

Trung tâm Tân Đạt - đơn vị chuyên vận tải hành khách liên tỉnh của Tổng công ty Vận tải Hà Nội có kế hoạch tăng cường hai xe chạy rỗng vào TP Hồ Chí Minh để giải tỏa lượng hành khách ra bắc. Đối với các tuyến ngắn đi Hải Phòng, Hải Dương, Vinh, chỉ trong năm ngày từ ngày 22 đến 27 Tết, Trung tâm bố trí thêm 72 chuyến xe tăng cường.

Bến xe Lương Yên, một đơn vị thuộc Công ty Lương thực cấp I, mới đi vào hoạt động cũng có kế hoạch tăng cường 145 chuyến xe trong mười ngày cao điểm phục vụ Tết. Ông Lê Đình Thiện, Giám đốc Bến xe Lương Yên cho biết: các tuyến đông khách như Hà Nội đi Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An… bình thường cứ 15 phút/chuyến, trong dịp Tết sẽ tăng lên 10 phút hoặc 5 phút/chuyến. Vào những ngày cao điểm, khách đông, các đơn vị tổ chức bán vé cho nhiều xe cùng một lúc để giải tỏa nhanh chóng hành khách, bảo đảm mọi hành khách đến bến đều có xe đi trong ngày. Ngoài việc tăng chuyến xe đi các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, số chuyến xe đi các tỉnh miền trung và miền nam cũng được điều chỉnh lại như số chuyến đi Nghệ An, Hà Tĩnh tăng gấp ba lần so với ngày thường, đi Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh tăng gấp hai lần...

Về giá vé, các doanh nghiệp quản lý bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải đã thống nhất vẫn giữ nguyên như ngày thường. Cụ thể, giá vé đi Hà Giang là 76 nghìn đồng/người/lượt, đi Cao Bằng là 70 nghìn đồng, đi Yên Bái là 40 nghìn đồng, đi Tuyên Quang là 30 nghìn đồng, đi Quảng Ninh là 40 nghìn đồng, đi Phú Thọ là 22 nghìn đồng, Ninh Bình 25 nghìn đồng, Thanh Hóa 39 nghìn đồng... Giá vé các tuyến chất lượng cao đi Hải Phòng là 33 nghìn đồng/người/lượt, đi Huế là 150 nghìn đồng, đi Buôn Ma Thuột là 300 nghìn đồng, đi TP Hồ Chí Minh là 350 nghìn đồng bao gồm cả chi phí ăn dọc đường.

KIỀU HƯƠNG