Tết đến, 'xe dù' lại ồ ạt ra quân
Các Website khác - 16/01/2006

Từ 4h đến 6h30 sáng, khu vực cầu vượt Sóng Thần, giáp ranh tỉnh Bình Dương, và Thủ Đức mấy ngày nay luôn nhộn nhịp. Các loại xe nối đuôi nhau đón khách, lơ xe ào ào nhảy xuống chộp hành lý, đẩy khách lên xe, còn khách thì gọi nhau í ới...

Đoàn xe chờ đón khách mang biển số đủ các tỉnh, từ TP HCM, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng đến Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa... Nhưng tất cả đều có một điểm chung là đi Hà Nội. Và phần lớn trong số đó đều không xuất phát từ các bến xe Miền Đông, Ngã Tư Ga (TP HCM), cũng không có biển hiệu trả khách ở bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

Đây được xem là một trong những "bến xe dù" lớn nhất khu vực cận TP HCM.

Xe dù đón khách tại cầu vượt Sóng Thần, tỉnh Bình Dương rạng sáng nay. Ảnh: Việt Hùng.
Nhộn nhịp đón khách tại bến "xe dù" ở cầu vượt Sóng Thần, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Việt Hùng

Ông Nguyễn Phi Long, Phó giám đốc Công ty Quản lý bến bãi vận tải TP HCM, cho biết, đoạn đường nói trên có khoảng hơn 200 xe dù đang hoạt động gần như công khai. Địa điểm đón khách của các xe này thường tập trung tại những khu đông công nhân như: Khu công nghiệp Tân Bình, Khu CN Tân Tạo, Bình Chánh, Khu CN Sóng Thần, Bình Dương và khu vực ngã tư An Sương, ngã tư Bình Phước...

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục đường bộ, Bộ Giao thông vận tải, cũng cho biết thêm, theo khuyến cáo của Cục, tất cả các phương tiện tư nhân đủ điều kiện tham gia vận chuyển hành khách hãy cùng tăng cường tham gia trong dịp Tết. Tuy nhiên, hầu như không có xe nào đăng ký hoạt động theo hình thức này mà vẫn đua nhau chạy "xe dù".

Cơ quan chức năng bó tay, hành khách tự bảo vệ

"Chúng tôi chỉ có thể xử phạt đối với các xe dừng, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Còn nếu nhìn ngoài đường, ngay cả chúng tôi cũng khó biết đâu là xe dù", đại úy Nguyễn Văn Cảm, Đội Cảnh sát giao thông số 5, Công an TP HCM, cho biết. Theo ông Cảm, muốn xóa được "xe dù", bến "cóc", lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát khu vực phải tăng cường lưu tâm đến các loại xe này. "Chúng tôi lo tuần tra đảm bảo giao thông đã mất rất nhiều thời gian nên khó có thể quản được cả xe dù", ông Cảm nói.

Trong thời gian qua, UBND TP HCM đã ban hành nhiều văn bản “tăng cường các biện pháp giải tỏa tụ điểm xe khách trái phép và xử lý xe khách hoạt động kinh doanh bất hợp pháp trên địa bàn thành phố”. Sở Giao thông công chính TP HCM đã lập các đội thanh tra cùng lực lượng bảo vệ của các bến xe thường xuyên kiểm tra để dẹp những “bến xe di động"... Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ tạm lắng khi lực lượng thanh tra ra quân.

"Chúng tôi sẽ triển khai các đội tuần tra thường xuyên hơn trong những ngày giáp Tết", ông Lê Vĩnh Phát, Phó ban Thanh tra, Sở Giao thông công chính TP HCM, khẳng định. Còn ông Nguyễn Văn Thanh thì cho biết: "Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và Công an các tỉnh, thành phố xử lý thật nghiêm xe dù trong đợt Tết nguyên đán này. Bất cứ xe nào hoạt động chở khách không phép, hoặc vi phạm quy chế như chở quá số khách, bắt chẹt khách sẽ bị tạm giữ xe đến sau Tết mới xem xét giải quyết".

Tuy nhiên, xóa xe dù, bến cóc là một công việc rất khó khăn, "đòi hỏi các địa phương, các ngành và đặc biệt là nhân dân ủng hộ", ông Thanh kêu gọi. "Cách tốt nhất là người dân khi đi xe khách hãy vào bến xe hoặc tới các điểm đón trả khách mà Sở Giao thông các tỉnh đã cắm biển quy định để mua vé đi xe. Đó là cách tốt nhất để hành khách tự bảo vệ mình", ông khuyến cáo.

Theo Phó giám đốc Công ty Quản lý bến bãi vận tải TP HCM, cách duy nhất để phân biệt "xe dù" và xe khách là nhìn thật kỹ trên kính lái và hai bên sườn xe. Với xe khách, trên kính lái sát nóc xe có ghi rõ bến đi và bến đến, ví dụ: "Bến xe Miền Đông (TP HCM) - Bến xe Giáp Bát (Hà Nội)" còn xe dù thì chỉ có những tấm biển ghi như vậy cắm ở ngay phần dưới của kính lái để có thể "cơ động" cất đi mỗi khi nhìn thấy cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông.

Việt Hùng