Tết thời bão giá: "trăm mối tơ vò"
Các Website khác - 19/01/2009
Trong những ngày này, nhà nhà đều lo chuẩn bị để đón một cái Tết cho tươm tất. Bên cạnh những niềm hân hoan cũng có không ít lo lắng, nào là giá cả tăng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tàu xe đi lại...
Nhưng với nhiều gia đình, thiết thực và gần gũi nhất vẫn là những nỗi lo có vẻ "vụn" mà không "vặt" chút nào là quà biếu Tết, tiền lì xì, quần áo mới cho các con..., những nỗi lo ấy canh cánh bên lòng, mong có được một cái Tết đoàn viên.

Tâm lý chung của nhiều gia đình vẫn là tiết kiệm và thận trọng trong chi tiêu. Như chị Hà (Cầu Giấy) cho biết: "Tết năm nay, chị không dám chi dùng nhiều như mọi năm vì còn phải tính đến những khoản chi tiêu cho gia đình những ngày sau Tết nữa, vì nghe nói giá cả năm sau vẫn tiếp tục tăng. Nhưng có một thứ dù thế nào cũng không thể không mua là quà Tết để đi lễ Tết họ hàng".
 

Tâm lý chung của nhiều gia đình là tiết kiệm trong chi tiêu. (Ảnh minh hoạ)


Chị Thanh, nhân viên một công ty tư nhân than thở: "Đủ thứ chuyện phải lo mà chưa biết lấy đâu ra tiền. Năm nào tôi cũng có đủ quá cáp cho nội ngoại hai bên, từ trên xuống dưới. Trước Tết là sắm đồ cho các con. Giao thừa là chuẩn bị phong bao lì xì vài chục cái. Năm nay khoản nào cũng phải tính kỹ hơn. Vụ quà mua lai rai từ đầu tháng 12 những hộp bánh, thùng nước ngọt rồi. Mua rải ra như vậy cho đến gần Tết khỏi "chóng mặt".

Chuyện chuẩn bị tiền mừng tuổi với nhiều người hiện nay cũng là một nỗi lo. Việc mừng tuổi bây giờ nhiều khi đã không còn là chuyện mừng cho may mắn nữa, đã trở thành một hệ lụy không ít bi hài. Anh Tú (quận Đống Đa) kể, Tết năm trước khi đi chúc Tết, do gặp nhiều trẻ con ở một nhà người bạn, anh đã dùng hết sạch số tiền chuẩn bị sẵn để mừng tuổi. Khi đến nhà tiếp theo thì trong ví chỉ còn tiền mệnh giá loại 500.000 đồng. Trong khi 2 người bạn đi cùng đã làm xong "nghĩa vụ" thì anh vẫn cứ loay hoay không biết phải làm sao. Nhà bạn có hai đứa trẻ. Nếu lì xì mỗi đứa một tờ thì hết đứt 1 triệu, gần một tháng lương, mà không mừng thì mọi người lại cho rằng minh keo kiệt. Anh nói, rút kinh nghiệm năm nay mình sẽ đổi thật nhiều tiền lẻ, để đỡ tốn kém.

Năm nay các gia đình dù chưa vào Tết còn thêm một nỗi lo nữa là làm sao để có người trông con trong dịp Tết. Do tại Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ Tết 10 ngày, từ 23/1 (28 Tết) đến hết ngày 1/2 (mùng 7 tháng Giêng). Trong khi đó phần đông các vị phụ huynh lại là công nhân viên chức, chỉ được nghỉ Tết 5-7 ngày. Ai cũng lo lắng không biết 29, 30 gửi con ở đâu, công việc Tếtp hức tạp, nào là mua sắm, dọn dẹp nhà cửa. Rồi ngoài Tết, khi bố mẹ đã đi làm, trẻ vẫn chưa đi học, biết lấy ai trông.

Chị Thanh tâm sự: "Chị mấy hôm nay cũng rối lên vì việc đấy, may tìm trên mạng thấy nhiều lời rao trông trẻ trong dịp Tết được tung ra. Nhưng nếu may mắn tìm được chỗ gửi con ngày Tết, giá cũng không rẻ mà chất lượng dịch vụ có đảm bảo hay không thì khó mà biết. Bởi những dịch vụ này không có cơ quan nào đứng ra giám sát, quản lý, nhưng vì bận việc nên phải gửi con tại đây cũng đành tặc lưỡi " tạm tin chứ biết làm sao".

Những lo toan cho Tết năm nào cũng vậy và dường như không bao giờ hết. Nhưng gia đình nào cũng muốn tạo nên không khí gia đình vui vẻ trong mấy ngày Tết. Gia đình chị Hương sống cùng bố mẹ, nhưng anh chị đi làm cả ngày nên gia đình chỉ đông đủ trong bữa cơm tối. Tết, chị bàn với anh phải gác bỏ mọi việc lại để cả gia đình đoàn tụ trong bữa cơm tất niên. Một năm vất vả mưu sinh, bữa cơm cuối năm sẽ là làm cho bầu không khí ấm cúng, những lo toan cũng tạm lắng dịu.

Theo Giadinh.net