Tháng 1/2006, Hà Nội mới "chốt" việc đăng ký xe máy
Các Website khác - 10/12/2005

(VietNamNet) - Về việc cho hay không đăng ký xe máy trở lại ở 7 quận nội thành Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Phùng Hữu Phú yêu cầu UBND "muộn nhất đến tháng 1/2006 đánh giá lại hiệu quả việc tạm dừng đăng ký xe máy tại những quận này để quyết định tiếp tục hay không".

Soạn: AM -81808 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các điểm đăng ký xe máy luôn quá tải khi cho đăng ký xe. Ảnh: Nguyên Vũ.

Xung quanh vấn đề Bộ CA vừa ban hành thông tư 17, theo đó bỏ quy định "mỗi người chỉ được đăng ký một xe môtô hoặc xe máy" ở Hà Nội đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Dư luận xã hội đang rất quan tâm, báo chí cũng nói nhiều về vấn đề này. Tất cả, bằng những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều bày tỏ mong muốn Hà Nội tìm được quyết định đúng đắn nhất: vẫn tạm dừng hay cho đăng ký xe máy trở lại ở 7 quận nội thành.

Hàng tháng, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đều chủ trì một cuộc họp giao ban dư luận xã hội, để lắng nghe ý kiến, tìm hiểu mong muốn của nhân dân Thủ đô. Cuộc giao ban ngày 6/12 vừa qua tập trung thảo luận việc ngừng hay cho đăng ký xe máy trở lại ở 7 quận nội thành; các ý kiến rất khác nhau.

Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị Hà Nội khẩn trương bỏ quy định "tạm dừng đăng ký xe ở 7 quận nội thành". Nhóm thứ hai đề nghị kiên trì lập trường dừng đăng ký xe để giảm tai nạn, ách tắc giao thông, phát huy hơn nữa hiệu quả đã đạt được.

Luồng ý kiến thứ 3 cho rằng, nên có thời gian nghiên cứu thêm rồi mới đưa ra quyết định.

Hà Nội trong quá trình phát triển, đã, đang và sẽ còn phải đối đầu với rất nhiều thách thức cũng như mâu thuẫn. Việc giải quyết những mâu thuẫn này cực kỳ phức tạp. Trong những thách thức và mâu thuẫn này, bài toán giao thông vô cùng nan giải.

Chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn: Nhu cầu đi lại của nhân dân rất chính đáng; xe máy là phương tiện thông dụng và tiện lợi trong một thành phố nhiều ngõ ngách, đường hẹp; trình độ quản lý đô thị còn có hạn như Hà Nội. Nhưng "quá tải" ôtô, xe máy như mấy năm trở lại đây thì lại gây ra tình trạng phổ biến, liên tục ùn tắc giao thông.

Trước khi có nghị quyết 34, Thành phố có lúc lên đến 50 điểm ùn tắc kéo dài đến 3 giờ đồng hồ. Gắn với đó là tình trạng TNGT thậm chí dẫn tới tử vong. Hậu quả rất nặng nề.

Nạn ùn tắc ở Hà Nội còn tác động tới dư luận xã hội. Hàng ngày, người nước ngoài chứng kiến những cảnh như vậy trên đường phố của chúng ta, họ sẽ nghĩ sao về đất nước chúng ta? Các gia đình, nạn nhân của TNGT thì không thể nguôi nỗi đau xót...

Để giải bài toán giao thông, lãnh đạo Thành phố hết sức cân nhắc, Thành ủy nhiệm kỳ vừa rồi đưa ra 3 nghị quyết thì 1 nghị quyết về vấn đề giao thông, lập lại kỷ cương và văn minh đô thị.

UBND đã trao đổi, lắng nghe ý kiến của cơ quan tham mưu, ý kiến của dân rồi đề xuất với HĐND để ban hành Nghị quyết 34 với 9 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp "từng bước hạn chế phương tiện cá nhân", cụ thể ở đây là xe máy.

Vì biết đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của dân nên Hà Nội rất thận trọng. Một bên là nhu cầu, một bên là tính mệnh, nên đã đặt tính mệnh lên trên và dùng đến biện pháp tình thế "thí điểm tạm dừng đăng ký xe máy". Đầu tiên là ở 4 quận nội thành cũ. Việc làm thí điểm đó đã mang lại hiệu quả nhất định (Seagames 23 năm 2003 thành công tốt đẹp). Với kết quả của năm 2003 - 2004 như vậy, Hà Nội đã tiếp tục dừng đăng ký ở 3 quận tiếp theo.

Như vậy Hà Nội đã tính toán kỹ với những bước đi rất thận trọng, đầy tinh thần trách nhiệm. Và việc giảm phương tiện cá nhân không phải do Thành phố tự làm mà là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên. Ngay trong lần làm việc với Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND lần này, Bộ Chính trị đã chỉ đạo đẩy mạnh hơn vận tải hành khách công cộng, giảm dần và phấn đấu Hà Nội không có xe máy đi trong nội thành, khắc phục ùn tắc giao thông, theo Nghị quyết 13, Nghị định 14... của Chính phủ.

Việc tạm dừng đăng ký xe máy chỉ là 1 trong các giải pháp. Và bước đầu đã có những kết quả nhất định (dù chưa phải là cao nhất).

Chưa đạt kết quả cao nhất là do vẫn còn 2 quận và 5 huyện ngoại thành vẫn còn được đăng ký. Ở các tỉnh giáp gianh như Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên... cũng vẫn cho đăng ký; và như vậy việc liên thông xảy ra là đương nhiên. Rồi việc quản lý đăng ký xe máy cũng chưa tốt, dẫn đến hiện tượng "bán tên" cho người có nhu cầu đăng ký xe, gây bức xúc dư luận.

Đây là yếu kém của Hà Nội; tuy nhiên, nếu có thể khắc phục được thì Hà Nội sẽ xin phép cấp trên, xin phép Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục.

Còn nếu thực sự giải pháp giảm phương tiện cá nhân trong nội thành bằng tạm ngừng đăng ký xe gắn máy này không hiệu quả thì Hà Nội cũng sẽ mạnh dạn loại bỏ, không trốn tránh trách nhiệm.

Vì đây là vấn đề mới phát sinh, lại rất nhạy cảm, đang được dư luận quan tâm nên để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, đề nghị HĐND giao cho UBND TP.Hà Nội khẩn trương đánh giá lại một cách nghiêm túc, toàn diện, khách quan Nghị quyết 34 nói chung, đặc biệt là kết quả thực hiện quy định tạm dừng đăng ký xe ở 7 quận nội thành. Sau đó, báo cáo với Thường trực HĐND, thống nhất ý kiến rồi báo cáo Chính phủ, Quốc hội để triển khai. Muộn nhất là đến tháng 1/2006.

  • Vân Giang (ghi)