Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là giải pháp  giảm tai nạn và ùn tắc giao thông
Các Website khác - 09/12/2005
Để khắc phục tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông, TP Hà Nội cần tiếp tục hạn chế sự phát triển "nóng" phương tiện giao thông cá nhân, khắc phục những tiêu cực nảy sinh trong quá trình triển khai việc tạm dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành, thực hiện thu phí xe máy hoặc phí giao thông đô thị ngoài phí giao thông đã thu qua xăng dầu.
Là thủ đô của cả nước, thành phố Hà Nội thường được chọn tổ chức các hội nghị, sự kiện lớn, quan trọng. Trong khi đó, mật độ dân số lớn, hạ tầng giao thông đô thị còn nhỏ, hẹp, tốc độ phát triển các phương tiện giao thông cá nhân quá cao.

Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, trước đây, bình quân mỗi năm xe máy tăng 15%, ô tô con tăng 10%. Đây là điều không bình thường trong quy luật phát triển giao thông đô thị. Tất cả các phương tiện đua nhau, chen chúc trên đường không chỉ làm gia tăng tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn làm cho bộ mặt đô thị trở nên lộn xộn và nhếch nhác. Thực trạng này gây bức xúc cho người dân Hà Nội, để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp về thủ đô trong lòng du khách.

Trước tình hình này, ngày15-12- 2000, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2010, trong đó chỉ rõ: phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; hạn chế, tiến tới không để các phương tiện giao thông thô sơ và xe hai bánh gắn máy đi trong nội thành để khắc phục ùn tắc và ảnh hưởng môi trường.

Cuối năm 2002, Nghị quyết 13 của Chính phủ về các giải pháp hạn chế, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông được ban hành. Trong đó cũng nêu giải pháp tạm dừng đăng ký mô tô, xe máy tại các thành phố lớn.

Thực hiện Nghị quyết này, UBND thành phố quyết định tạm dừng đăng ký xe máy tại bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Năm 2004, quyết định này mở rộng hiệu lực tại ba quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Tây Hồ. Chủ trương này đã kiềm chế tốc độ gia tăng xe máy tại Hà Nội.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), kể từ ngày 1-9-2003 (thời điểm tạm dừng đăng ký mô-tô, xe máy tại địa bàn bốn quận nội thành) đến tháng 12-2004, trong vòng 15 tháng, có 127.685 xe mô tô đăng ký, giảm 8,7% so với 15 tháng trước đó. Mười tháng đầu năm 2005, lượng xe máy đăng ký mới giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như trước đây, mỗi ngày có 1.000 xe máy đăng ký mới, thì nay chỉ còn 300 đăng ký. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện quyết định này cũng làm nảy sinh nhiều tiêu cực như: tình trạng mua bán suất đăng ký xe máy, đi xe không chính chủ, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, gây thất thu thuế...

Để khắc phục tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông, từng bước xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, chúng tôi kiến nghị:

- Thành phố Hà Nội cần tiếp tục hạn chế sự phát triển "nóng" phương tiện giao thông cá nhân. Khắc phục có hiệu quả những tiêu cực nảy sinh trong quá trình triển khai việc tạm dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành. Thực hiện thu phí xe máy hoặc phí giao thông đô thị ngoài phí giao thông đã thu qua xăng dầu.

- Thành phố cần nhanh chóng phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Ngoài việc củng cố hệ thống xe buýt, Hà Nội cần tập trung mọi nguồn vốn triển khai thêm một số loại hình vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, đường sắt trên cao...

- Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông như các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, các cây cầu bắc qua sông Hồng, để tách giao thông quá cảnh và giao thông liên vùng ra khỏi giao thông nội đô, giảm mật độ xe ở khu vực trung tâm thành phố. Trước mắt, nhanh chóng hoàn thành các dự án xây dựng các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm như các nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa, đường đê Nguyễn Khoái-Ô Đông Mác. Năm 2006 có kế hoạch tổ chức lại giao thông khi các cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì đi vào hoạt động.

- Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Các ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn chỉnh, cập nhật, chi tiết hóa quy hoạch giao thông, thực hiện quản lý và phát triển theo quy hoạch.

Nguyễn Việt