Hà Nội không cần xe máy?
Các Website khác - 09/12/2005

Hà Nội không cần xe máy?
Lưu Quang

"Với một thành phố như Hà Nội thì không nên có xe máy..." - hôm qua, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo mạng, một vị lãnh đạo TP.Hà Nội đã nói như vậy. Câu nói này ngay lập tức như giọt nước tràn ly, làm dấy lên cuộc tranh luận vốn đã rất sôi nổi tại HN những ngày qua xoay quanh chủ đề: Có nên bãi bỏ quy định tạm dừng đăng ký xe máy? Dự kiến hôm nay, Hội đồng Nhân dân TP sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Vì sao Hà Nội lại không cần xe máy? Theo vị lãnh đạo này, vì "những người tham gia giao thông bằng ôtô có ý thức khác nhiều. Xe máy có thể đi lên vỉa hè, chứ ôtô thì không. Theo tôi, thành phố muốn đẹp, hiện đại, chúng ta nên chuyển hướng tham gia giao thông công cộng và sử dụng các phương tiện giao thông hiện đại...".

Không hiểu người dân Hà Nội nghĩ gì khi nghe những lời trên? Nếu xét về mong muốn biến thủ đô Hà Nội thành một thành phố văn minh, hiện đại, chắc hẳn mỗi người dân Hà Nội cũng mong muốn cháy bỏng không kém gì vị lãnh đạo kia. Ai mà chả mong ước đến một ngày lưu thông trên đường sẽ chỉ có ôtô chứ không còn xe đạp, xe máy. Đường sá sẽ thông thoáng, không còn ùn tắc, úng ngập, khói bụi, tiếng ồn... Nhưng đó chỉ là mong muốn mà thôi.

Còn bức tranh giao thông Hà Nội hiện nay lại hoàn toàn khác, lộn xộn, chật hẹp, manh mún hơn nhiều. Theo số liệu thống kê, mỗi kilômét đường nội thành Hà Nội phải gánh tới 435 ôtô và 4.520 xe máy. Toàn thành phố lại chỉ có hơn 350km đường cho hơn 3 triệu người dân. Mới chỉ có 13% người dân Hà Nội di chuyển bằng đi bộ, 15% sử dụng ôtô (gồm cả xe buýt). Hơn 63% dân số Hà Nội vẫn sử dụng xe máy.

Hiếm nơi nào mà số lượng xe máy đăng ký còn lớn hơn số cư dân trưởng thành (1,6 triệu). Chẳng thế mà rất nhiều báo chí nước ngoài đã gọi Hà Nội là "thủ đô của xe máy" (còn trước đó một - hai thập kỷ là "thủ đô của xe đạp").

Ai cũng biết, nhiều xe máy sẽ dẫn tới tắc đường, tới tai nạn giao thông (64% tỉ lệ các vụ tai nạn là do xe máy gây ra)... Nhưng trong điều kiện kinh tế, hạ tầng, quy hoạch giao thông đô thị ở ta hiện nay, không thể phủ nhận một thực tế rằng chiếc xe máy vẫn là phương tiện thân thiết nhất, gần gũi nhất, tiện lợi nhất của đa số người dân. Và việc bỏ xe máy để thay thế bằng những phương tiện khác phải là một quá trình dần dần, chứ không thể ngay một lúc.

Vì thế, không thể nói một cách đơn giản rằng Hà Nội không nên có xe máy, không cần xe máy. Chủ trương không cho dân đăng ký xe máy, trước khi bàn đến việc có vi hiến hay không, có đạt hiệu quả hay không, thì rõ ràng đã động chạm, ảnh hưởng rất trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo người dân hiện nay.

Không phải vô cớ khi được hỏi ý kiến, hơn 80% dân Hà Nội cho rằng chủ trương không cho đăng ký xe máy là một chủ trương không đúng. Rất mong lãnh đạo thành phố Hà Nội hãy lắng nghe dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.