Chuyện thật “hiếm có, khó tìm” xảy ra giữa vườn cỏ thẳng tắp trên đường Phạm Hùng, trước mặt trung tâm Hội nghị Quốc gia vừa khởi công...
Một đàn vừa bò, vừa trâu, vừa bê, nghé dễ tới hơn 100 con, sau khi đã ăn căng bụng, liền “dung dăng, dung dẻ” qua đường dưới sự hướng dẫn của hai thanh niên “chân đất”! Có tới cả chục chiếc xe máy và nửa tá ô tô bị đàn trâu, bò “bao vây”. Thật lạ! Trâu bò ở đâu ra mà nhiều thế!
Đàn bò vào thành phố
Chủ đàn bò đó là Nguyễn Văn Sáu (người ta hay gọi ông là “Sáu bò”), năm nay 70 tuổi ở phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội). Đàn bò của ông đang sang đường để về “chuồng”! Gọi là chuồng, nhưng thực chất chỉ là mấy cái lều cắm trên bãi lầy đằng sau siêu thị Big C. Dọc đường xuống chuồng, phân bò, trâu giăng kín đường. Thời tiết mùa hè oi bức, mùi hôi xông lên nồng nặc. Đợi cho bò về đến chuồng, “Sáu bò” ung dung “cưỡi” xe máy về nhà!
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2000, khi tình cờ, ông phát hiện ra những cánh đồng được Hà Nội quy hoạch nhưng chưa xây dựng, đang để hoang, cỏ mọc um tùm. Vốn là nông dân ở huyện Thanh Trì, được đền bù đất mà được lên phố ở, ông Sáu vẫn không quên cái nghề chăn bò “cha truyền con nối” chục năm về trước. Ông Sáu lập tức huy động tất cả nguồn vốn của gia đình đi mua trâu, bò về thả nuôi. Lúc đầu là 20 con rồi lên 50 con. Thời điểm cao nhất là 200 con. Và trang trại có một không hai của ông đã hình thành trên những cánh đồng hoang giữa lòng Hà Nội.
Ban đầu, dân phường Trung Hòa, Yên Hòa rất ngạc nhiên khi thấy giữa cánh đồng bỏ hoang xuất hiện hàng trăm con trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ cứ như có ai phù phép! “Sáu bò” bắt đầu nuôi trâu, bò từ năm 2000, cho đến nay ông đã mua về và bán đi hàng ngàn con. Cứ có ai đến mua mà được giá là ông bán. Có con bò ông mua về vỗ béo hơn một tháng bán lãi được trên 1 triệu đồng, cũng có con lãi đến một nửa. Nhưng tính trung bình mỗi một con trảu, bò một tháng cho lãi từ 200.000 - 300.000 đồng. Thị trường chủ yếu là Hà Nội. Mỗi tháng các chủ lò mổ ở đây phải mua của ông từ 20 - 30 con. Mỗi năm thu từ 150 - 200 triệu đồng.
Để trông coi, “Sáu bò” thuê 4 người cháu ở quê vợ (Thanh Hóa) ra Hà Nội chăn bò ban ngày. Ông cũng nuôi gần 100 con chó canh chuồng bò, đề phòng trộm cắp vào ban đêm. Làm một cái “quán cóc” tạm bợ ngay vệ đường, cách chuồng bò 20 m bán nước ban ngày cho dân xây dựng xung quanh và ban đêm cho các cháu ngủ luôn ở đó để trông bò. Ông cũng dựng hàng chục túp lều trên nóc chuồng bò để đàn chó ngủ coi bò. “Sáu bò” bảo rằng: “Tuy không phải đất nhà mình, nhưng cứ chăn nuôi, khai thác “tẹt ga”. Khi nào người ta dùng đến thì mình trả, chuyển trang trại chỗ khác. Suốt từ đường Trần Duy Hưng xuôi xuống Hòa Lạc, men theo đường Phạm Hùng xuống tận đường cao tốc Thăng Long, rồi các cánh đồng quanh sân Mỹ Đình có hàng ngàn ha ruộng bỏ hoang thế này... Cô xem Hà Nội đến bao giờ mới quy hoạch hết. Cỏ tốt và nhiều chất dinh dưỡng, trâu, bò suốt ngày được ăn no làm gì mà không chóng béo!”.
Nông dân hóa “thị dân”
Khi đàn bò đã “về chuồng” với những cái bụng tròn căng, “Sáu bò” mới chậm rãi kể về cuộc đời từ nông dân thành thị dân, rồi lại trở về với gốc gác của mình. 10 tuổi đã phải đi cày thuê, cuốc mướn. Những lúc nông nhàn thì theo cha đi khắp nơi mua trâu, bò mang về vỗ béo rồi bán. Cha ông bảo cứ chọn con trâu nào gầy còm, ốm yếu, rẻ thì mua, nhưng phải biết con ấy về tay mình nuôi sẽ chóng lớn, khỏe mạnh. Lớn lên, ông đã lấy nghề nuôi trâu bò làm nghề chính, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 5-10 con trâu, bò!
Khi xã lên phường, Hà Nội mở rộng, cũng đồng nghĩa với việc mất ruộng đất! Ông không còn ruộng cấy và không còn chỗ để nuôi trâu, bò. Nhận khoản đền bù, ông mua được nhà ở phố và đi vào buôn bán. Mặc dù buôn bán cũng có lãi to lãi nhỏ, nhưng ông không thích môt chút nào, chỉ muốn được đi chăn trâu, chăn bò... Hơn nữa, đây là nghề của cha ông truyền lại, chính nó đã đem lại cho gia đình ông cuộc sống ấm no. Bản thân ông được nổi danh là “Sáu bò”! Bây giờ quay trở về nghề chăn bò, đã trở thành ông lão, nhưng ông lại thấy khỏe ra, thích được gọi là “lão trượng”.
Người mình có tính hay bắt chước. Nhìn thấy lão trượng “Sáu bò” hái ra tiền từ cánh đồng hoang của quận Cầu Giấy, người dân xung quanh cũng nổi máu “nông phu”. Học theo “Sáu bò”, ở Mỹ Đình có 4 đàn nhỏ của các ông Trương, Minh, Bin, Bắc với gần 100 con . Ở Mễ Trì có 2 đàn của Chính và Biên “con” với gần 200 con bò.
Ông Trương ở xóm Tâm Mỹ (Mỹ Đình) đã có thời điểm nuôi đến 200 - 300 con, cho biết: “Từ khi làm sân vận động Mỹ Đình, mất thủy lợi, nước không thoát ở đâu được, mưa một lúc là ngập trắng đồng, nhà tôi có đến hàng mẫu ruộng nhưng không trồng cấy được, bỏ hoang cho cỏ mọc, nhà nước cũng đã thu hồi đến đâu! Xã tôi xưa chuyên đóng gạch! Khi nhà nước không cho đóng nữa chẳng biết làm gì. Thấy người ta nuôi bò có lãi mình cũng mua một con về nuôi thử, thế rồi trở thành anh chăn bò giữa phố. Tôi ít khi chăn trên các cánh đồng bỏ hoang vì phải lội ruộng đuổi bò, vừa mệt lại bẩn chân! Tôi thường chọn các khu đất đã có chủ quây rào sắt khép kín. Cỏ ở đây còn tốt hơn ở cánh đồng hoang nhiều. Nếu cỏ trụi, tôi chỉ việc dắt bò ra các vườn cỏ cấy giữa hai bên các con đường mới mở quanh sân Mỹ Đình! Có biết bao vườn cỏ chạy dài xanh mượt! Cho nên về diện tích nuôi, về thức ăn là không phải lo nghĩ gì cả, cứ vứt bò ra giữa đồng mà thu lời!”.
Chăn bò giữa phố “sướng” hơn ở quê!
Theo anh Minh, cháu của “Sáu bò”: Chăn bò ở phố sướng hơn ở quê vì không phải đi cắt cỏ, hay cho ăn thêm loại thức ăn nào. Nếu là ở quê, chỉ nuôi một con bò đã quá vất vả, suốt ngày phải chăn dắt không thì bò phá lúa mạ, hoa màu của người ta. Mà ở quê, đường ra cánh đồng giờ cũng đã “bê tông hóa”, chỗ nào có cỏ thì đã bị cắt trụi tận gốc. Nhưng ở phố, hàng ngày đi chăn hàng trăm con bò vẫn thấy sướng”! Sáng ra , bò tự ra đồng ăn, trưa lại dẫn nhau về chuồng, đến chiều mát lại đi ăn, chúng tôi chỉ việc ngồi trong quán cóc nhìn ra. Nếu thấy đồng nhà cỏ trụi, thì lại dắt bò qua phố, đi chăn đồng xa”.
Khi đi chăn đồng xa hay trên các vườn cỏ chạy dài ở các tuyến đường mòn mở quanh SVĐ Mỹ Đình... anh Minh chỉ việc ngồi trên xe máy dẫn con đầu đàn đi trước, cả đàn bò sẽ lầm lũi đi theo. “Bí quyết nuôi bò giữa phố của ông Sáu là phải nuôi một con bò đầu đàn to lớn, biết nghe lời chủ” - anh Minh nói.
Nhiều khi cỏ trên các cánh đồng tốt um tùm, đàn bò thi nhau gặm một lúc là căng bụng. Mà ở giữa các cánh đồng hoang lấy đâu ra cây bóng mát để tránh nắng! Thế là nhiều con “lên đường” đến các gốc cây trên đường phố “ngồi mát”! Có con còn lang thang trên đường phố ngắm người, và xe! Anh Minh cũng vào luôn quán cóc ven đường uống nước! Khi bò có chuyện gì là cầm roi ngồi trên xe máy để đuổi bò cho tiện!
(TT&VH)
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ “Bầy cừu” ăn xin và kẻ chăn dắt (16/08/2005)
▪ Nhân viên thu phí đỗ ôtô liên tục bị đánh (16/08/2005)
▪ Lại một quả trứng gà khác thường ở Hà Nội (16/08/2005)
▪ Tăng thuế thuốc lá, giảm 1.000 ca tử vong/năm (15/08/2005)
▪ Thực hiện công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe (16/08/2005)
▪ Quê tôi từ khi có Ðảng (16/08/2005)
▪ Miền tây Nghệ An qua lũ quét (16/08/2005)
▪ Chuyện ở thị trấn Bần (16/08/2005)
▪ Về Cách mạng Tháng Tám (16/08/2005)