Vua đúc đồng đất Hà Thành
Các Website khác - 16/08/2005
Ông Khang bên một số tác phẩm
của mình.
Nghệ nhân Lê Khang (Hà Nội) là người có bàn tay vàng trong việc đúc đồng. Ông là tác giả của nhiều tượng và sản phẩm nổi tiếng.
Năm 1997, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp. Ban tổ chức mong muốn đồ lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị phải vừa đẹp vừa thể hiện được thông điệp về nghìn năm văn hiến của nước ta. Cuối cùng hai biểu tượng bằng đồng: Khuê Văn Các và trống đồng Đông Sơn được chọn và giao cho ông Lê Khang (ngõ 82 Hàng Khoai) chế tác.

Nhưng bảng thành tích của ông đáng nể hơn với các tác phẩm: Tượng Hồ Chủ tịch và Quốc huy đặt tại Văn phòng Chính phủ; tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đoạt giải "Tinh hoa Việt Nam"; Quần thể tượng "Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"; Các bức tượng tại Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Mỹ thuật...

Ban đầu, ông Khang chỉ là giảng viên luyện kim của trường Trung cao cơ điện. Tại đây, ông thực hiện nhiều công việc của kỹ sư như: tăm-bua ô tô đúc liền gang và sắt, đúc quả nghiền xay xát bằng gang già, pitton ô tô bằng nhôm. Từ công việc đúc đồng mang tính kỹ thuật, ông chuyển sang nghiên cứu, tìm tòi đúc đồng nghệ thuật truyền thống. Ông tự trang bị cho mình nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, hội họa. Chẳng bao lâu ông cho ra đời những tác phẩm đầu tiên và đem ký thác ở các cửa hàng lưu niệm. Dấu chân ông đã từng dừng ở hầu hết các làng nghề đúc đồng nổi tiếng: Ngũ Xã, Đại Bái, Nôm, Thanh Hóa, Huế. Vốn liếng hòm hòm, ông mở xưởng đúc riêng.

Khi các làng nghề đua nhau phát triển, Bảo tàng Mỹ thuật đến đặt ông tái tạo 20 tượng thạch cao thành tượng đồng với yêu cầu khắt khe: đúc xong sửa chữa; giữ nguyên khối hình, đường nét; bảo đảm 20 mầu đồng khác nhau, không trùng lặp. Ông tập hợp thợ và đem hết tài nghệ ra thi thố. Sau hai năm kết quả cả 20 tượng: "Giải phóng Điện Biên”, "Võ Thị Sáu”, “Tiếng cồng Tây Nguyên", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"... được nghiệm thu và đánh giá cao.

Tiếng lành đồn xa, Bảo tàng Cách mạng vận động "Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân" và ủy thác cho ông đúc. Các pho tượng bán thân danh nhân Hải Thượng Lãn Ông, Tôn Thất Tùng, Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố... do ông đúc đều đạt tiêu chuẩn “tinh, khí, thần".

Vào tuổi 60, ông Khang dược tặng danh hiệu "Bàn tay vàng", "Nghệ nhân Hà Nội" và trong giới chơi đồ đồng và dân gian, người ta tôn xưng ông là "Vua đồ đồng". Chả thế mà, nhà thờ Nam Định và Thiền Viện Trúc Lâm đều mời ông đến làm tượng: Tượng Thiên Chúa cao 3 mét, nặng 5 tấn đúc liền khối và tượng Phật A di đà phát quang 7 mầu tự nhiên.

Năm 2003, chuyên gia khảo cổ người Australia đặt ông đúc chì 100 binh lính, tướng quân của cả hai phía trong trận Wateloo. Mới đây, ông quay lại đặt tiếp 20 bộ chân bàn có bánh xe, kiểu châu Âu thế kỷ 17, chất liệu đồng vàng. Con trai ông Lê Hồng Thắng vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là tôi giao ngay cho xưởng đồng ở An Dương.

Chung quanh những bức tượng huyền bí, chứa đựng bí truyền, người thợ ở tuổi "lục thập” còn nặng lòng với nghề nóng, nắng, nặng, nhọc, đất, cát khói, bụi trăn trở: "Nhu cầu của xã hội là động lực chính cho các làng nghề phát triển. Nghề đồng sẽ làm sống lại những trang sử thiêng liêng hào hùng của đất nước. Tiến tới 1000 năm Thăng Long, tôi ước mong Hà Nội sẽ có tượng đồng của Bác Hồ”.

Theo Hà Nội mới