Người mê đồng hồ cổ
Các Website khác - 16/08/2005
Anh Đỗ Như Ngọc (TP Hồ Chí Minh) là người say mê đồng hồ cổ. Bộ sưu tập của anh hiện đã lên tới 300 chiếc.
Mười bảy tuổi rời nhà lang thang, tiếng gõ nhịp đồng hồ trôi vào ký ức tuổi thơ. Nhưng lúc ấy, trong tiềm thức anh bắt đầu hình thành mong muốn mãnh liệt: được sở hữu "tiếng động của thời gian". Vài chục năm sau, anh được xếp vào danh sách những người có bộ sưu tập đồng hồ lớn nhất châu Á. Anh là Đỗ Như Ngọc, thành viên của Hội sưu tập đồng hồ lớn thế giới.

Trong thế giới quả lắc

Căn nhà của anh Ngọc (129B, Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) không chỉ là nơi ở mà còn là một viện bảo tàng nhỏ với bình gốm, lồng chim, quạt, liễn, cuốn thư, các loại tượng và đặc biệt là bộ sưu tập đáng nể gồm 300 chiếc đồng hồ. Đồng hồ treo tường kín cả bức tường phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, cầu thang... Cứ một giờ thì căn nhà anh lại rộn vang chuỗi âm thanh liên hoàn của hàng trăm tiếng đồng hồ.

Bộ sưu tập đồng hồ của anh Ngọc có nhiều niên đại, kích thước và dáng vẻ khác nhau, không chiếc nào giống chiếc nào. Những đồng hồ loại đứng gây ấn tượng là chiếc đồng hồ tính theo chu kỳ mặt trăng của Pháp sản xuất vào năm 1840. Đồng hồ của Đức 1.000 ngày lên giây một lần, đồng hồ tráng men sứ, hoa văn rất tinh xảo, mặt đồng hồ có tất cả các múi giờ trên thế giới, đồng hồ đếm niên đại, thế kỷ...


Hầu hết những chiếc đồng hồ treo tường của anh Ngọc đều là sản phẩm của những hãng danh tiếng như Schaff, Kem, Kendo, G của Đức, Hamilton của Mỹ... Thùng đồng hồ được làm từ gỗ sồi, gỗ teck hoặc gỗ gõ. Quả lắc đồng hồ có nhiều kiểu dáng lạ mắt như quả lắc hình đàn guitar, quả lắc có hình Joséphine (vợ Napoléon Bonaparte), quả lắc có hoa trang trí cổ điển... Đáng chú ý trong bộ sưu tập là những chiếc đồng hồ cúc cu nhỏ xíu của Nhật Bản, Đức... làm thủ công rất ngộ nghĩnh. Cứ đến tròn một giờ là một chú chim cúc cu hiện ra hót và một dàn vũ nữ cùng nhảy múa; chiếc khác thì có hai người gác cửa đang uống bia, một tiếng gõ là một lần chạm cốc.

Chỉ một chiếc đồng hồ khác cao gần 2 mét hình cây đàn guitar, anh Ngọc cho biết đây là chiếc đồng hồ sản xuất năm 1845 được anh mua tại một buổi bán đấu giá ở Paris với giá hơn 117 triệu đồng và đó cũng là chiếc đồng hồ đắt tiền nhất trong bộ sưu tập.

Tìm sự đồng cảm và đồng điệu

Nhà sưu tầm đồng hồ cho biết anh bắt đầu thú sưu tầm cách nay 15 năm. Anh thường lang thang nhiều nơi tìm tòi và ngắm nghía những chiếc đồng hồ mình ưng ý. Anh tâm sự: "Không phải chiếc đồng hồ nào mình cũng mua được. Nhiều lúc phát hiện thấy một chiếc đồng hồ độc đáo trong nhà một người không quen biết, mất ăn, mất ngủ vì nó nhưng cũng phải kiềm chế, từ từ tìm cách làm quen với người chủ để thuyết phục họ. Cũng có những trường hợp oái oăm, mình thích chiếc đồng hồ duy nhất ở nhà một người bạn và không dám trả giá để mua nó. Lúc tưởng chừng không còn chút hy vọng nào nữa thì người bạn ấy lại tự nguyện mang đồng hồ sang biếu không cùng với nhắn nhủ: ông giữ chiếc đồng hồ này tốt hơn tôi".

Mười lăm năm sưu tầm đồng hồ, anh tìm được sự đồng cảm của những nghệ nhân vô danh thiết kế đồng hồ, âu cũng là triết lý sống: cái tồn tại trên đời không phải là danh lợi mà là những hữu ích cho đời. Những lúc ngắm nhìn những chiếc đồng hồ yêu quý, anh Ngọc lại cảm thấy trái tim mình và nhịp gõ đồng hồ như đồng điệu với nhau. Nghe tiếng tích tắc của đồng hồ, anh càng thêm quý từng giây phút của cuộc sống, đời người.

Theo Theo Sài Gòn tiếp thị