Thế giới nỗ lực chống cúm gia cầm
Các Website khác - 27/09/2005
Cúm gia cầm nguy hiểm ở chỗ căn bệnh này bùng phát và lây lan nhanh trên diện rộng ở các đàn gia cầm và lây sang cả người, làm gần 60 người chết trong hai năm gần đây ở châu Á. Lo ngại nhiều nước trên thế giới chưa sẵn sàng đối phó với dịch cúm đã vượt phạm vi kiểm soát của quốc gia và mang tính toàn cầu, Liên hợp quốc đã đưa ra kế hoạch mới chống cúm gia cầm; kêu gọi các nước kiểm soát và phòng ngừa sự bùng phát dịch bệnh này.
Diễn biến cúm gia cầm ở các nước

Cúm gia cầm là một căn bệnh lây nhiễm ở gia cầm, do virus cúm A gây ra. Căn bệnh này, lần đầu được xác định ở Italy hơn 100 năm trước đây, ngày nay xuất hiện trên toàn cầu.

Theo các nhà khoa học, có ít nhất 15 loại virus cúm tác động các loại gia cầm. Cho đến nay, tất cả các đợt bùng phát cúm gia cầm ở các nước trên thế giới đều do virus cúm A, loại H5 và H7 gây ra. Trong số 15 loài virus cúm gia cầm, H5N1 được coi là nguy hiểm nhất. Nó đã biến đổi nhanh chóng, rất khó kiểm soát, không những làm người chết mà còn có khả năng giết hại một loạt loài khác, trong đó có loài gậm nhấm và các loài động vật như lợn, hổ và mèo.. Loại virus này có khả năng tồn tại trong phân gà và thịt của những con gà đã chết, không cần đến môi trường máu và tế bào sống.

Các loài chim di cư bơi dưới nước, phần lớn là loài vịt hoang, là nguồn mang các virus cúm gia cầm, nhưng chúng có thể kháng lại sự lây nhiễm. Các loại gia cầm, bao gồm gà, gà tây, vịt, ngỗng, thường dễ bị nhiễm virus cúm gia cầm và phát triển mạnh thành dịch bệnh. Sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các loài chim di cư với các loại gia cầm thường gây ra dịch cúm gia cầm. Các chợ bán gia cầm sống góp phần đáng kể làm cho dịch cúm gia cầm lan rộng.

Ngoài khả năng lây lan cao qua đường tiếp xúc, virus cúm gia cầm thường có thể sống sót thời gian dài trong môi trường, đặc biệt là ở môi trường nhiệt độ thấp. Nếu thiếu các biện pháp kiểm tra, giám sát, dịch cúm gia cầm có thể kéo dài hàng năm. Ở Mexico, thí dụ, dịch cúm gia cầm do virus H5N2 gây ra năm 1992 đã kéo dài tới năm 1995 mới được kiểm soát.

Virus cúm gia cầm thường không tác động các loài khác ngoài gia cầm và lợn. Trường hợp đầu tiên lây nhiễm virus cúm gia cầm sang người được xác nhận ở Hồng Công năm 1997. 18 người đã bị nhiễm virus cúm gia cầm H5N1, loại virus gây viêm đường hô hấp ở người, trong đó sáu người đã chết. Việc xuất hiện các người bệnh bị cúm H5N1 diễn ra trong thời gian trùng hợp với dịch cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra ở gia cầm và bùng phát mạnh ở Hồng Công. Ðến tháng 2-2003 lại bùng phát một đợt cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra ở Hồng Công làm hai người nhiễm bệnh trong cùng một gia đình, những người đã đi du lịch đến miền nam Trung Quốc, nơi dịch cúm gia cầm bùng phát. Một trong hai người nói trên đã chết.

Ngoài H5N1 còn có hai loại virus cúm gia cầm khác mới đây gây bệnh ở người. Sự bùng phát loại virus cúm gia cầm H7N7 ở Hà Lan tháng 2-2003 gây ra cái chết của một người làm công tác thú y hai tháng sau, và làm 83 người khác nhiễm bệnh. Các trường hợp trẻ em ở Hồng Công được phát hiện nhiễm virus cúm gia cầm H9N2 vào năm 1999 và giữa tháng 12-2003. H9N2 không gây bệnh cao ở các loài chim. Tháng 1-2004, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm khẳng định virus H5N1 gây ra bệnh viêm đường hô hấp nặng ở người tại một số tỉnh ở miền bắc Việt Nam. Các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái-lan, Cam-pu-chia, Indonesia, Nhật Bản và Lào có hơn 100 người bị nhiễm từ gia cầm. 54 người ở các nước châu Á bị căn bệnh tác động đã chết do nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 trong hai năm 2003 - 2004. Năm 2005, bệnh cúm gia cầm tái phát ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái-lan, Indonesia , Nhật Bản; bùng phát ở Nga, Kazakhstan, làm bốn người Indonesia chết vì căn bệnh này, ba người khác phải nhập viện.

Cuộc khủng hoảng cúm gia cầm bùng phát và lây lan trên diện rộng tác động tới sự tăng trưởng kinh tế, lấy đi của các nền kinh tế bị tác động hàng tỷ USD và gây chấn động thị trường thế giới. Hơn hai năm qua, dịch cúm gia cầm đã giết chết 140 triệu gia cầm, làm thiệt hại cho châu Á khoảng 10 tỷ USD. Hai công trình nghiên cứu của Trường đại học Nottingham (Anh) và Ngân hàng Montreal (Canada) công bố ngày 18-9 cho rằng dịch cúm gia cầm sẽ gây nên một thảm họa về kinh tế ở Anh và trên toàn thế giới. Hai công trình nghiên cứu này khẳng định việc xảy ra đại dịch cúm gia cầm là không tránh khỏi, gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh 95 tỷ bảng, làm mất ít nhất 900 nghìn việc làm ở nước này và sẽ tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu như cuộc suy thoái trong những năm 1930.

Cho đến nay, các nhà khoa học chưa phát hiện trường hợp virus H5N1 nào lây từ người sang người. Nhưng các nhà khoa học lo ngại với đặc tính dễ biến đổi từ chỗ là một loại virus ở gia cầm virus H5N1 có thể kết hợp với một loại virus cúm người và gây bệnh ở người. Khi đó, một đại dịch cúm ở người bùng phát là điều có khả năng xảy ra.

Những kinh nghiệm và kế hoạch mới chống dịch cúm gia cầm

WHO mới đây đã lên tiếng kêu gọi các nước trên thế giới khẩn trương lập kế hoạch hành động nhằm đối phó với khả năng bùng phát dịch cúm gia cầm mới trên phạm vi toàn cầu. Các phòng thí nghiệm của WHO đang nghiên cứu tìm vaccine chống virus H5N1. WHO cũng làm việc với các hãng sản xuất vaccine lớn nhằm sản xuất ra loại vaccine chống lại loại virus cúm gia cầm tác động cả người này.

Cuối năm 2004, Bộ trưởng Y tế 13 nước châu Á ( mười nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) đã nhóm họp, cam kết xây dựng kế hoạch hành động để nghiên cứu sản xuất vaccine, xét nghiệm chẩn đoán cho người và chỉ đạo nghiên cứu khẩn cấp để cung cấp thông tin thêm về virus H5N1. Ðầu tháng 7 vừa qua, các cơ quan của LHQ gồm WHO, FAO và Tổ chức thế giới về sức khỏe động vật (OIE) đồng tổ chức hội nghị ba ngày về virus cúm gia cầm. Hội nghị đã đưa ra kế hoạch mới nhằm ngăn chặn sự lan rộng virus H5N1 từ gia cầm sang người; kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp tài chính và kỹ thuật cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Kế hoạch mới của LHQ nhằm vào các cơ sở nuôi gia cầm quy mô nhỏ ở châu Á, nơi phát sinh tới 80% các trường hợp cúm gia cầm. LHQ hy vọng bắt đầu chiến dịch giáo dục quy mô lớn trong những khu vực bị cúm gia cầm tác động, với sự giúp đỡ của các chính phủ trong vùng. Nông dân sẽ học cách chăn nuôi các loại gia cầm có nguy cơ mắc bệnh cao, các biện pháp vệ sinh cơ bản cũng như tầm quan trọng của việc cách ly gia cầm theo các loài khác nhau; cách ly các cơ sở chăn nuôi bị nhiễm bệnh và tiêu hủy những gia cầm bị lây nhiễm hoặc các đàn gia cầm có khả năng nhiễm bệnh; phun thuốc diệt trùng; ngừng vận chuyển gia cầm và trứng từ các vùng bị nhiễm bệnh sang các khu vực khác. Các chuyên gia kêu gọi các nước bị tác động tăng cường dùng vaccine cho gia cầm và khuyến khích nông dân thông báo về sự bùng phát dịch cúm gia cầm. Mặc dù chiến dịch ngăn chặn cúm gia cầm ở các nước châu Á cần chi phí lớn, khoảng 100 triệu USD trong ba năm, nhưng LHQ khuyến nghị các chương trình tích cực cần được tiến hành ở những khu vực bị tác động, kể cả các biện pháp hỗ trợ tài chính cả gói của chính phủ cho người chăn nuôi gia cầm để ngăn chặn căn bệnh lây lan trên diện rộng.

Các nước châu Á đã và đang khẩn trương hành động nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Indonesia được đặt trong tình trạng báo động cao về sức khỏe ngày 19-9. Dự kiến chính phủ sẽ tăng quỹ phòng chống dịch bệnh sau khi đã chi 158 tỷ rupiah (15,6 triệu USD) cho quỹ này. 44 bệnh viện trong toàn quốc được chuẩn bị để sẵn sàng điều trị cho những người bị nhiễm bệnh, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm sang người.

Thái-lan đã công bố lệnh cấm nuôi vịt thả ở 25 tỉnh; đồng thời quyết định tạm thời đóng cửa những lò thi đấu gà chọi. Từ năm 2004, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái-lan đã yêu cầu người nuôi gà chọi ở nước này phải đăng ký. Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine chống virus cúm gia cầm H5N1 trong toàn quốc.

Các nhà khoa học Việt Nam thông báo đã sản xuất được một loại vaccine đầu tiên chống virus cúm gia cầm H5N1 và đang vạch kế hoạch thử nghiệm loại vaccine này ở người vào tháng 8. Trung Quốc cho biết nước này đã sản xuất được vaccine có thể phong tỏa sự lây lan của virus cúm gia cầm H5N1 ở các loài chim và động vật có vú; có kế hoạch đưa ra hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện và ngăn chặn sự lan rộng của cúm gia cầm trong trường hợp căn bệnh này bùng phát. Philippines đã chuẩn bị các phương tiện cho việc phát hiện và ngăn chặn bệnh cúm gia cầm trong trường hợp căn bệnh này tác động các vùng chăn nuôi gia cầm của nước này. Ở châu Âu, nông dân nhiều nước đã bắt đầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm từ châu Á lan sang.

Nông dân Hà Lan thực hiện lệnh của Chính phủ, nhốt 5,5 triệu con gà thả rông. Biện pháp này sẽ được áp dụng tại Ðức trong những ngày tới. Chính phủ Anh vạch kế hoạch tiến hành cuộc tập dượt chống bệnh cúm gia cầm trong tháng 9. EU đã ra lệnh cấm nhập thịt gia cầm từ Nga và Kazakhstan và thực hiện các biện pháp kiểm soát gia cầm. Nga đã tiêu hủy 120 nghìn con gia cầm để phòng dịch bệnh lây lan; toàn bộ các trang trại nuôi gia cầm trên lãnh thổ Nga được chuyển sang chế độ hoạt động khép kín. Chính phủ Nga đã cấp chín triệu rúp cho công tác phòng chống dịch bệnh này.

Nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm từ khu vực châu Á có thể bùng phát thành một đại dịch chết người trên phạm vi toàn cầu, Mỹ quyết định chi 100 triệu USD để mua dự trữ khoảng 20 triệu liều vaccine phòng chống virus H5N1.

Thanh Trà