Tiền đề không thể thiếu Lư Phổ Ân Tình hình chính trị nội bộ và an ninh ở một loạt quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Thái Bình Dương thời gian qua biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nước đó và cả khu vực. Thực tế đó càng khẳng định rằng ổn định và an ninh là những tiền đề không thể thiếu cho phát triển bền vững và để các quốc gia có điều kiện giải quyết những vấn đề của riêng mình. Nó cũng còn cho thấy ở các nước đó, nền tảng của an ninh và ổn định chưa có được nền tảng vững chắc. Xung đột vũ trang lại bùng lên ở Sri Lanca, Philippines, Đông Timor và khu vực Kashmir giữa Âận Độ và Pakistan; Chính trường Thái Lan vẫn chao đảo như thể cơn địa chấn vẫn chưa chấm dứt; Tương quan lực lượng quyền lực chính trị đã thay đổi ở Nepal, Solomon và Fiji nhưng chưa có gì đảm bảo là sẽ không bị đảo ngược; Giữa Pakistan và Afghanistan lại nặng lời đổ lỗi lẫn nhau dung chứa lực lượng Taliban; và sau nhiều năm, quân đội nước ngoài lại được đưa đến Đông Timor. Mỗi nơi một vẻ và chỗ nào cũng có nét đặc thù riêng về nguyên nhân và triển vọng với mức độ tác động của các tác nhân bên trong và bên ngoài khác nhau, nhưng ở đâu thì cuộc chơi của các tác nhân nội bộ vẫn đóng vai trò quyết định nhất. Đó là vấn đề chia sẻ quyền lực, tôn giáo, sắc tộc, chủ quyền lãnh thổ, dân chủ hay độc quyền, thiện chí đối thoại thật sự hay giả tạo, duy trì con bài hay tạo dựng thanh thế. Một khi trong quốc gia để xảy ra những chuyện như vậy thì làm sao có thể có được môi trường bên trong và bên ngoài thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, không thể tranh thủ được đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác quốc tế, không thể góp phần vào hoà bình, an ninh và ổn định chung của khu vực. Đồng thời, hình ảnh chung về cả khu vực cũng bị ảnh hưởng. Đấy là chưa kể đến tình hình đó còn tạo cơ hội cho kẻ thứ ba, thứ tư ...đục nước béo cò" và ngư ông đắc lợi". Không thể loại trừ tác động tiêu cực của những diễn biến tình hình ấy tới các nước vẫn đảm bảo được an ninh và ổn định để phát triển như Việt Nam. Ơ nhiều nước trong khu vực, cái giá đã phải trả thật quá đắt: xung đột bạo lực và phân rẽ xã hội trong khi lẽ ra phải hoà đàm và tìm kiếm sự đồng thuận xã hội, nghi ngại lẫn nhau và co cụm tách biệt nhau trong khi lẽ ra phải tạo dựng lòng tin và hợp tác với nhau, tạo điều kiện cho sự can dự từ bên ngoài, trong khi lẽ ra phải tự giải quyết lấy công chuyện nội bộ của mình. Bài học từ sự phát triển và hội nhập của Việt Nam là bảo đảm an ninh và ổn định, không ngừng củng cố nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của an ninh và ổn định. Việc giải quyết các vấn đề đi cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước phải lưu ý thoả đáng đến tính bền vững của môi trường đối nội và đối ngoại hoà bình, an ninh và ổn định cho đất nước. |
▪ Khánh Hoà: Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong chính thức khởi động (27/05/2006)
▪ Không biết tiêu tiền! (27/05/2006)
▪ Hà Nội: Khuyến mãi cuối tuần (27/05/2006)
▪ Chuyển 30% diện tích trồng lúa nước sang các loại cây trồng, vật nuôi (27/05/2006)
▪ Phú Yên: 90% tàu xa bờ... nằm bờ (27/05/2006)
▪ Bài học của nỗi đau (27/05/2006)
▪ Hè có cắt điện luân phiên? (26/05/2006)
▪ Giá vàng giảm mạnh ngoài dự kiến (26/05/2006)
▪ Ấn tượng Kofi Annan (26/05/2006)
▪ Thanh toán không dùng tiền mặt: Phải hướng đến tiện ích của dân (25/05/2006)