Bài học của nỗi đau Hà Văn Thịnh
Thảm hoạ gây nên cái chết cho hàng trăm người và thảm cảnh cho nhiều ngàn người, đã "được" các quan chức của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn T.Ư và UB Phòng, chống bão lụt quốc gia cho rằng, họ không hề phải chịu trách nhiệm (?). Nỗi đau từ cơn bão số 1 là nỗi đau nhức nhối của sự "tham nhũng về khả năng" - nói thẳng ra, kém cỏi về bổn phận và trách nhiệm.
Những số liệu mà các báo ra mấy ngày hôm nay cho thấy bức tranh đầy đủ và toàn là sự thật, chứng minh rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam vừa yếu kém về chuyên môn; vừa thiếu tỉnh táo trong việc xử lý các tình huống. Cái "giỏi" duy nhất của họ là bao biện và khoả lấp. Chẳng lẽ phân tích vấn đề đến nơi, đến chốn như ông Trần Chí Hiển (trên Báo Thanh Niên) đã nêu ra mà những người có trách nhiệm trong chuyện này không hề giật mình và xấu hổ? Không dám đòi hỏi các vị phải động tâm và động não trước cái chết thảm thương của hàng trăm con người; chỉ xin yêu cầu một điều rất nhỏ rằng: Các vị đó có cảm thấy áy náy chút nào không?
Nếu còn chút lòng tự trọng thì từ chức ngay bây giờ là điều đúng nhất. Tất nhiên, người dân và công lý đòi hỏi luật pháp phải đi xa hơn nữa. Tại sao các quốc gia khác không có thiệt hại về người, cho dù hằng ngày họ vẫn đánh cá ở chỗ ấy? Tại sao 20h ngày 12.5.2006, Đài Khí tượng thuỷ văn Hồng Kông đã báo cơn bão đổi hướng mà mãi đến 3h30 ngày 14.5.2006, "các nhà khí tượng học của chúng ta" vẫn nói nó đi thẳng? Sai lầm này không thể bao che, mà nhất thiết phải cúi đầu nhận tội trước sự thật. Đó là chưa nói chuyện tốc độ tàu của ngư dân chỉ có 5km/h, trong khi tốc độ của cơn bão gấp 3 lần như thế. Những người có trách nhiệm có biết điều này không? Nếu không biết, họ không xứng đáng để yên vị trên những cái ghế không hề chịu gió bão của mình. Nếu biết mà không dám quyết định, họ là những người vô tâm, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại.
Đối với ngư dân, trách nhiệm và khả năng của bến và bờ là trách nhiệm của người cha đối với những "đứa con" phải vất vả lầm lũi kiếm sống ở xa bờ; ở nơi có rất nhiều hiểm nguy và thách thức. Cách hành xử của những người trước tiên phải chịu trách nhiệm, cho chúng ta thấy rõ bài học của sự kém khả năng, kém tâm, kém tầm; nguy hại đến mức nào! Những nỗi đau của đất nước đều bắt đầu từ cái "nguyên lý" giản đơn và chua xót này. Đã đến lúc, tất cả chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật: Trong mọi sự sai lầm, sai lầm lớn nhất vẫn là sai lầm ở cách thức chọn người, dùng người! |